Biển mãi xanh màu huyền bí

Tôi nhớ đã ngắm nhìn 'đàn voi' đi trên biển rất lâu trong một ngày bão giông ở một hòn đảo nọ…

Chúng có ba, bốn con cả thảy, tạm gọi là một “đàn voi” (bốn tượng). Những cái chân dài khẳng khiu sải bước dài trên mặt biển, sau lưng chúng bình minh và hoàng hôn đã đi qua cũng như sẽ đi qua và trong đêm dưới một vạt trăng cùng sao trời lấp lánh, “đàn voi” vẫn di chuyển trong sự bất động của chúng.

“Đàn voi” với những đôi chân như tan chảy ra theo thời gian, một thứ thời gian đã tuần tự tuôn chảy suốt hàng tỉ năm nay trên hành tinh này.

Biển hiện hữu trên hành tinh này như một thế lực thiên nhiên mà dù khoa học kỹ thuật có tiến bộ đến đâu, con người cũng không thể khám phá đến tận cùng. Những ngọn núi có thể bị san bằng, những cánh rừng có thể biến thành bình địa nhưng đến bao giờ con người mới hút trọn nước đại dương kia? Ở những vực nước thẳm sâu con người vẫn không đến được, cũng như trong lòng biển khôn cùng kia có sinh vật kỳ lạ nào mà ta chưa biết?

Câu hỏi lớn ấy đã kích thích trí tưởng tượng của bao người. Nhà văn Pháp chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng Jules Verne với cái nhìn của thế kỷ 19, ông chỉ dám mơ về hai vạn dặm dưới đáy biển với vị thuyền trưởng cùng con tàu ngầm tiên tiến quyết lao vào vòng tay của đại dương để trốn cõi người ta đang thống trị đất liền. Nhà văn Đan Mạch Andersen đã mơ trong biển khơi những nàng tiên cá đang ca hát.

Cũng trong thế kỷ ấy, có gã đàn ông giong buồm ra biển mang theo khát vọng điên rồ muốn báo thù con cá voi trắng đã làm ông mất một chân. Con cá voi trắng thần thánh, sinh vật gần như siêu nhiên mang tên Moby Dick, vĩnh viễn là tượng đài của văn học, vĩnh viễn là tấm bia ghi dấu sự thất bại của con người trước sức mạnh của biển khơi.

Nhưng không phải lúc nào biển cũng phô trương quyền năng khủng khiếp của mình. Biển thường nhân từ và độ lượng cung cấp cho con người biết bao tài nguyên, nhiều khi là nguồn nuôi sống của cả một vùng. Ta lấy từ đó sản vật, cảnh quan… thế nhưng rất hay trả lại biển những gì bẩn nhất, dai dẳng nhất, những thứ rác không thể phân hủy trong hàng trăm, hàng ngàn năm. Như con rùa biển mang chân chèo bị mắc vòng sắt vỏ lon cứ thế bơi từ vùng biển này qua vùng biển khác, bơi qua năm tháng, bơi qua cuộc đời như một cái án trăm năm không kết.

Trong trường liên tưởng về những cái án trăm năm, tôi nhớ đến Gabriel García Márquez. Ông từng viết một truyện ngắn mang tên Biển của thời đã mất vẽ nên một thế giới huyền ảo với hương hoa hồng từ biển thổi vào, biển của ngàn xưa, với ngôi làng chìm sâu dưới đáy, nơi những người nằm chồng chất lên nhau ngủ giấc yên bình.

Truyền thuyết kể rằng có một TP mang tên Atlantis, TP văn minh bậc nhất thời cổ đại, đã bị thần linh nhấn chìm và vẫn còn nằm nơi vùng biển nào đó trên hành tinh của chúng ta. Một hành tinh đang già đi, ốm ho và lên cơn sốt, giữa tháng 12 vẫn còn cảm nhận được cái nóng bức của mùa hè. Một hành tinh với những xẻo đất lần hồi lấn ra biển, nơi những biệt thự, những công trình giành giật với mặt nước đại dương xanh từng chút một trong cuộc tranh đua như Sơn Tinh với Thủy Tinh. Cứ thế đó mà đất sẽ đổ ra để lấp biển và biển cũng chẳng rón rén gì mà không liếm lấy bờ.

Một bức tranh phong cảnh rực rỡ, thi thoảng đường chân trời như bị xóa nhòa, xanh ngắt của trời và biển chảy tràn chồng lấn lên nhau. “Biển của thời đã mất” như García Márquez chắc hẳn đã rất xanh. Vào một ngày lặng gió, hãy thử đi thuyền hướng thẳng ra biển, nhớ là đi đủ xa đến khi đất liền nằm ngoài tầm mắt, để tận hưởng cái cảm giác nhỏ nhoi giữa đại dương. Nhỏ nhoi chứ không cô lẻ, vì ta đang ở giữa những sinh vật biển đang nói bằng thứ ngôn ngữ, mơ giấc mộng thiên đường đầy nước.

Sy Montgomery, một nhà tự nhiên học, đã bỏ thời gian “lặng sâu vào ý thức của một giống loài xa lạ” để viết cuốn sách Tâm tư của bạch tuộc, để cho ta biết loài vật này cũng có khát khao, cũng mơ mộng và cũng phức tạp không kém gì đời sống của con người.

Rừng rậm, biển khơi, các sinh vật sống trong môi trường đó và chính cả con người đều thuộc về một đại mệnh. Chừng nào con người còn nhận ra mình thuộc về đại mệnh đó rằng hễ làm tổn thương thiên nhiên cũng tức là tổn thương chính bản thân.

Biển vẫn nằm yên ở đó, tiếp tục là một bí ẩn, tiếp tục là một vẻ đẹp, tiếp tục là sự quyến rũ mời gọi bao thủy thủ, bao con người yêu biển và tiếp tục trở thành một thứ thiêng liêng cần phải giữ gìn, dẫu tương lai có hoang đường đến nỗi chẳng ai nhắc về biển hay mọi thứ liên quan đến biển như trong tiểu thuyết Quán bar trong bụng cá voi của Hiền Trang.

Còn “đàn voi”, chúng sẽ tiếp tục đi trên mặt biển trong bao lâu? Càng lớn hơn chúng ta càng băn khoăn với những điều tưởng như thường ngày. Chinh phục đại dương, khám phá biển sâu, tắm mình trong vùng nước xanh mặn mòi, đánh cá hay chụp ảnh ở khu nghỉ dưỡng sang trọng nằm sát biển…

Tất cả điều đó chưa hẳn quý giá bằng khoảnh khắc đối diện với biển khơi mà biết rằng dù ta đứng đúng cái vị trí ta đang đứng nhưng mỗi khoảnh khắc trôi qua cảnh vật trước mặt chúng ta đang không ngừng biến đổi.

HUỲNH TRỌNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bien-mai-xanh-mau-huyen-bi-post775456.html