Biên soạn lịch sử đảng bộ ở các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, các huyện miền núi trong tỉnh đã nỗ lực biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp. Tuy nhiên, do tư liệu lịch sử không còn nhiều, người có chuyên môn, nghiệp vụ ít, kinh phí hạn chế... nên đã ảnh hưởng đến công tác này.

Từ năm 2018 - 2023, các huyện miền núi của tỉnh đã nghiên cứu, biên soạn, chỉnh biên, xuất bản 23 công trình lịch sử đảng bộ. Trong đó, huyện Trà Bồng có 6 công trình, huyện Ba Tơ có 4 công trình, huyện Sơn Tây có 2 công trình, huyện Sơn Hà có 6 công trình và huyện Minh Long có 5 công trình.

Đảng ủy xã Hương Trà (Trà Bồng) tổ chức Hội thảo góp ý biên soạn lịch sử Đảng bộ xã. Ảnh: PV

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Bồng Lê Thị Hồng Hải cho biết, công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể của huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đã đạt một số kết quả nhất định. Từ năm 2018 đến nay, có 5 xã, thị trấn đã phát hành sách lịch sử đảng bộ. Các xã còn lại đang thực hiện các bước để biên soạn, phát hành sách trong thời gian tới. Lực lượng công an, quân sự đang triển khai viết lịch sử truyền thống. Riêng các ban, ngành, đoàn thể chưa thực hiện do thiếu kinh phí. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 1/3 ban, ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội xuất bản hoặc tái bản sách.

“Việc triển khai thực hiện biên soạn lịch sử ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, có nơi lúng túng. Quá trình thu thập thông tin, tư liệu, lấy ý kiến góp ý từ các nhân chứng phục vụ cho công tác biên soạn lịch sử gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn trước năm 1975”, đồng chí Lê Thị Hồng Hải chia sẻ.

Đảng ủy xã Trà Phú (Trà Bồng) tổ chức gặp mặt nhân chứng lịch sử để biên soạn lịch sử Đảng bộ xã. Ảnh: PV

Tại huyện Ba Tơ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp cũng gặp nhiều khó khăn. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã biên soạn, phát hành 8 cuốn lịch sử gồm: Lịch sử Công an huyện; Lịch sử Lực lượng vũ trang huyện, giai đoạn 1945 - 2015; 6 xã, thị trấn hoàn thành xuất bản lịch sử đảng bộ...

Các đơn vị, địa phương còn lại đang tổ chức sưu tầm tư liệu, nhưng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề tư liệu lịch sử bằng văn bản, nhất là trong các thời kỳ kháng chiến còn lại rất ít, nằm rải rác ở nhiều nơi. Việc khai thác tư liệu từ các nhân chứng lịch sử là người địa phương gặp nhiều trở ngại. Những nhân chứng lịch sử đã từng tham gia chiến đấu, công tác trên địa bàn huyện giai đoạn trước đây phần lớn đã qua đời, số ít còn lại tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn.

Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện còn hạn chế cũng ảnh hưởng lớn đến việc biên soạn sách. Cán bộ làm công tác lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy không được đào tạo về chuyên ngành lịch sử Đảng. Nhận thức của một số cấp ủy cơ sở về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ chưa đầy đủ, nên chưa quan tâm đúng mức cho công tác này.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Hà Đoàn Văn Danh, các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện đã đề ra nhiều giải pháp tích cực trong việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống của các cơ quan, đơn vị. Từ năm 2018 - 2022, huyện xuất bản 7 cuốn sách lịch sử và kỷ yếu. Huyện phấn đấu đến năm 2024, Đảng ủy Công an huyện, Hội LHPN huyện và các xã: Sơn Trung, Sơn Hạ, Sơn Thủy, Sơn Hải, Sơn Giang và Sơn Cao sẽ xuất bản sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống.

“Tuy đã có nhiều cố gắng, song tiến độ biên soạn lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn vẫn còn chậm. Nguyên nhân là do một số đảng ủy xã, thị trấn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác biên soạn lịch sử địa phương nên chưa quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Cán bộ được phân công tham gia công tác biên soạn sách hầu hết chưa có kinh nghiệm; trình độ, năng lực còn hạn chế. Nguồn tư liệu giai đoạn trước năm 1975 không còn, hoặc còn ít. Tài liệu thành văn không nhiều, chưa được khai thác đầy đủ; một số xã không còn nhân chứng sống nên không có nguồn đối chứng”, ông Danh cho biết.

BÁ SƠN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202308/bien-soan-lich-su-dang-bo-o-cac-huyen-mien-nui-gap-nhieu-kho-khan-3d15627/