Biên giới biển đảo quê hương: Văn hóa, nghệ thuật - 'cột mốc' tinh thần bảo vệ biên cương

Việt Nam có nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, gắn với lịch sử hình thành, phát triển của 54 dân tộc anh em; tạo nên lịch sử hung cường dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm. Đặc biệt, dọc theo chiều dài biên giới hơn 5.000km, sự đa dạng phong phú của văn hóa, nghệ thuật các khu vực biên giới còn đóng vai trò quan trọng vào sự hòa hiếu, hiểu biết và giao tiếp giữa các dân tộc, các nền văn hóa và các quốc gia láng giềng.

Trải qua quá trình lịch sử, chính việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật nơi biên cương đã đóng góp hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh chính trị, toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước, phát huy tiềm năng của sức mạnh mềm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 24/11/2021.

Các vùng đất biên cương xa xôi không chỉ là “phên dậu” của tổ quốc, gắn liền với chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, nơi đây còn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, có nền văn hóa phát triển sớm và lâu dài, lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú đa dạng. Các lễ hội và nghi lễ tôn vinh các vị anh hùng - những người đã có công khai phá bờ cõi, bảo vệ chủ quyền của dân tộc không chỉ nhằm hun đúc tinh thần quả cảm, yêu nước mà còn là những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đã được bao thế hệ gìn giữ, phát huy.

Lễ hội Đền Thượng – một lễ hội lớn ở vùng Tây Bắc, được tổ chức ở Lào Cai gắn liền với di tích lịch sử văn hóa Đền Thượng, nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công đức của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo – một người anh hùng dân tộc có công ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông - mang ý nghĩa là cột mốc đặc biệt về văn hóa, lịch sử dân tộc, khẳng định lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của người Việt Nam ở biên giới. Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang là nét đẹp văn hóa truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục tinh thần yêu nước, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới và biển đảo Việt Nam. Lễ hội Nàng Han tại Lai Châu để tôn vinh, tri ân nữ anh hùng Nàng Han, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của người Thái Trắng và mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, người yên, vật thịnh, mùa màng tươi tốt cho bản làng…và còn nhiều lễ hội khắp các vùng biên giới của Tổ quốc.

Và tiếp nối các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống ấy, ngày nay, các tỉnh thành biên giới thường xuyên tổ chức các lễ hội văn hóa, tôn vinh và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch, từng bước nâng cao đời sống, giá trị tinh thần cho nhân dân vùng biên giới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hồng Nhung

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bien-gioi-bien-dao-que-huong-van-hoa-nghe-thuat-cot-moc-tinh-than-bao-ve-bien-cuong-193660.htm