Biên kịch giỏi đang ở đâu? (*): Đào tạo và nỗ lực tự thân

Giấc mơ biên kịch vàng được nhận định là giấc mơ xa vời nhưng vẫn có thể chạm đến nếu các biên kịch nói riêng và ngành phim nói chung đoàn kết phát triển đồng bộ

Để biên kịch Việt phát triển, bắt nhịp cùng thị trường phim thời gian sắp tới, giải pháp căn cơ nhất vẫn là đào tạo và bên cạnh đó biên kịch cũng cần nỗ lực tự thân để tạo dựng hình ảnh riêng.

"Kiềng ba chân"

Khi nói về vấn đề giải pháp cho ngành biên kịch Việt để giúp thị trường phim Việt có biên kịch vàng trong tương lai, nhiều người trong giới nhận định không có cách nào khác hơn là đào tạo. Những năm 1990, Hàn Quốc đã gửi nhiều người đến Mỹ học hỏi các khâu như đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, diễn viên, quay phim, lý luận phê bình, thiết kế… Nguồn nhân lực ban đầu này đã trở về và tạo ra luồng gió mới đầy hấp dẫn cho phim Hàn Quốc.

Nhà sản xuất, đạo diễn Hằng Trịnh nhận định trong dự án phim điện ảnh, nhà sản xuất cùng biên kịch và đạo diễn như "kiềng ba chân". Nếu bộ ba này có cùng trình độ, cùng tiếng nói, hỗ trợ và đóng góp nhiều như nhau cho cùng dự án thì sẽ cho ra đời những tác phẩm ấn tượng.

Để có thể có được biên kịch chuyên nghiệp, nắm bắt cấu trúc đúng của một kịch bản thì buộc biên kịch phải học. Hiện tại, các cơ sở đào tạo chính quy ngành biên kịch không nhiều và đa phần biên kịch chọn cách tự học bằng đam mê, nhiệt huyết của mình qua các lớp ngắn hạn, học theo kiểu người đi trước hướng dẫn người đi sau. Những lớp ngắn hạn này chỉ mang đến kiến thức ban đầu cho biên kịch, muốn tiến bộ và trui rèn nghề đòi hỏi biên kịch phải tự học thêm.

"Đội ngũ biên kịch cần nhiều lớp đào tạo chính quy và cũng đòi hỏi nhà sản xuất, đạo diễn cũng có khả năng tương ứng. Việc này để tránh một số biên kịch nhiều tiềm năng nhưng lại không được lực lượng nhà sản xuất phát hiện, tạo điều kiện thì cũng khó có thể tạo ra tác phẩm chất lượng" - nhà sản xuất, đạo diễn Hằng Trịnh cho biết.

Bên cạnh đó, khán giả cũng cần được sự đào tạo thông qua phương tiện truyền thông để nhận biết thế nào là kịch bản hay và dở của một phim. Việc nâng cao trình độ thẩm mỹ khán giả, giúp khán giả tinh tế hơn trong thưởng thức nghệ thuật cũng là điều cần thiết trong việc giúp biên kịch phim Việt phát triển.

Bên cạnh việc đào tạo chính quy, đồng bộ và cần thời gian dài cho từng bước phát triển, biên kịch cũng cần những sân chơi chuyên ngành, các cuộc thi tài về kịch bản để phát hiện các biên kịch trẻ tiềm năng, chẳng hạn như cuộc thi "Tìm kiếm biên kịch tài năng" do Công ty CJ CGV Việt Nam tổ chức. Nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn từng nhận định các sân chơi này sẽ góp phần giúp các biên kịch trẻ trau dồi kinh nghiệm, vừa giao lưu vừa tạo cơ hội cọ xát thực tiễn.

