Biệt đội 'vượt sóng cứu người'

Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy… là những cây cầu lớn bắc qua sông Hồng, giúp người dân Hà Nội đi lại thuận thiện và kinh tế phát triển. Thế nhưng, không biết từ bao giờ chúng lại là nơi nhiều người tìm đến để… trút bỏ ưu phiền. Các chiến sỹ của Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) CATP Hà Nội cũng không biết từ bao giờ, cứ có tin báo là lại lao ra đó cứu người với hy vọng… còn nước còn tát.

Những “chiếc phao sống” giữa lòng sông

Đặc thù công việc của họ là tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ các vụ tai nạn, sự cố trên sông. Đó có thể là các tình huống cháy nổ, các vụ nhảy cầu tự sát, đuối nước hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm tang vật vụ án.

Các anh phải chạy đua với thời gian, tranh giành với tử thần để giữ lại sự sống cho nạn nhân

32 năm tuổi đời, 12 năm tuổi quân, Thượng úy Lê Văn Linh - cán bộ Đội PCCC và CNCH trên sông chẳng thể nhớ mình đã cứu được bao nhiêu người gặp nạn, vớt được bao nhiêu thi thể, tìm được bao nhiêu tang vật vụ án, nhưng mỗi vụ việc đều giúp anh tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Tâm niệm của anh cũng như các đồng đội khác luôn thường trực suy nghĩ: “Nhanh một giây là đã cứu được một mạng người”. Bởi vậy các anh phải chạy đua với thời gian, tranh giành với tử thần để giữ lại sự sống cho nạn nhân. “Mỗi lần nhận tin báo lên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi chỉ mong cứu được người thay vì vớt xác. Dù cơ hội sống rất mong manh, nhưng anh em trong đội luôn hy vọng mình sẽ là “những chiếc phao sống” cho những người nghĩ quẩn bám tựa giữa lòng sông” - Thượng úy Linh nói.

Bản lĩnh “thép” trên sóng nước

Đã làm lính PCCC và CNCH đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều gian khó mỗi ngày. Lao vào đám cháy bỏng rát như hỏa ngục hay ngâm mình dưới đáy sông tối tăm, lạnh lẽo đều cần đến lòng quả cảm, bản lĩnh của người chiến sỹ, đặc biệt là phải tinh thông nghiệp vụ. Thiếu tá Bùi Duy Long - Phó Đội trưởng Đội PCCC và CNCH trên sông, chia sẻ: “PCCC và CNCH cả trên cạn lẫn trên sông đều là những công việc khó khăn, nguy hiểm, áp lực rất cao. Các sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không báo trước. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, quan trọng nhất là các chiến sỹ phải tập luyện thường xuyên, kỹ năng thuần thục, tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Bởi vì trong công tác cứu nạn cứu hộ nói chung và dưới nước nói riêng, chỉ cần sơ suất nhỏ thì mọi thứ sẽ không có cơ hội sửa chữa”.

PCCC và CNCH cả trên cạn và trên sông là một trong những công việc khó khăn, vất vả, nguy hiểm, áp lực rất cao

Đại úy Cao Hồng Hải đã có thâm niên 16 năm phục vụ trong lực lượng PCCC và CNCH. Anh cho biết, cuối năm 2017 Đội PCCC & CNCH trên sông mới thành lập. Trước đó, anh đã từng tham gia dập lửa, cứu người không biết bao nhiêu vụ hỏa hoạn trên địa bàn Hà Nội. “Công tác cứu nạn, cứu hộ trên cạn vốn đã khó một thì cứu nạn, cứu hộ dưới nước khó khăn gấp mười. Bởi khi lặn xuống một độ sâu nhất định thì xung quanh tối đen, dù được trang bị đèn chiếu sáng mạnh đến mấy thì người lính cũng chỉ nhìn xa được 1m mà thôi. Lúc đó ban ngày cũng không khác nào ban đêm, chúng tôi chỉ cảm nhận xung quanh bằng tay, chân, cơ thể và… kinh nghiệm.

