Biến tấu từ sợi len

Những năm gần đây xu hướng đan móc đã quay trở lại nhưng các sản phẩm đa dạng hơn về chủng loại, kiểu dáng từ móc chìa khóa, con thú cho đến mũ, túi xách, váy…

Ngoài giờ lên lớp và tranh thủ thời gian nghỉ hè, chị Hiền thường làm một số sản phẩm do khách đặt hàng

Xu hướng, diện mạo mới

Trước đây, khi nói đến đan móc len, sợi, nhiều người thường hình dung đến hình ảnh các bà, các mẹ ngồi chăm chú đan khăn, áo ấm mùa đông, len, sợi thường có màu sắc đơn giản. Những năm gần đây, xu hướng đan móc đã quay trở lại với các sản phẩm đa dạng hơn nhiều.

Ngay từ khi mới 5 tuổi, chị Hoàng Thị Thương Hiền (sinh năm 1983, quê ở Lạng Sơn, hiện là giáo viên Trường THPT Kim Thành II) đã được mẹ dạy làm quen với kim đan, kim móc. Năm 2014, thông qua Facebook, chị Hiền bắt đầu tham gia một số hội nhóm, diễn đàn của những người yêu thích đan móc. Từ đây, chị biết thêm những kỹ thuật hiện đại và bắt đầu bán một số sản phẩm do chính tay mình làm ra. Chị Hiền cho biết: “Hiện nay, len sợi có nhiều loại khác nhau. Tùy từng sản phẩm mà người thợ lựa chọn loại sợi hoặc len phù hợp. Ngoài giờ lên lớp và tranh thủ thời gian nghỉ hè, tôi thường làm một số sản phẩm do khách đặt hàng”.

Chị Ngân dành nhiều thời gian tìm hiểu, vận dụng kỹ thuật đan móc hiện đại tạo nên các sản phẩm đa dạng

Cũng có niềm đam mê như chị Hiền, nhưng nếu chị Hiền chỉ tranh thủ làm bán thời gian thì chị Mạc Thị Ngân, sinh năm 1990, ở phường An Phụ (Kinh Môn) lại ở trình độ chuyên nghiệp hơn. Chị Ngân chuyên đan, móc váy, áo. Theo chị Ngân, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người thợ phải thường xuyên học hỏi, cập nhật những kỹ thuật mới, đồng thời phát huy óc sáng tạo, sự khéo léo của đôi bàn tay. Không chỉ tham khảo những kỹ thuật đan móc trong nước, chị Ngân còn dành thời gian để tìm hiểu những kỹ thuật của nước ngoài. Để làm ra một chiếc váy cưới, váy dự tiệc, chị Ngân mất nhiều thời gian hơn so với những sản phẩm thông thường, thường từ 1-2 tuần, thậm chí lâu hơn tùy theo độ tinh xảo. Chị còn tiếp cận và tìm hiểu về những bản thiết kế để có thể phác họa ý tưởng của mình trước khi bắt tay vào thực hiện. Với kinh nghiệm lâu năm và tạo ra những sản phẩm độc đáo, chị còn nhận được đơn đặt hàng từ một số nhà thiết kế thời trang. Chị Ngân còn lập một kênh YouTube mang tên “Góc nhỏ của Tấm” để chia sẻ, hướng dẫn một số cách đan móc cơ bản. Ngoài ra, chị mở nhiều lớp học online để dạy những học viên có đam mê về len, sợi.

Chiếc váy cưới với những chi tiết tinh xảo khiến người thợ mất nhiều thời gian hoàn thiện hơn so với các sản phẩm khác

Nhiều người ưa chuộng

Thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng sản phẩm đan móc thủ công ngày càng trở nên phổ biến. Sản phẩm khách hàng đặt chị Hiền nhiều nhất là túi xách, mũ. Những chiếc túi xách, mũ được làm theo ý tưởng của khách hàng từ kiểu dáng, màu sắc, có thể đan móc tên để tạo dấu ấn riêng. Đầu năm 2023, chị Hiền đã mở một cửa hàng bày bán các sản phẩm đan móc của mình. Ngoài ra, chị còn bán len, sợi để phục vụ những người có cùng đam mê.

Những con thú, búp bê đủ chủng loại là sản phẩm đan móc thủ công

Chị Hoàng Minh Hương, sinh năm 1983, ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đang làm việc tại một ngân hàng. Công việc hằng ngày áp lực nên mỗi ngày chị dành khoảng thời gian từ 2-3 giờ đồng hồ để chăm chút cho những sợi len. Đắm mình trong thế giới của những kim đan, kim móc, chị cảm thấy cuộc sống thư thái và tạm quên đi những căng thẳng, mệt mỏi. “Công việc đan móc có thể giúp tôi rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận cũng như phát huy khả năng sáng tạo. Tôi thường đan những món đồ như váy áo cho con, những món quà dành tặng cho người thân, bạn bè. Ngoài ra, tôi cũng nhận đơn đặt hàng của một số người”, chị Hương chia sẻ.

Những chiếc túi xách đa dạng về màu sắc, kiểu dáng

Giá của sản phẩm len, sợi thủ công tùy vào loại, chất lượng của sợi, len và công đan móc. Để làm ra một chiếc váy cưới, váy dự tiệc, chị Ngân mất nhiều công sức, thời gian hơn so với những sản phẩm khác. Vì thế, giá những chiếc váy cưới chị làm ra thường từ 6-7 triệu đồng/chiếc, váy dự tiệc từ 4-5 triệu đồng/chiếc. Những chiếc móc chìa khóa, kẹp tóc tại cửa hàng của chị Hiền có giá vài chục nghìn đồng nhưng cũng có những chiếc túi xách 1,2 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Dự (38 tuổi) ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) là một "tín đồ" của những sản phẩm đan móc. Chị cho biết: "Tôi rất thích các sản phẩm đan móc thủ công vì chúng có những nét riêng biệt, nhiều màu sắc, có độ bền, lại thân thiện môi trường".

Dù ngày nay, công nghệ phát triển hiện đại, hàng loạt sản phẩm công nghiệp ra đời, nhưng những sản phẩm thủ công từ len sợi vẫn có chỗ đứng riêng. Bởi lẽ những người sở hữu có thể có riêng cho mình những sản phẩm đặc biệt, không bị “đụng hàng” hoặc có thể mang dấu ấn cá nhân mà những sản phẩm sản xuất đại trà không có được.

Xem clip

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/bien-tau-tu-soi-len-241053