Phim “Mẹ rơm” là một trong những phim có kịch bản hay, thu hút khán giả. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Tạo dựng hình ảnh

Biên kịch Châu Thổ cho rằng biên kịch không phải là một nghề dễ dàng, mà đòi hỏi mỗi người phải có kỹ thuật, năng khiếu, vốn sống. Bên cạnh kiến thức lý thuyết từ các lớp đào tạo, biên kịch trui rèn hằng ngày qua các tác phẩm, thu thập tư liệu cá nhân và không ngừng bổ sung vốn sống, trải nghiệm tự thân để có thể xây dựng chân dung nhân vật chân thật, hấp dẫn với khán giả.

"Nhà sản xuất và nhà đầu tư giỏi thì sẽ phát hiện được các biên kịch giỏi có tác phẩm tốt hoặc đặt hàng biên kịch những ý tưởng tốt để cho ra tác phẩm hợp ý công chúng. Ngược lại, để chinh phục nhà sản xuất và nhà đầu tư, lấy được sự tin tưởng, biên kịch cần tạo dựng hình ảnh, niềm tin bằng các ý tưởng, tác phẩm chất lượng" - biên kịch Châu Thổ cho hay.

Theo NSƯT - đạo diễn Nguyễn Phương Điền, tình trạng các nhà đài, nhà sản xuất phim truyền hình tin tưởng vào phim Việt hóa từ Hàn Quốc, Thái Lan, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, cải lương… hơn là kịch bản gốc. Nguyên nhân vì họ thiếu niềm tin vào biên kịch Việt, nghi ngờ những ý tưởng chưa được kiểm chứng qua mức độ thu hút của khán giả.

Giới chuyên môn cho rằng lực lượng biên kịch Việt cần phải nỗ lực tạo niềm tin cho nhà sản xuất và nhà đầu tư bằng những tác phẩm chất lượng, tạo được sức hút khán giả để từ đó có được doanh thu quảng cáo tốt. Nếu cố gắng làm tốt nhất công việc của mình hiện tại cũng sẽ góp phần mang đến cái nhìn tốt hơn cho lực lượng biên kịch Việt.

"Việc xây dựng đội ngũ biên kịch "vàng" là vấn đề vĩ mô, cần sự cố gắng tổng lực dưới sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý và tất nhiên sẽ mất thời gian dài" - đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn bày tỏ (Kay Nguyễn là đồng sáng lập nhóm A Type Machine - nhóm kịch tham gia nhiều kịch bản phim của đạo diễn Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Ngô Thanh Vân như phim: "Mắt biếc", "Người bất tử", "Lôi báo", "Hai Phượng", "Tèo em"…).

NSƯT - đạo diễn, biên kịch Hạnh Thúy tâm sự: " Tác giả kịch bản cần phải có những tư chất đặc biệt như thông minh, sâu sắc để tìm ra câu chuyện mới, cách kể hay, phải tinh tế để dự đoán tâm lý khán giả, phải mạnh mẽ để dám khai thác những gai góc của cuộc sống, không tránh né, không phiến diện…".

"Nghề biên kịch cần phải đi thực tế để sáng tác, đi càng nhiều càng tốt. Viết đề tài gì thì cũng cần phải đi, phải nghe, trải nghiệm để có cách kể chuyện thực tế, chân thật, đậm hơi thở cuộc sống. Nếu chỉ ngồi nhà, đọc thông tin và tưởng tượng thì không thể có được cảm xúc chân thật nhất. Biên kịch cũng cần có vốn văn chương, để khi viết thoại, diễn tả kịch bản cho phù hợp. Một khi biên kịch tạo ra được những kịch bản tốt, chinh phục được khán giả thì dần sẽ tạo được niềm tin cho nhà sản xuất, đạo diễn vào kịch bản của mình" - bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, nhìn nhận.

Theo các nhà chuyên môn, việc xây dựng đội ngũ biên kịch “vàng” là một hành trình dài nhiều khó khăn. Dẫu vậy, đi mãi sẽ thành đường, còn nếu không bắt đầu, chúng ta sẽ không bao giờ gặt hái được thành quả.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-4

MINH KHUÊ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/bien-kich-gioi-dang-o-dau-dao-tao-va-no-luc-tu-than-20230406203612393.htm