Biển nhớ

Hôm đó đoàn chúng tôi rời Quy Nhơn, một buổi sáng đầy nắng ấm. Chúng tôi dừng xe lại ở quán cà phê Trung Nguyên trên đường An Dương Vương uống cà phê trước khi từ giã thành phố này.

Trong khi bạn bè kêu nước uống, tôi và hai cô bạn thuê một chiếc taxi để tới thăm bức tượng Trịnh Công Sơn gần đó với bản nhạc Biển nhớ. Bức tượng khắc họa nhạc sĩ ôm đàn, và bản nhạc Biển nhớ, phía trước là biển.

Trong mỗi đoạn đời và trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn đều gắn liền với tình yêu, và Biển nhớ là một trong những ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được sáng tác vào khoảng năm 1962-1963, khi ông đang theo học tại Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Xúc cảm ấy cũng đến từ một người con gái: Tôn Nữ Bích Khê, cô bạn học cùng lớp đến từ Nha Trang. Cuộc sống vốn dĩ vội vã sáng trưa chiều tối, ngôi trường nhạc sĩ và cô bạn gái học nay đã có nhiều thế hệ khác. Bản nhạc chính là sự gợi thức để thời gian không trôi đi mà dừng lại.

Sự rung cảm của nhạc sĩ làm nên ca khúc, ông đã ra đi và Biển nhớ của ông ở lại với mọi người, vị trí đặt tượng của ông nhìn ra biển Quy Nhơn đẹp, nơi con phố chính và không thể tìm đến khi ghé Quy Nhơn. Cách đây không lâu, một cô hoa hậu phát biểu trong số những người nổi danh ở Quy Nhơn có Hàn Mặc Tử, rồi mọi người bàn luận ông không sinh ra ở đây. Thật ra với Hàn Mặc Tử, Quy Nhơn đã gắn liền, cũng như Trịnh Công Sơn sinh ra ở Buôn Ma Thuột, dẫu ông là gốc Huế.

Trên dặm đường thiên lý của dải đất miền Trung, Quy Nhơn thường được chọn để dừng chân trước khi tiếp tục đi tiếp. Tôi ghé rất nhiều lần ở thành phố này trong những lần đi đây đi đó, và mỗi lần đến là tìm ghé những địa điểm khác nhau. Tôi và bạn bè vẫn thích ngồi ở những quán hải sản trên đường Xuân Diệu, rồi thuê một chiếc xe tuk tuk chạy vòng vòng trong đêm. Là đến trại Quy Hòa, bãi biển ở đây đẹp, cả một khu vườn tượng những danh nhân. Là ghé tháp Đôi, tháp Bánh Ít, mộ Hàn Mặc Tử, đến Eo Gió… hay ghé Hầm Hô hoặc Bảo tàng Quang Trung và dừng chân ở thành Bình Định, lật trang sử bể dâu của cuộc đời.

Nha Trang, nơi tôi ở cách Qui Nhơn 240 km, một đoạn đường không xa lắm với điều kiện giao thông bây giờ. Nha Trang tất nhiên có biển, với 20km bờ biển chạy dọc theo thành phố và ngoài khơi xa 60 hòn đảo lớn nhỏ. Tôi nhớ vào năm 1990, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng nhóm “Những người bạn”, gồm 7 người, hầu hết trưởng thành từ phong trào văn nghệ đô thị miền Nam thời chiến tranh: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng (gốc Nha Trang) đến Nha Trang tham gia một chương trình ca nhạc. Khi đó các anh ở khách sạn Thắng Lợi trên đường Lê Lợi (Nay là khách sạn TTC). Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào tiệm tóc ở trong khuôn viên khách sạn để cạo mặt, thế là các cháu quên cả công việc, bao quanh chỉ để được trò chuyện và xin chữ ký.

Trở lại câu chuyện Quy Nhơn, đó là một miền đất có đường ray xe lửa chạy vào rồi chạy ra lại. Quy Nhơn có món bánh ít, như khi ở khách sạn Hải Âu, trong phòng khách sạn có bốn cái bánh ít mời khách thưởng thức. Có bánh hồng, mà khi ngang qua chúng tôi đều ghé lại mua về, có món cá hố chiên chẳng hạn…Và có bài hát Biển nhớ.

Chắc chắn tôi sẽ trở lại Qui Nhơn, như thể khi ghé đến, xe vòng qua ngọn đèo nhỏ nhìn xuống thấy biển. Hay chỉ là ra đường biển, nhìn biển là đủ. Đó là một miền đất trân trọng nhân tài.

Khuê Việt Trường

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/bien-nho-c8a69039.html