Biết nhận sai

Lịch sử cho thấy nước ta có những vị vua anh minh tự hạ mình nhận lỗi khi có sai lầm, thiếu sót trong chính sự. Năm 1207, vua Lý Cao Tông (1173 - 1210) trước tình trạng đất nước suy kiệt, giặc cướp nổi lên, đã xuống chiếu cáo lỗi với nhân dân: 'Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết được cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới. Dân đã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi, cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại'.

Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) khi nghe Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Bá Ký dâng sớ trách vua làm văn chỉ chuộng lối học phù hoa, vô dụng mà không chú ý kinh sử đã trả lời: “Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói thì trong bốn chữ “phù hoa vô dụng” kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi. Thế mà ta lại làm văn mà biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy, người đã kịp thời can ngăn, chẳng vì thế mà giữ ý”.

Vua Quang Trung sau cuộc tấn công đánh bại quân Thanh xâm lược ở Thăng Long vào tết Kỷ Dậu 1789, nhận được “đơn kiện” của người dân về việc bia Văn Miếu bị đánh đổ ngổn ngang cũng đã cho ngay thánh chỉ cùng châu khuyên vào tờ đơn: “… Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa sai trước Quốc hội và nhân dân về một số thiếu sót trong cải cách ruộng đất.

Tiếc rằng, hiện nay nhiều người sai rõ rành nhưng vẫn loanh quanh đổ thừa này nọ. Tiếc rằng có cán bộ đảng viên không chịu nhận sai và sẵn sàng đổ lỗi cho người khác. Nhiều người còn cậy thế, thách thức tổ chức, dư luận, gây mất đoàn kết, bất ổn trong nội bộ, cơ quan, đơn vị. Theo dõi một số vụ xét xử gần đây thì thấy, có những quan chức nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng vẫn khai trước tòa ráo hoảnh rằng không biết đó là tiền hối lộ, “đưa thì cầm thôi”.

Nhìn lại chuyện xưa để thấy, không ai hoàn hảo không có khuyết điểm. Quan trọng là thái độ ứng xử trước những khuyết điểm, sai lầm để thực tâm nhận lỗi, sửa sai. Nên người có cương vị cao đến mấy, khi biết nhận sai chính là biết “tự phê bình”, biết nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn sự trong sạch của Đảng, giữ niềm tin đối với Đảng sẽ luôn được tôn trọng. Còn ngược lại, người biết sai cũng không dám nhận sai, vì lo sợ trách nhiệm hay sợ bị đánh giá yếu kém thì vẫn muôn đời yếu kém.

Ngọc Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/biet-nhan-sai-177472.html