Biên soạn lịch sử ngành TT&TT: Cần có một tác phẩm xứng tầm

Từ một ngành được đánh giá là “nghèo” và có xuất phát điểm vô cùng khó khăn, ngành Thông tin và Truyền thông đã vươn lên khẳng định vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế.

Vì vậy, việc phải có một công trình khái quát được toàn bộ quá trình trưởng thành của ngành đang là một yêu cầu cấp thiết, chính đáng phải đặt ra.

Thiếu một công trình bao trùm

Từ khi thành lập đến nay, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Chính vì vậy, một công trình nghiên cứu đầy đủ, công phu nhằm làm rõ các chặng đường phát triển, tổng kết thực tiễn, nêu bật những thành tựu và cả những hạn chế của ngành là nhiệm vụ rất cần thiết.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống của ngành đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể với hơn 80 công trình về các lĩnh vực TT&TT. Ngoài ra, nhiều đơn vị trong ngành còn xây dựng được những phòng truyền thống với các tư liệu lịch sử quý giá. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ năm lĩnh vực của ngành TT&TT là Báo chí, Xuất bản - In và Phát hành, Bưu chính, Viễn thông và CNTT.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu cũng bộc lộ nhiều hạn chế khiến các vấn đề của ngành chưa được làm rõ, xuyên suốt. Cụ thể là chất lượng và hiệu quả giáo dục của các công trình nghiên cứu chưa cao, nhiều công trình nặng về miêu tả diễn biến mà chưa có những đúc kết, phân tích xứng tầm. Không chỉ vậy, tại các lĩnh vực, đa số chưa hình thành các tổ chức chuyên trách nghiên cứu mà còn kiêm nhiệm khiến chất lượng thấp.

Một số cuốn viết về lịch sử ngành ở địa phương cũng được nhiều chuyên gia nhận xét nội dung chỉ ở mức độ sơ sài, sự kiện phần nhiều dựa trên lời kể nên chưa đủ cơ sở khoa học, chưa có sự liên kết giữa cái chung và cái riêng, giữa lịch sử ngành ở địa phương với tỉnh và cả nước. Điều này khiến tác phẩm chỉ là sự lắp đặt lịch sử của địa phương, của ngành vào cái chung của quốc gia, vì thế vô hình trung đã tách chúng ra khỏi tiến trình lịch sử của dân tộc.

Những hạn chế nói trên đã khiến cho các công trình nghiên cứu chưa có sự tham chiếu, liên hệ giữa các lĩnh vực trong ngành, không làm nổi bật nên bản sắc riêng của một ngành đa lĩnh vực, từ đó không phản ánh được sức mạnh chung của ngành TT&TT. Đặc biệt, việc thiếu một công trình nghiên cứu xứng tầm đã khiến việc thu thập các tài liệu, nhân chứng của ngành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, những tài liệu này mỗi ngày càng mai một, các nhân chứng tuổi mỗi lúc một cao... khiến nguy cơ mất đi những tư liệu không thể phục hồi ngày càng hiển hiện.

Từ những vấn đề trên, có thể nhận thấy, một công trình nghiên cứu đầy đủ đang là mong mỏi của các thế hệ ngành TT&TT. Nắm bắt được vấn đề này, Bộ TT&TT đang dự kiến các bước cho Đề án “Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử ngành TT&TT”.

Phải khách quan, trung thực

Có thể nói, có hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến một công trình nghiên cứu là tư liệu và nhà khoa học. Trong buổi hội thảo về vấn đề nghiên cứu biên soạn lịch sử ngành TT&TT mới đây được tổ chức tại TP.HCM, đa số các tham luận gửi đến đều nhấn mạnh đến điều này và khẳng định đó là những yêu cầu thiết yếu cho công trình sắp tới.

Nhận định về vấn đề này, đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho rằng trong thực tế lịch sử, các nội dung, con người, sự kiện đều tồn tại khách quan và có những mối liên hệ qua lại vô cùng phong phú, đa dạng, thậm chí hết sức phức tạp. Trong khi đó, nguồn tài liệu mà nhà nghiên cứu thu thập được lại chủ yếu mang tính tổng kết những kết quả cuối cùng. Do vậy, để tiếp cận khách quan những mối quan hệ này, cần phải xem xét các vấn đề toàn diện, đặt các đối tượng lịch sử trong một hệ thống và tránh lối tư duy phiến diện.

Đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng nhấn mạnh, người làm công tác nghiên cứu phải tuân thủ nguyên tắc vận động, phát triển của lịch sử, trong đó cần coi lịch sử như một dòng chảy với những nhánh riêng biệt để tạo nên một dòng sông lớn, từ đó có cái nhìn tổng thể. Ngoài ra, khi phân tích các vấn đề lịch sử, cần nắm vững quá trình hình thành, phát triển của chúng, đồng thời chỉ ra mối liên hệ giữa chúng và các hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, thậm chí là mối liên hệ với tương lai. Như vậy, đối tượng lịch sử sẽ được nghiên cứu công tâm, bản thảo không giáo điều, máy móc.

Trong khi đó, ông Trần Chí Đạt – Giám đốc Nhà xuất bản TT&TT cho rằng, công tác này không đơn thuần chỉ là ôn lại những gì của quá khứ, mà còn phải đào sâu để hiểu được những vấn đề đang và sắp diễn ra, nhằm xem xét và giải quyết những vấn đề của ngành trong hiện tại và tương lai. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, cần cù, tỉ mỉ, thận trọng nhằm tránh mọi sai sót trong quá trình nghiên cứu.

Đề cập đến nhân lực biên soạn, ông Đạt đề nghị cần chọn những người có tâm huyết, trình độ và “có khả năng hoàn thành nhiệm vụ”. Theo ông, đó phải là các cán bộ thuộc Ban Lịch sử truyền thống của các lĩnh vực, và người đứng đầu Ban biên soạn phải có tâm huyết với nghề, hiểu biết sâu về lịch sử.

Nhấn mạnh đến điều này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cũng đã nhận định: Nghiên cứu và biên soạn lịch sử là hoạt động nghiên cứu về quá khứ với những sự kiện liên quan đến con người, do đó, đây là hoạt động rất khó khăn, phức tạp. “Hiện thực lịch sử chỉ xảy ra một lần duy nhất, nhưng nhận thức lịch sử lại là cả một quá trình. Vượt qua được yếu tố chủ quan, người làm nghiên cứu sẽ tiếp cận lịch sử ngày càng khách quan, trung thực. Đây không chỉ là mong muốn, ước vọng, mục tiêu, mà còn là phương pháp nghiên cứu và nguyên tắc đạo đức của người làm nghiên cứu”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nói.

Như vậy, thời điểm để có một tác phẩm lịch sử chung của ngành như mong muốn nhiều năm qua đã đến lúc chín muồi. Tuy vậy, việc biên soạn cuốn Lịch sử ngành TT&TT có thể thành công hay không, có mang trong mình những giá trị như kỳ vọng hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết của những người biên soạn và sự hỗ trợ của các lĩnh vực liên quan.

Cùng với việc cần có một tác phẩm lịch sử chung của ngành TT&TT, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cho biết: Phòng trưng bày lịch sử truyền thống là cần thiết, có tác dụng thực tiễn khá lớn. Tuy nhiên, đây là công việc khá công phu, cần đầu tư lớn về thời gian, nhân lực và tài lực, đặc biệt phải có những người tâm huyết mới triển khai có hiệu quả nội dung. Đối với vấn đề này, tôi kiến nghị: Trước mắt, Bộ TT&TT nên xây dựng Phòng truyền thống, chủ yếu trưng bày hình ảnh và một số hiện vật (nếu có) về những mốc lớn liên quan tới sự phát triển của ngành. Bên cạnh đó, cần xem xét động viên các Sở, các Cục chuyên ngành có phòng truyền thống. Bộ cũng nên có kế hoạch hoặc có đề án nghiên cứu xây dựng Bảo tàng TT&TT.

Ngành TT&TT: Những hình ảnh và sự kiện

Chào mừng kỷ niệm ngày truyền thống ngành TT&TT, Ban Lịch sử - Truyền thống và Nhà xuất bản TT&TT đã tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, biên soạn và xuất bản cuốn sách “Ngành TT&TT: Những hình ảnh và sự kiện” (Sơ thảo).

Cuốn sách đã tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Ngành qua các thời kỳ bằng những hình ảnh tiêu biểu, sinh động: Hình ảnh các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng thưởng cho Ngành; Hình ảnh Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ngành TT&TT; Các đồng chí lãnh đạo Ngành qua các thời kỳ; Một số hoạt động tiêu biểu và sự kiện quan trọng mang dấu ấn của ngành TT&TT...

Mặc dù được triển khai trong một thời gian ngắn nhưng có thể thấy với độ dầy 155 trang, cuốn sách đã tái hiện cơ bản đầy đủ những hình ảnh và sự kiện của ngành TT&TT trong suốt 71 năm xây dựng và phát triển.

Nguyễn Cường

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bien-soan-lich-su-nganh-tttt-can-co-mot-tac-pham-xung-tam-post207411.info