'Biệt phủ' trong lòng dân

Thời gian qua, có một số trường hợp cán bộ có nhà lớn, hoành tráng… được gọi chung là 'biệt phủ', 'dinh thự'... Gọi vậy là có phần thậm xưng.

Nhưng, nếu nhìn quy mô của những ngôi nhà có khuôn viên thậm chí hàng ngàn mét vuông, so với nhiều nhà dân chỉ vài ba chục mét vuông mà 5-7 người chen chúc sống thì mới thấy sự cách biệt.

Trong một số trường hợp, biệt phủ đó chưa phải là nơi ở chính hoặc là nơi ở duy nhất, bởi họ còn có nhà cửa khác, chứng tỏ rất giàu có. Thậm chí, có trường hợp biệt phủ đó còn được xây dựng trái phép, sai phép, gây ra những điều tiếng không hay tại địa phương. Người dân không thể không đặt câu hỏi: nhà đó có phải từ thu nhập chính đáng?

Nếu vội nói rằng các biệt phủ đó đều được xây dựng từ thu nhập sai trái thì chưa hẳn đúng, vì nhiều người là cán bộ bên cạnh lương và các khoản thu nhập theo vị trí công tác, họ còn có những nguồn thu nhập khác như thừa kế, hoạt động sản xuất - kinh doanh đúng pháp luật… Và, cán bộ, công chức cũng có quyền được xây dựng nhà cửa khang trang, tươm tất nếu không vi phạm pháp luật hay những điều đảng viên không được làm.

Thế nhưng, khi người dân ở nhiều nơi, nhất là xung quanh còn nghèo thì những biệt phủ ở xen vào đó có phần bất nhẫn, lạc điệu. Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên vốn là người được cho là "lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ", là đại diện cho những "công bộc" của dân, lại có cuộc sống giàu có, xa hoa, thậm chí xa hoa quá mức, liệu có nên không? Không chỉ vậy, khi đã ở nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường thì liệu còn liên hệ mật thiết với nhân dân nữa không, hay đã trở nên cách biệt, xa rời quần chúng nhân dân cả về không gian lẫn tâm thế?

Có không ít cán bộ đương chức lẫn nghỉ hưu, trong đó có người từng là cán bộ cấp cao sống giản dị, chan hòa với người dân. Có người trở thành nông dân thực sự, không hẳn là "vui thú điền viên", vì vẫn quan tâm đến công việc của đất nước, xã hội, sẵn lòng ủng hộ những phong trào chung địa phương, sẵn sàng hỗ trợ về nhiều mặt cho cán bộ cơ sở, tích cực làm công tác xã hội, ủng hộ hoạt động khuyến học, giúp đỡ người nghèo...

Điều thú vị là với những người này đều không sống trong các biệt phủ - dẫu nhà của họ có to, có rộng thì cũng không kín cổng cao tường cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là những người có "biệt phủ" trong lòng dân!

"Biệt phủ" trong lòng dân có thể hiểu là những người từng có chức vụ quan trọng, có thể là người giàu có về vật chất, ở trong nhà cao cửa rộng… nhưng vẫn chan hòa, gần gũi với dân, gắn bó với chính quyền cơ sở, thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng một cách thiết thực. Với những người đó, nếu giàu có thì người dân dường như cũng không thắc mắc gì về tài sản của họ và luôn được nhân dân kính trọng.

Người có nhà cao cửa rộng nhưng không được nhân dân yêu mến thì nhà cao cửa rộng đó chính là một "nhà giam giữ" của họ. Vì vậy, cán bộ lúc đương chức nếu chỉ lo vun vén, "vinh thân phì gia" để xây cất nhà cửa nguy nga mà không được nhân dân tin yêu thì đó là một trong những mầm mống tạo nên sự mất niềm tin của quần chúng đối với các đảng viên nói chung.

Còn những "biệt phủ" trong lòng dân chính là lan tỏa hình ảnh cán bộ, đảng viên gần gũi, chan hòa, lo cùng cái lo của dân, vui cùng cái vui của dân, hẳn sẽ làm uy tín của hệ thống chính trị nâng cao!

Trịnh Minh Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/biet-phu-trong-long-dan-196231231193110919.htm