Biểu tượng của nền dân chủ và ý chí tập thể của nhân dân

Quốc hội Indonesia, còn được gọi là Hội đồng Hiệp thương nhân dân (Majelis Permusyawaratan Rakyat hoặc MPR), là thể chế quan trọng giúp định hình nền dân chủ của đất nước. Vì Indonesia là quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới và là quần đảo lớn nhất, nên Quốc hội nước này đóng vai trò là trung tâm của hệ thống chính trị, đại diện cho tiếng nói và lợi ích đa dạng của người dân.

Cơ cấu của Quốc hội

Quốc hội Indonesia là cơ quan lập pháp lưỡng viện bao gồm Hội đồng Đại biểu nhân dân (Dewan Perwakilan Rakyat hoặc DPR) và Hội đồng Đại biểu khu vực (Dewan Perwakilan Daerah hoặc DPD).

Toàn cảnh Khu phức hợp Tòa nhà Quốc hội Indonesia Nguồn: dpr.go.id

DPR là Hạ viện, với các thành viên được cử tri Indonesia bầu trực tiếp thông qua hệ thống đại diện theo tỷ lệ. Cơ quan này nắm giữ phần lớn quyền lập pháp, bao gồm soạn thảo và thông qua luật, phê chuẩn ngân sách nhà nước, phê chuẩn các thỏa thuận quốc tế và giám sát hoạt động của ngành hành pháp... DPR bao gồm đại diện từ các đảng phái chính trị khác nhau, phản ánh bối cảnh chính trị đa nguyên của Indonesia. Các thành viên của Hạ viện được bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Vào năm 2019, số ghế của Hạ viện được mở rộng từ 560 lên 575. Các hạ nghị sĩ được bầu theo đại diện tỷ lệ trên hệ thống danh sách đảng phái từ 80 khu vực bầu cử, với số ghế mỗi khu vực bầu cử từ 3 đến 10. Để có ghế trong DPR, một đảng phải có ít nhất 4% số phiếu bầu trên toàn quốc. Ban lãnh đạo DPR bao gồm một Chủ tịch và bốn Phó Chủ tịch. Ghế của Chủ tịch được dành cho đảng chính trị có số lượng đại diện lớn nhất trong Hạ viện và bốn vị trí Phó Chủ tịch được dành cho các đảng chính trị lớn thứ 2, thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

Trước đây, Luật Bầu cử của Indonesia yêu cầu khoảng cách ít nhất 3 tháng giữa các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Tuy nhiên, luật này được thay đổi cho cuộc bỏ phiếu năm 2019, cho phép các cuộc bầu cử Tổng thống, Quốc hội và khu vực được tổ chức trong cùng một ngày. Một trong những lý do được đưa ra là để tiết kiệm kinh phí, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các ứng cử viên Tổng thống và các đảng trong Quốc hội ủng hộ họ.

Trong khi đó, DPD là Thượng viện, được thành lập để đại diện cho lợi ích và thúc đẩy quyền của các khu vực. DPD cung cấp nền tảng thiết yếu cho các khu vực nêu lên mối quan ngại của mình và để tiếng nói của họ được lắng nghe ở cấp quốc gia.

Các thành viên của Thượng viện được bầu thông qua quy trình khác, theo đó các thượng nghị sĩ do hội đồng lập pháp cấp tỉnh lựa chọn. DPD đóng vai trò tư vấn trong quy trình lập pháp, cung cấp thông tin đầu vào về các luật và quy định có tác động đến các khu vực. Mỗi tỉnh của Indonesia có 4 bốn thành viên được bầu vào DPD (nhiệm kỳ 5 năm) trên cơ sở phi đảng phái. Do Indonesia có 34 tỉnh nên DPD có tổng cộng 136 thành viên. Mặc dù vai trò của DPD về bản chất là tư vấn, nhưng những hiểu biết và đề xuất của cơ quan này về các vấn đề khu vực được xem xét trong quá trình lập pháp. Sự sắp xếp này giúp cân bằng việc ra quyết định của chính quyền trung ương với lợi ích khu vực, thúc đẩy tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc gia.

Chức năng và quyền hạn

Trách nhiệm chính của Quốc hội Indonesia là xây dựng và thông qua luật. Các dự luật có thể được Chính phủ, các đảng phái chính trị hoặc các thành viên cá nhân của Quốc hội đề xuất. Trong trường hợp hai dự luật tương tự được đề xuất trong cùng khoảng thời gian Quốc hội họp, dự luật sẽ được cân nhắc là dự luật do Hạ viện đề xuất, trong khi dự luật do Tổng thống đề xuất được sử dụng làm nguồn so sánh.

Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc phê duyệt ngân sách nhà nước, bảo đảm ngân sách phù hợp với các mục tiêu phát triển của đất nước và đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp dân cư đa dạng. Cơ quan lập pháp Indonesia còn giám sát nhánh hành pháp, quy trách nhiệm cho Chính phủ về các hành động và chính sách của mình. Cơ chế này giúp củng cố tính minh bạch và thúc đẩy quản trị tốt.

Ngoài ra, Quốc hội còn chịu trách nhiệm đề xuất và ban hành các sửa đổi Hiến pháp, bảo đảm luật tối cao của đất nước vẫn phù hợp, đáp ứng được những thay đổi của xã hội…

Phiên họp và Ủy ban

Quốc hội Indonesia hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm, trùng với chu kỳ bầu cử. Sau mỗi cuộc tổng tuyển cử, các thành viên mới được triệu tập trong phiên họp toàn thể đầu tiên. Trong dịp này, họ bầu lãnh đạo Quốc hội, bao gồm Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện.

Để nâng cao hiệu quả lập pháp, Quốc hội thành lập nhiều ủy ban tập trung vào các lĩnh vực quản trị cụ thể, chẳng hạn như tài chính, đối ngoại, giáo dục và y tế. Các ủy ban này đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét các dự luật được đề xuất, tiến hành các cuộc điều tra và nghiên cứu để bảo đảm xem xét kỹ lưỡng các đề xuất lập pháp.

Cán cân quyền lực giữa hành pháp và lập pháp

Dưới thời cố Tổng thống Suharto, Quốc hội Indonesia chủ yếu chứng thực các quyết định hành pháp, nhưng hiện nay mối quan hệ đó đã trở nên cân bằng với vai trò của cơ quan đại diện ngày càng được củng cố. Luật có thể được Tổng thống, DPR và DPD đề xuất. Tổng thống có thể ban hành các quy định của Chính phủ thay vì luật, nhưng để duy trì hiệu lực, những quy định này phải được DPR phê duyệt tại phiên họp tiếp theo. Tổng thống không được giải tán hoặc đình chỉ hoạt động của Quốc hội. Các dự luật đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua sẽ được các lãnh đạo Hạ viện đệ trình lên Tổng thống trong vòng không quá 7 ngày làm việc để được ký ban hành…

Đại diện của phụ nữ trong Quốc hội

Quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội đã tồn tại ở Indonesia kể từ cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 1955, nhưng số lượng nữ nghị sĩ còn khiêm tốn. Năm đó, phụ nữ chỉ giành được 5,06% số ghế. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng dần lên 11,4% vào năm 1997. Thời kỳ cải cách vào cuối những năm 1990 đánh dấu điểm quyết định, dẫn đến nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ tham gia vào quy trình chính trị. Cùng năm đó, Indonesia thông qua quy định yêu cầu các đảng chính trị phân bổ ít nhất 30% danh sách ứng cử viên cho phụ nữ, từ đó nâng cao đại diện nữ trong Quốc hội. Kể từ đó, số lượng phụ nữ trong Quốc hội Indonesia liên tục tăng qua các năm. Theo số liệu thống kê mới nhất, số nữ nghị sĩ hiện chiếm 22%, với 126 người trên tổng số 575 ghế của Hạ viện.

Thực tế khả quan đó đã có tác động tích cực đến việc quản trị và quyết định chính sách của quốc gia. Các nữ nghị sĩ Indonesia ủng hộ những vấn đề quan trọng như bình đẳng giới, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và quyền của phụ nữ. Họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy lập pháp về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và thúc đẩy phúc lợi xã hội. Thông qua những sáng kiến chính sách cụ thể, phụ nữ trong Quốc hội Indonesia mang đến nhiều quan điểm độc đáo và kinh nghiệm cuộc sống, làm giàu chất lượng của các cuộc tranh luận và thảo luận chính sách. Sự đại diện của họ bảo đảm rằng, các nhu cầu và quan ngại của phụ nữ Indonesia được xem xét khi xây dựng luật pháp và chính sách.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/bieu-tuong-cua-nen-dan-chu-va-y-chi-tap-the-cua-nhan-dan-i338820/