Dưới đáy nước sâu là một thế giới khác. Nếu ở trên cạn ta có thể nghe, nhìn thấy nhau, phối hợp với nhau, nhưng ở dưới nước thì không. Tất cả mọi người lính phải hoạt động độc lập, họ phải tự phán đoán, tự ra quyết định, tự hành động”. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao nhất, các chiến sỹ thường triển khai các đội hình lặn theo dây, 4-5 người lặn cùng một lúc. Mỗi lượt lặn như thế chỉ kéo dài tầm 10 - 15 phút, một đội hình khác đã chờ sẵn để chi viện. “Mỗi khi cứu được người thì không còn gì vui bằng. Sau mỗi lần như thế, anh em chúng tôi hạnh phúc lắm, tự hào lắm. Sinh mạng nào cũng đáng quý, miễn chúng ta còn được sống, được thở đã là hạnh phúc rồi nhà báo ạ” - Đại úy Cao Hồng Hải nói.

Làm lính PCCC và CNCH đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều gian khó mỗi ngày

“Chấp kinh, tòng quyền”

Dấn thân vào nghề “cứu hộ trên sông” thì phải xác định tư tưởng là thường xuyên phải… tiếp xúc với người chết. Nhiều tình huống các anh còn phải làm công tác tư tưởng với người nhà nạn nhân. Bởi quá đau xót trước mất mát, họ chỉ muốn nhảy cầu theo người thân của mình. Nói đến đây, ánh mắt Thiếu tá Bùi Duy Long lại trùng xuống: “Khi gặp nạn, không phải ai cũng may mắn được cứu kịp thời. Cũng có những lần dù chúng tôi đã nỗ lực hết mình để đến hiện trường nhanh nhất, nhưng nạn nhân đã không thể cầm cự được. Gặp tình huống ấy, chính chúng tôi cũng rất xót xa”.

Với những trường hợp được các chiến sỹ Đội PCCC và CNCH trên sông cứu kịp thời, trong lúc chờ lực lượng y tế đến bàn giao, các anh phải liên tục hỏi chuyện nạn nhân. Thứ nhất là để trấn an tâm lý, thứ hai để kiểm tra độ tỉnh táo, nắm bắt thông tin cũng như tình trạng ban đầu của họ.

Đặc thù công việc của các chiến sỹ PCCC và CNCH nói chung là không có giờ giấc. Bất kể ngày lễ, Tết hay cuối tuần, thậm chí ngay khi đang được nghỉ mà có lệnh là họ phải lập tức lên đường làm nhiệm vụ. “Mùa hè còn đỡ, mùa đông mà lặn xuống đáy sông thì mới thật khủng khiếp. Những lúc như thế, anh em trên bờ phải chuẩn bị sẵn củi lửa để chờ đồng đội lên có cái mà sưởi ấm ngay thì mới chống chọi được cái lạnh thấu xương” - Đại úy Cao Hồng Hải kể.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, quan trọng nhất là các chiến sỹ phải tập luyện thường xuyên, kỹ năng thuần thục, tuyệt đối không để xảy ra sai sót

Nhìn những làn da rám nắng, những đôi môi tái nhợt mỗi khi ngoi lên mặt nước nhưng vẫn sẵn sàng lao xuống lòng sông sâu thẳm làm nhiệm vụ, chúng tôi hỏi: “Điều gì đã giúp các anh gắn bó với nghề suốt 16 năm qua?”. Những chiến sỹ nhìn nhau cười: “Để nói rạch ròi ra thì rất khó. Chỉ khi nào các bạn nhìn những cánh tay chấp chới giữa dòng nước, nhìn thấy những ánh mắt tuyệt vọng cầu cứu hướng về mình thì sẽ hiểu”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/biet-doi-vuot-song-cuu-nguoi-post573287.antd