Biểu tượng của Nepal được khôi phục sau trận động đất lịch sử

Tòa tháp đồ sộ, cổ kính Bodhnath đã gần như được khôi phục sau trận động đất lịch sử tại Nepal vào năm 2015.

Tòa tháp Bodhnath còn được mệnh danh là tòa tháp lớn nhất Châu Á (Ảnh: Lonely Planet)

Bản đồ của đất nước Nepal với nhiều địa danh nổi tiếng đã phải vẽ lại vào tháng 4 năm ngoái do trận động đất này. Trên khắp thung lũng Kathmandu, nhiều ngôi đền, chùa cùng với các căn nhà đã đổ sập xuống, chỉ còn là gạch đá và những miếng gỗ chồng chất lên nhau. Một số điểm tham quan, du lịch nổi tiếng tại đây cũng đã phải chịu chung số phận.

Sau trận động đất, tòa tháp cổ Bodhnath đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt và có nguy cơ đổ sập. Các cơ quan có thẩm quyền tại Nepal đã quyết định tháo dỡ và khôi phục lại tòa tháp.Bodhnath là một ngọn tháp mạ vàng được coi là biểu tượng của đất nước Nepal.

18 tháng sau thảm họa, việc xây dựng, khôi phục lại tòa tháp gần như đã hoàn thiện. Đặc biệt là phần ngọn tháp với thiết kế hình dáng chiếc ô mạ vàng đã phục hồi lại hoàn toàn. Hơn 30 kg vàng được dùng để thay thế các thành phần bị hư hỏng trên ngọn tháp.

Dưới sự giám sát của Sở Khảo cổ học tại Nepal, Tòa tháp được từng bước phục hồi với những kỹ thuật xây dựng truyền thống để giữ nguyên được nét cổ kính và không tách biệt với những mảng tường cũ của tòa tháp. Ngay cả nguyên vật liệu cũng được chuẩn bị theo cách truyền thống, đặc biệt phần vữa dùng để xây dựng tòa tháp được nghiền thành bột từ những viên gạch cũ.

Tổng chi phí của việc khôi phục lại tòa tháp Bodhnath được ước tính vượt quá 230 triệu rúp (khoảng 2 triệu $). Nguồn vốn được huy động từ các quỹ phật tử tại địa phương và các nhà tài trợ tư nhân trong và ngoài nước. Tòa tháp sẽ được ra mắt du khách trở lại vào ngày 22/11 sắp tới. Bodhnath sẽ trở lại với vai trò là biểu tượng của đất nước đồng thời là trung tâm Phật giáo Tây Tạng tại thung lũng Kathmandu./.

Trang Thùy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-lich/bieu-tuong-cua-nepal-duoc-khoi-phuc-sau-tran-dong-dat-lich-su-217614.html