Biến thách thức thành cơ hội cho kênh bancassurance

Ở góc độ doanh nghiệp bảo hiểm được đánh giá là thành công nhất Việt Nam trong phát triển kênh Bancassurance, Bảo hiểm Agribank coi thách thức đồng thời là cơ hội cho kênh Bancassurance phát triển.

Sau những "lùm xùm" xảy ra liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance), thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung chứng kiến sự suy giảm đáng kể về niềm tin cũng như doanh thu phí dịch vụ. Cuộc “khủng hoảng niềm tin” cộng thêm bối cảnh kinh tế suy thoái khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp không ít thách thức, khó khăn.

Tuy vậy, ở góc độ tích cực, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng nhìn nhận đây cũng là đợt "thanh lọc" để thị trường bảo hiểm phát triển minh bạch, bền vững hơn, nhằm nâng cao tín nhiệm của ngành trong thời gian tới.

Ở góc độ một doanh nghiệp bảo hiểm được đánh giá là thành công nhất Việt Nam trong phát triển kênh phân phối Bancassurance cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank coi những thách thức cũng đồng thời là cơ hội cho kênh Bancassurance phát triển.

Bảo hiểm Agribank tham gia tọa đàm về bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

* Suy giảm Bancassurance

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.741 tỷ, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ 2022; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ chứng kiến sự suy giảm mạnh. Số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận giảm tới 31,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 1 triệu hợp đồng (sản phẩm chính). Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 61,2%, giảm tới 34,4%; Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2%, giảm 52,5%; Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,7%, giảm 17,6%...

Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới toàn thị trường trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 15.508 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dù doanh thu suy giảm, song các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lại ghi nhận con số trả tiền bảo hiểm tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, khi đã thực hiện chi trả tới 25.850 tỷ đồng, tăng 37,1% với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bị ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm nay.

Không chỉ vậy, một trong những kênh phân phối chính của ngành bảo hiểm thời gian gần đây là Bancassurance cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh, kéo giảm thu nhập ngoài lãi của hầu hết các ngân hàng trong nửa đầu năm nay.

Sự suy giảm của ngành bảo hiểm trong thời gian qua được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Những tồn tại, bất cập trong khâu tư vấn dịch vụ và đỉnh điểm là cuộc "khủng hoảng niềm tin" xảy ra vào quý I/2023 được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm mạnh của ngành trong nửa đầu năm nay.

Bên cạnh đó, một số khách hàng lợi dụng tình hình thị trường khó khăn "tát nước theo mưa" đòi hủy hợp đồng để được hoàn tiền, gian lận bảo hiểm... Trong đó, có trường hợp đã từng yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm, thậm chí là đã được chi trả quyền lợi nhưng vẫn muốn hủy hợp đồng và xin được hoàn phí.

Hay khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị đã rút phần giá trị đầu tư và bán đi khi giá quỹ tăng để sinh lãi, sau đó vẫn quay lại xin hủy hợp đồng và hoàn phí. Khách hàng xin hủy hợp đồng và xin hoàn phí với lý do bị tư vấn sai, tuy nhiên sau đó phát hiện ra có quyền lợi bệnh lý nghiệm trọng lại muốn xin được bồi thường quyền lợi chứ không muốn hủy hợp đồng…

Những điều này khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt với nhiều thách thức trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp cũng như mất nhiều thời gian, chi phí trong hoạt động.

Ngoài ra, sự suy giảm của ngành bảo hiểm trong nửa đầu năm nay không hoàn toàn đến từ cuộc khủng hoảng niềm tin mà còn đang "ngấm đòn" từ suy thoái kinh tế, người tiêu dùng phải đối mặt với sức ép về chi phí sinh hoạt tăng lên… Đây cũng là nguyên nhân có thể kéo dài đà suy giảm của ngành bảo hiểm trong nửa cuối năm 2023, thậm chí có thể ảnh hưởng qua những năm sau.

* Kiểm soát chất lượng tư vấn, dịch vụ

Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) là mô hình liên kết kinh doanh phổ biến giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, một kênh phân phối tiềm năng và đang tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây bên cạnh các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống khác. Bancassurance đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng như mang đến nguồn lợi nhuận mỗi năm cho các ngân hàng.

Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, hiện có 16/18 doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai Bancassurance. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí xây dựng mạng lưới riêng, có cơ hội tiếp cận với khách hàng của các ngân hàng, nhanh chóng gia tăng thị phần, doanh thu… Hiện Bancassurance trở thành kênh phân phối chiếm vị trí thứ hai trong tỷ trọng đóng góp vào doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết các tồn tại, hạn chế phát sinh trong thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đã đi ngược lại bản chất nhân văn của bảo hiểm nhân thọ, làm suy giảm lòng tin của người tham gia bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ cần được chấn chỉnh lại.

Theo bà Phạm Thu Phương, ngành bảo hiểm đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm. Tuy nhiên, chất lượng phát triển còn tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng.

“Chúng tôi đánh giá kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, nếu làm đúng, chính xác sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các bên tham gia, vì tiết giảm rất nhiều chi phí cho người dân mong muốn tham gia gói tài chính trọn gói tại một nơi. Song thực tế, trong quá trình triển khai, việc kiểm soát chất lượng tư vấn qua kênh ngân hàng còn nhiều vấn đề phức tạp, chưa chặt chẽ”, bà Phạm Thu Phương nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, nguyên nhân chính của những vụ việc vừa qua trên thị trường bảo hiểm nhân thọ lại là chất lượng của hoạt động tư vấn. Do đó, vấn đề cải thiện chất lượng tư vấn, dịch vụ là vấn đề cần được công ty bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm chú trọng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 Bảo hiểm Agribank xác định ưu tiên nguồn lực, giữ vị trí số 1 trong khu vực Tam nông. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Là một trong những doanh nghiệp được đánh giá là thành công nhất Việt Nam trong phát triển kênh phân phối Bancassurance cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với doanh thu kênh phân phối Bancassurance luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 15%/năm, chiếm tỷ trọng từ 70-80% tổng doanh thu, Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank đã vận dụng lợi thế của hệ thống Agribank để chọn hướng đi riêng, tạo sự khác biệt khi xây dựng kênh phân phối Bancassurance với 171 Tổng đại lý - chi nhánh Agribank, 2.300 điểm giao dịch và hơn 30.000 đại lý viên trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bảo hiểm Agribank cho biết, năm 2023 với cuộc “khủng hoảng niềm tin" khách hàng đã đặt ra những thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho kênh Bancassurance phát triển, tận dụng ưu thế mạng lưới, khai thác tiềm năng dư nợ, đa dạng hóa sản phẩm, nỗ lực chuyển đổi số, tăng cường công tác truyền thông… để đẩy mạnh doanh thu kinh doanh.

Theo đó, các sản phẩm của kênh Bancassurance liên kết giữa Agribank và Bảo hiểm Agribank được xây dựng trên cơ sở gắn với hoạt động tín dụng, là công cụ để phân tán, chia sẻ rủi ro cho người vay thông qua các sản phẩm bảo hiểm cho tính mạng, sức khỏe người vay hay tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản thế chấp tiền vay. Qua đó, góp phần bảo vệ nguồn vốn Nhà nước thông qua Agribank cấp vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Hiện Bảo hiểm Agribank là đơn vị tiên phong triển khai kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ vào khu vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Đặc biệt Bảo an tín dụng - bảo hiểm tính mạng và sức khỏe cho người vay vốn là sản phẩm thành công nhất của Bảo hiểm Agribank qua kênh phân phối ngân hàng - bảo hiểm.

Định hướng chiến lược kinh doanh trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, Bảo hiểm Agribank ưu tiên nguồn lực để phát triển phân khúc thị trường ở khu vực nông nghiệp - nông thôn, giữ vị trí số 1 trong khu vực Tam nông, đặc biệt là nâng cao quan hệ hợp tác kinh doanh bền vững, gắn bó với hoạt động kinh doanh của hệ thống Agribank.

Theo các chuyên gia, ngành bảo hiểm đã trải qua chu kỳ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng lên tới 20-30%/năm. Do đó, việc suy giảm, điều chỉnh trong thời gian gần đây là điều khó tránh khỏi, bởi không có thị trường nào duy trì đà tăng liên tục. Đây được cho là cơ hội để các doanh nghiệp tập trung tái cấu trúc, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong thời gian tới./.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-cho-kenh-bancassurance/304245.html