Biết cơ sở chế tác đá lấn chiếm đất di tích nhưng xã 'khó' giải tỏa?

Mặc dù chính quyền xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) biết các cơ sở "chiếm" đất khuôn viên của Chùa Trầm là sai nhưng vẫn "làm ngơ" vì khó?

Từ nhiều năm nay một số cơ sở chế tác đá ở thôn Long Châu Miếu (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã “lấn chiếm” khuôn viên đất của khu di tích Chùa Trầm để làm nơi sản xuất, kinh doanh.

Trong đó có cơ sở điêu khắc đá Trường Nguyệt đã “chiếm” hàng trăm mét mặt đường để làm nơi sản xuất và trưng bày, buôn bán sản phẩm của mình. Việc này đã gây ra bức xúc cho người dân trong thôn.

Mặc dù họ đã có đơn thư gửi lên các cấp chính quyền yêu cầu giải tỏa khu vực bị lấn chiếm để không bị ảnh hưởng tới mỹ quan của khu di tích này, nhưng cho đến nay cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động mà không hề bị xử lý.

Khu di tích lịch sử - di tích cách mạng Chùa Trầm.

Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Phụng Châu. Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thêu - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cũng có một số hộ làm tại khu Chùa Trầm chứ không riêng gì cơ sở Trường Nguyệt".

Ông Thêu cũng cho biết, địa phương này cũng rất nhiều lần đề nghị UBND thành phố phê duyệt khu quy hoạch riêng cho làng nghề. Mới đây sở Quy hoạch và Đầu tư, sở Kiến Trúc đã có dự án quy hoạch làng nghề cho địa phương. Khi đã có được được khu quy hoạch các hộ làm nghề sẽ được di dời đến điểm quy hoạch.

"Chúng tôi cũng biết việc các hộ làm đá cũng làm ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh rất nhiều, nhất là ảnh hưởng tới môi trường. Trong trường hợp về cơ sở điêu khắc đá của gia đình nhà anh Trường (cơ sở điêu khắc đá Trường Yến) chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư phản ánh ở địa phương cũng như sự chỉ đạo từ UBND huyện Chương Mỹ về việc này. Trong lần xuống làm việc của chúng tôi với cơ sở này, phía chủ quản lý cơ sở cũng thừa nhận việc làm của mình là không đúng.

Trách nhiệm của chúng tôi, cũng đã thiết lập văn bản hiện trạng, chúng tôi cũng đã yêu cầu phía cơ sở giải tỏa khỏi địa điểm đó đi. Tuy nhiên phía cơ sở cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ khu quy hoạch đất cho làng nghề để chuyển ra ổn định sản xuất, thế nên cũng có cái khó của địa phương”.

Nhiều năm nay một số cơ sở điêu khắc đá ngang nhiên "chiếm" đất của Chùa Trầm để làm nơi sản xuất, kinh doanh, buôn bán.

Cũng theo thông tin từ ông Thêu cho biết, không chỉ có mình cơ sở Trường Nguyệt mới làm trên đất của khu di tích Chùa Trầm, mà còn có vài cơ sở khác cũng đang làm trên đất của chùa. Nếu như chỉ giải tỏa một hộ mà vẫn còn các hộ khác vẫn làm ở đó nân rất khó.

Ông Thêu cũng cho biết thêm: "Vấn đề làng nghề ở địa phương bây giờ chủ yếu chông chờ vào khu quy hoạch làng nghề. Cũng chỉ có vậy mới có thể giải tỏa được tất cả các hộ chuyển vào đất làng nghề. Đây cũng là vấn đề hết sức bức bách của của địa phương cũng như bức xúc của các hộ làm nghề. Họ cũng đang chờ sớm có được địa điểm của khu quy hoạch để chuyển đến ổn định sản xuất".

Chính quyền xã nói khó giải tỏa vì dân chưa có nơi sản xuất.

“Tôi cũng mới làm vị trí này ở xã được gần một năm nay, cũng nắm rõ được thông tin người có đơn thư khiếu kiện, đây chỉ là do mâu thuẫn cá nhân. Bởi vì sao người này lại chỉ kiện đối với mình cơ sở Trường Nguyệt, trong khi lại có một số hộ khác cũng cũng đang sản xuất trên đất của khu di tích mà không bị kiện?" - Ông Thêu nhận định thêm.

Ông Thêu phân trần, không phải việc giải tỏa này khó mà UBND xã không thực hiện giải quyết. Mà đến quý IV năm UBND thành phố sẽ công bố quy hoạch chi tiết: "Ngày 30/1/2015 UBND TP Hà Nội có quyết định số 505 về quy hoạch chung hệ thống sinh thái thị trấn Trúc Sơn, trong 6 xã, phường được quy hoạch trung vao dự án tổng thể này đã được phê duyệt. Theo như dự án tổng thể này xã Phụng Châu có 3 thôn nằm trong quy hoạch, trong đó có 1 phần đất dự án dành cho làng nghề Long Châu Miếu”.

Theo tìm hiểu của PV được biết, thôn Long Châu Miếu có nghề điêu khắc đá cách đây khoảng trên 200 năm, chuyên sản xuất các tác phẩm bằng đá phục vụ cho thị trường. Vì vậy, nghề điêu khắc đá của thôn đã được UBND thành phố Hà Nội có quyết định số 6242 ngày 13/2/2105 công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống.

Hiện tại thôn Long Châu Miếu có gần 30 cơ sở chế tác đá thì hầu như tất cả các cơ sở này chưa có nơi để sản xuất và kinh doanh ổn định. Một số hộ làm tại nhà, một số làm tại ven đường. Nhưng vấn đề nổi cộm ở đây là việc một số cơ sở đã “lấn chiếm đất” của khu di tích lịch sử - di tích cách mạng Chùa Trầm để làm nơi buôn bán, kinh doanh và sản xuất. Cũng chính điều này đã ảnh hưởng tới mỹ quan của khu di tích gây bức xúc cho người dân địa phương.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin cho bạn đọc khi có thông tin mới nhất về vụ việc.

Xem thêm:

>> Cơ sở điêu khắc đá lấn chiếm đất di tích, chính quyền xã làm ngơ?

Đào Nguyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/biet-co-so-che-tac-da-lan-chiem-dat-di-tich-nhung-xa-kho-giai-toa-a256037.html