Biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn 105% so với biến thể Delta

Hình ảnh thể hiện các đột biến của biến thể Omicron (phải) và Delta (trái) do các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Bambino Gesu ở Rome (Ý) công bố. Ảnh: AFP/TTXVN

* Một loạt nước châu Âu thông báo số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục

Kết quả một nghiên cứu công bố mới đây trên trang medRxiv cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao hơn 105% so với biến thể Delta.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các mô hình thống kê để đánh giá cách thức virus SARS-CoV-2 lây nhiễm ở Pháp bằng cách sử dụng các xét nghiệm sàng lọc đối với từng biến thể cụ thể và giải trình tự gene.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu tập trung vào 3 đột biến ở protein gai của virus SARS-CoV-2 khi phân tích hơn 131.000 kết quả xét nghiệm thực hiện từ ngày 25/10-18/12/2021. Kết quả cho thấy, ở những người trẻ tuổi, tỉ lệ nhiễm biến thể Omicron hoặc biến thể Alpha cao hơn so với biến thể Delta. Ở hầu hết các khu vực có nguy cơ cao ở Pháp, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy số ca nhiễm các biến thể này tăng đáng kể theo thời gian.

Dựa trên phát hiện này, các nhà nghiên cứu so sánh khả năng lây nhiễm virus ở những người nhiễm biến thể Omicron hoặc Alpha với khả năng lây truyền ở người nhiễm biến thể Delta trong khoảng thời gian 21 ngày. Theo đó, chênh lệch lên đến hơn 105%. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra những dự báo về tình hình tại khoa chăm sóc tích cực (ICU) tại các bệnh viện ở Pháp đầu năm 2022. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù biến thể Omicron có ít độc lực hơn so với biến thể Delta, nhưng các bệnh viện ở Pháp vẫn có thể phải chịu nhiều sức ép. Tuy nhiên, các bệnh viện được dự báo sẽ không rơi vào tình trạng quá tải.

Trong khi đó, châu Âu tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19 với số ca mới ghi nhận hằng ngày chiếm hơn 50% tổng số ca mắc trên toàn cầu. Trong ngày 5/1, một loạt nước Hà Lan, Bồ Đào Nha, Croatia.... đều đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy trong suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 5/1, Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan ghi nhận con số kỷ lục mới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hằng ngày với 24.590 kết quả xét nghiệm dương tính, vượt số cao kỷ lục 23.713 ca ghi nhận ngày 24/11/2021.

Các ca lây nhiễm tại Hà Lan đã tăng gần 60% so với tuần trước mặc dù nước này đã siết chặt các biện pháp phòng dịch như đóng cửa tất cả trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa không thiết yếu cũng như các nhà hàng, tiệm làm tóc, phòng tập thể dục, bảo tàng và các địa điểm công cộng khác kể từ ngày 19/12/2021.

Theo Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan, biến thể Omicron của SARS-CoV-2 hiện đang chiếm đa số các ca nhiễm mới.

Cho đến nay, các biện pháp phòng dịch của Hà Lan đã góp phần làm giảm số lượng bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện xuống mức thấp nhất trong 2 tháng với trung bình mỗi ngày, 13 bệnh nhân cần điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 điều trị trong ICU đến ngày 5/1 là 449 người, giảm 15 người so với ngày trước đó.

Tuy nhiên, theo Trung tâm điều phối quốc gia về phân bổ bệnh nhân (LCPS), số bệnh nhân COVID-19 nhập viện sẽ sớm tăng trở lại do sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm mới. Mặc dù vậy, chính phủ Hà Lan ngày 3/1 đã quyết định cho phép các trường tiểu học và trung học mở cửa trở lại theo đúng kế hoạch sau kỳ nghỉ Giáng sinh vào ngày 10/1.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Các biện pháp phòng dịch khác dự kiến được đưa ra vào ngày kết thúc lệnh phong tỏa (ngày 14/1). Hiện hơn 85% người trưởng thành ở Hà Lan đã được tiêm chủng, nhưng chiến dịch tiêm mũi tăng cường của nước này diễn ra chậm chạp.Theo số liệu của chính phủ, tính đến ngày 5/1, mới chỉ có 32% người trưởng thành đã được tiêm mũi vắc xin tăng cường.

Bồ Đào Nha ngày 5/1 có 39.570 ca nhiễm mới - mức tăng cao nhất theo ngày ghi nhận được kể từ đầu dịch đến nay. Theo Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa, nước này đã tăng cường năng lực xét nghiệm gấp 5 lần so với 1 năm trước và đây là một phần nguyên nhân nước này xác định được nhiều ca nhiễm như trên.

Nhà lãnh đạo Bồ Đào Nha đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của vắc xin trong phòng chống dịch COVID-19 khi khẳng định vắc xin làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong ở người mắc COVID-19. Theo số liệu chính thức của Bồ Đào Nha, 88% dân số nước này đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vắc xin cơ bản, và có hơn 3 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.

