Biến động tỷ giá có đáng lo?

Từ đầu năm đến nay, câu chuyện tỷ giá 'nóng' trở lại. Việc tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố vượt mốc 24.000 đồng/USD góp phần tạo tâm lý lo ngại với rủi ro tỷ giá, trong khi giá USD 'chợ đen' duy trì trên mốc 25.000 đồng/USD từ giữa tháng 2 đến nay và hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt...

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hôm 4/3 là 24.004 đồng/USD, tăng 2 đồng so với cuối tuần trước và 118 đồng kể từ đầu năm. Giá USD tại các ngân hàng cũng đồng loạt nâng lên so với phiên cuối tuần trước. Như Vietcombank niêm yết tỷ giá 24.470 - 24.840 đồng/USD, tăng 30 đồng. Còn tại Eximbank, giá USD niêm yết lần lượt 24.460 - 24.830 đồng/USD, tăng 50 đồng chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra.

Dù tăng giá, nhưng mỗi USD bán ra tại ngân hàng thương mại chưa "phá" đỉnh cũ đã thiết lập hồi năm 2022 là 24.876 đồng/USD.

Tỷ giá trên thị trường tự do cao nhất lịch sử

Trong khi đó, diễn biến trên thị trường tự do lại "căng" hơn khi ở vùng giá cao nhất lịch sử. Các điểm thu đổi ngoại tệ nâng giá mua vào - bán ra USD lần lượt lên 25.480 - 25.600 đồng, tăng 110 - 140 đồng so với phiên liền trước.

Giá USD "chợ đen" duy trì trên mốc 25.000 đồng/USD từ giữa tháng 2 đến nay, hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cũng bởi đà tăng giá này, giá USD tự do đang kéo giãn mức chênh với ngân hàng thương mại, ở mức 700 - 1.000 đồng (bán ra - mua vào).

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), lý do đồng USD tăng giá là bởi các Ngân hàng Trung ương châu Âu chưa chịu giảm lãi suất và có thể còn duy trì ở mức cao.

Biến động tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do không ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường ngoại tệ.

Lý do thứ hai khiến giá USD tăng mạnh trong thời gian qua cũng liên quan đến giá vàng. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, vài năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu/năm. Trong khi tổng lượng vàng khai thác trong nước chỉ đạt 2-3 tấn/năm. Như vậy gần như toàn bộ lượng vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh đến từ nhiều nguồn, nhưng phần lớn đến từ con đường không chính ngạch, trong đó có cả nhập lậu. Với số vàng tiêu thụ 50-60 tấn/năm, số USD phải bỏ ra để mua lên tới hàng tỷ USD/năm, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Đặc biệt, trong thời gian qua, giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới từ 13-20 triệu đồng/lượng. Đây là lỗ hổng lớn cho buôn lậu và khiến giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh mẽ.

Một nguyên nhân khác khiến giá USD tăng là 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi nhập khẩu tăng, nhu cầu USD để thanh toán các đơn hàng cho nước ngoài tăng nên giá USD tăng. Khi nhu cầu USD tăng lại gây áp lực lên giá vàng.

Nguyên nhân cuối cùng có thể một phần do lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã xuống chạm ngưỡng bẫy thanh khoản. Khi lãi suất tiền gửi chạm ngưỡng bẫy thanh khoản thì người dân có hiện tượng rút tiền gửi những chỗ khác. Mà những chỗ khác chính là vàng và ngoại tệ. Còn một phần tiền sẽ đổ vào bất động sản hay chứng khoán.

“Thời gian qua, chỉ số VN-Index liên tục tăng, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng, trong khi trước đây, nếu nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thì chỉ số VN-Index sẽ giảm. Điều này cho thấy dù nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, thì vẫn đang có một dòng tiền khác đổ vào. Trên thực tế, hơn 30 năm nay, giá vàng thế giới và đặc biệt giá vàng trong nước liên tục tăng. Giá USD về cơ bản cũng tăng”, ông Nghĩa nói.

Không ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ

Trước diễn biến tăng “nóng” của tỷ giá trên thị trường tự do, nhiều chuyên gia khẳng định không ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường ngoại tệ.

"Trên thị trường tự do, tỷ giá VND/USD có mức biến động lớn hơn tại hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch này rất nhỏ trong tổng thể hoạt động của thị trường ngoại hối trong nước. Do vậy, các biến động lớn hơn, nếu có, từ thị trường tự do cũng không phải là yếu tố có thể gây áp lực lên sự ổn định của thị trường", ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam phân tích.

Theo chuyên gia này, gần như toàn bộ giao dịch phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, vay trả nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp và các giao dịch hợp pháp của cá nhân như du học, du lịch, kiều hối… đều diễn ra trên kênh giao dịch ngân hàng. Do vậy, các biến động lớn hơn nếu có từ thị trường tự do không phải là yếu tố trọng yếu có thể gây áp lực lên sự ổn định của thị trường.

Thế nhưng, dù các chuyên gia nhận định biến động mạnh của tỷ giá trên thị trường tự do không ảnh hưởng đến thị trường, song vẫn tạo tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Chia sẻ về phương hướng điều hành tỷ giá trong năm nay, có thể nhận ra yếu tố "ổn định tỷ giá" vẫn là mục tiêu trong tuyên bố của cơ quan điều hành … “Điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô", NHNN khẳng định.

Tại Hội nghị của ngành chứng khoán được tổ chức mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: “NHNN sẽ duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá hối đoái sẽ góp phần làm cho các chính sách thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đạt được hiệu quả cao hơn; giúp tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường kinh doanh ổn định; tạo ra các bước đệm về sau trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán trong tương lai”.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/bien-dong-ty-gia-co-dang-lo-1098560.html