Biên giới - biển đảo Biên giới - biển đảo Ghi ở đảo Cồn Cỏ

Trên hòn đảo anh hùng Cồn Cỏ, những chiến sĩ hải quân Vùng 3 đang ngày đêm giữ cho ngọn hải đăng không bao giờ tắt, khẳng định cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Nâng niu sắp xếp những món quà chuẩn bị vượt sóng đến với đồng đội ở đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn

Ngọn hải đăng là nơi tôi dành thời gian lưu lại nhiều nhất khi đến trạm ra đa 540 (thuộc Trung đoàn 351 Vùng 3 Hải quân) trên đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), trong một ngày cận tết Quý Mão 2023.

“Phía sau” ngọn đèn biển vững chãi, hằng đêm tỏa sáng, hỗ trợ định hướng cho tàu thuyền qua lại; khẳng định cột mốc chủ quyền biển đảo, là dáng vẻ trầm tĩnh, tinh thần vững chắc của những người lính biển.

Hải đăng không bao giờ được phép tắt, là “mệnh lệnh trái tim” của những chiến sĩ hải quân nơi biển đảo của Tổ quốc. Điều đó, Đại úy Trần Văn Thuần, Trạm phó Trạm ra đa 540; Thiếu tá Trần Quốc Hùng, nhân viên ra đa và đồng đội của các anh luôn ghi nhớ, để đã và đang vững vàng vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tết của những cán bộ, chiến sĩ hải quân trên đảo Cồn Cỏ

“Tôi nhận nhiệm vụ ở đảo đến nay là 6 năm”- Thiếu tá Trần Quốc Hùng hướng ra bốn bề sóng vỗ.

Khi “chạm” hình dáng con tàu lừng lững, vừa đưa đoàn công tác- thủ trưởng, đồng đội Vùng 3 Hải quân và cán bộ nhiều tỉnh, thành ra đảo chúc tết, đang neo đậu ngoài xa, trong mắt người lính đảo xôn xao niềm vui.

Đối với những người lính “bám” đảo, tình cảm đất liền, tình đồng chí đồng đội, bao giờ cũng quý giá.

Thiếu tá Trần Quốc Hùng nhớ như in, tháng 11/2020, cuộc điện thoại từ người thân ở quê nhà Hà Tĩnh bị ngắt quãng bởi thời tiết xấu, nghẹn ngào báo tin người mẹ kính yêu qua đời. “Đơn vị tạo điều kiện, đồng đội chuẩn bị mọi thứ để tôi về quê chịu tang mẹ. Nhưng lúc đó sóng to gió lớn, tàu ở đất liền không ra đảo được. Là người lính, xa nhà triền miên, cách trở với cha mẹ vợ con là chuyện bình thường. Nhưng trước mất mát lớn như vậy mà không thể về, chông chênh lắm.

Suốt thời gian 20 ngày chờ đợi sóng yên biển lặng, thuyền cập được đảo, lúc nào anh em đồng đội cũng bên cạnh, chia sẻ, động viên, để tôi nén lại đau buồn, bình tâm tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ”- Thiếu tá Hùng bộc bạch.

Bình yên của tuổi thơ trường mầm non Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ

Hôm lên trạm ra đa 540 trên đảo Cồn Cỏ, có những người lính tôi không gặp mặt, bởi các anh đã được đơn vị bố trí thời gian về quê đón cái tết sum vầy với gia đình. Nhưng không ai vắng trong tình cảm của đồng đội. Những niềm vui hay nỗi buồn của mỗi người cũng trở thành một phần cuộc sống, ký ức của tất cả cán bộ, chiến sĩ trên “con tàu lớn” giữa trùng khơi- mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.

Các anh xúc động khi kể về Thiếu tá Phạm Đình Hùng, người đã công tác tại đảo Phú Quốc 15 năm, tiếp tục “chân cứng đá mềm” 15 năm trên đảo Cồn Cỏ, khi mẹ qua đời cũng không thể về bởi cách trở sóng gió.

Đại úy Lê Duy Phương cũng 11 năm ở đảo Phú Quốc, nay gắn bó với Cồn Cỏ 6 năm trời. Và nhiều, rất nhiều thế hệ người lính đã cống hiến thanh xuân, tuổi trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm, tình yêu và cả máu xương cho biển, đảo. Để mỗi tiếng sóng vọng lên đều là tiếng hồn thiêng đất nước.

Vượt sóng cùng chiếc áo dài, quốc phục của phụ nữ Việt ghi dấu kỷ niệm trên hòn đảo anh hùng

Nụ cười của Đại úy Phan Thanh Hiền, Đại úy Lê Duy Phương và các đồng đội như những cánh nắng, khi kể về vợ, con, gia đình, hậu phương, khiến ngọn gió xuân càng thêm ấm nồng.

Em lấy được vợ là may. Mỗi năm có 30 ngày phép, chia ra 3 đợt nghỉ về nhà. Vỏn vẹn mươi ngày phép, đâu có “tán” cô nào được. May mà mẹ hỏi vợ giúp, em chỉ việc về cưới. Nay cháu lớn của em đã vào lớp 2 và cháu bé tuổi mẫu giáo”- Đại úy Phan Thanh Hiền kể về câu chuyện trọng đại của đời người.

Đằng sau sự tếu táo dí dỏm là tình yêu sâu đậm dành cho người vợ trẻ, đã “dám” gắn bó cuộc đời với anh bộ đội hải quân, quanh năm biền biệt nơi đầu sóng ngọn gió. Yêu thương ấy là sức mạnh, cũng là động lực để các anh vượt lên mọi gian nan, cầm chắc tay súng giữ đảo, giữ biển bình yên. Để những con tàu của ngư dân ngày đêm vươn khơi bám biển sản xuất, đồng thời chung sức cùng lực lượng hải quân làm những cột mốc sống, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thật xúc động khi trên hòn đảo chỉ có mấy chục hộ dân, nhưng những tuyến đường bê tông rộng rãi cứ nối dài khang trang vững chắc; tiếng trẻ thơ trong trẻo vẳng ra từ trường mầm non Phong Ba.

Đặc biệt, giữa màu xanh của biển “nối” với màu trời bát ngát, trên đỉnh “Cột cờ Tổ quốc đảo Cồn Cỏ”, lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh, hiên ngang tung bay.

Theo báo cáo của UBND huyện đảo Cồn Cỏ, trong năm qua, đã có gần 9 nghìn lượt khách du lịch đến với đảo Cồn Cỏ (đạt hơn 101% kế hoạch). Có rất nhiều nữ khách du lịch từ mọi miền đất nước đã kỳ công mang chiếc áo dài truyền thống, quốc phục của phụ nữ Việt, vượt sóng ra Cồn Cỏ, ghi dấu kỷ niệm một cách trang trọng trên hòn đảo anh hùng.

Trước thềm mùa xuân mới, cái nắm tay thật chặt của Đại tá Nguyễn Quốc Quảng, Phó Tư lệnh và nhiều cán bộ, sĩ quan đoàn công tác Vùng 3 Hải quân với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ như một lời thề thầm lặng, tiếp tục sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng tư, vững vàng vượt qua phong ba, để thực hiện tốt mệnh lệnh thiêng liêng- giữ cho hải đăng không bao giờ tắt, giữ vững bình yên biển đảo của Tổ quốc.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ghi-o-dao-con-co-a123161.html