Croatia ngày 5/1 ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục theo ngày 8.575 ca, tăng 47% so với ngày trước đó. Ngoài Croatia, nhiều nước khu vực Tây Balkan cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lay nhanh chóng. Số ca nhiễm mới tại Bosnia đã tăng gấp 2 lần trong tuần qua, lên 1.556 ca vào ngày 5/1. Montenegro cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng 86% trong tuần qua.

Do sự lây lan của biến thể Omicron, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/1 ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục 66.467 ca.

Trong 1 tuần, số ca nhiễm mới đã tăng hơn 2 lần và Omicron hiện đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nước này.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết ở thời điểm hiện tại nước này không có kế hoạch xem xét việc siết chặt các biện pháp phòng dịch, mà chỉ kêu gọi người dân tiêm chủng và tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân.

Ông cũng công bố điều chỉnh quy định về thời gian cách ly. Với các ca dương tính, thời gian cách ly là 7 ngày. Thời gian cách ly sẽ kết thúc khi người bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không còn triệu chứng. Tuy nhiên, thời gian cách ly có thể sẽ kết thúc sớm hơn nếu người mắc có kết quả âm tính vào ngày thứ 5 tiến hành xét nghiệm lại sau thời điểm xác định dương tính.

Theo quy định hiện hành tại Thổ Nhĩ Kỳ, người có tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không phải cách ly nếu đã tiêm mũi tăng cường hoặc phơi nhiễm virus này trong 3 tháng gần nhất.

Tại châu Á, ngày 6/1, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo ghi nhận 90.928 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, tăng 57% so với 58.097 ca ghi nhận một ngày trước đó. Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 325 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc tại Ấn Độ đến nay là 35.109.286 ca, trong đó có 482.876 ca tử vong.

Tại Israel, Giáo sư Eran Segal tại Khoa Khoa học máy tính và Toán ứng dụng thuộc Viện Weizmann cho hay số bệnh nhân COVID-19 do biến thể Omicron tại Israel tăng gấp đôi cứ sau 2,5-2,7 ngày. Theo Giáo sư Segal, đà tăng nói trên rất đều đặn trong thời gian qua.

Số liệu được ước tính dựa trên số bệnh nhân nhiễm Omicron được ghi nhận chính thức sau khi trừ đi số bệnh nhân nhiễm biến thể Delta và bệnh nhân nhập cảnh. Cùng ngày, báo cáo của Bộ Y tế Israel cho biết nước này ghi nhận 11.978 ca mắc mới - mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát.

Tỉ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính là 6,65%, trong khi hệ số R đo tốc độ lây nhiễm cũng tăng liên tục lên 1,94. Hiện vẫn còn 14% số người trên 20 tuổi tại Israel chưa tiêm vắc xin và nhóm này chiếm tới 68% các ca COVID-19 nặng.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Úc tiếp tục diễn biến phức tạp do biến thể Omicron, theo đó nước này liên tiếp khi nhận kỷ lục mới về số ca mắc mới theo ngày, gây áp lực đối với hệ thống y tế. Theo số liệu chưa chính thức, Úc ngày 6/1 ghi nhận 72.392 ca mắc mới, cao hơn so với con số 64.774 ca của ngày trước đó.

Sáng 6/1 (theo giờ Việt Nam), Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ chính thức công bố quyết định sử dụng vắc xin của Pfize/BioNTech làm mũi tiêm tăng cường cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi.

Quyết định được công bố vài giờ sau khi Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng trực thuộc CDC Mỹ bỏ phiếu thông qua kiến nghị về việc mở rộng đối tượng tiêm chủng mũi tăng cường là trẻ em trong độ tuổi trên. Trong cuộc họp ngày 5/1, ủy ban này cũng kiến nghị CDC cần bổ sung khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho thanh thiếu niên từ 16 đến 17 tuổi.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm mũi tăng cường cho trẻ em, Tiến sĩ Katherine Poehling thuộc ủy ban trên cho biết bệnh nhân COVID-19 đang chiếm số đông tại hệ thống bệnh viện của Mỹ, bao gồm cả các bệnh viện nhi, do đó, tiêm mũi tăng cường là vũ khí để giúp trẻ em vượt qua đại dịch này.

Hiện một số nhà khoa học vẫn bày tỏ quan ngại về những phản ứng phụ hiếm gặp như viêm cơ tim khi tiêm mũi tăng cường sử dụng hai loại vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna, đặc biệt ở nam giới trẻ tuổi. Trên thực tế, hiện có ít dữ liệu về những trường hợp gặp phản ứng phụ viêm cơ tim sau khi tiêm mũi tăng cường ở nhóm trẻ từ 12 đến 15 tuổi.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cho rằng những dữ liệu thu thập từ Mỹ và Israel cho thấy nguy cơ viêm cơ tim ở nam giới độ tuổi từ 18-40 sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường thấp hơn đáng kể so với nguy cơ này sau khi tiêm mũi 2.

Bộ Y tế Israel ngày 5/1 cho biết chỉ có 2 ca viêm cơ tim được thông báo trong số 44.000 trẻ từ 12 đến 15 tuổi tiêm mũi thứ 3 vắc xin của Pfizer.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269508/bien-the-omicron-co-kha-nang-lay-truyen-cao-hon-105-so-voi-bien-the-delta.html