Biển Đông dậy sóng, sao vẫn đánh giá là bình yên?

'Tôi ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là chủ quyền và lợi ích quốc gia được đảm bảo, nhưng nói thật là tôi ép không nổi'- ĐB Lê Văn Lai chua xót nói.

Dù nội dung chương trình làm việc của Quốc hội là phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội, nhưng vấn đề chủ quyền biển đảo lại được các ĐBQH đặc biệt quan tâm, nhắc tới như một nỗi day dứt khi phát biểu trên nghị trường Quốc hội chiều ngày 1/4.

Biển Đông dậy sóng, sao vẫn đánh giá là bình yên?

Phát biểu gần cuối phiên thảo luận trên nghị trường Quốc hội, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) xin được dành trọn 7 phút quý báu của mình để bày tỏ những tâm tư về Biển Đông. Những tâm tư của ĐB Lê Văn Lai đã nhận được tràng vỗ tay tán đồng của nhiều vị ĐBQH và các phóng viên báo chí theo dõi, tường thuật phiên thảo luận.

ĐBQH Lê Văn Lai (Quảng Nam) bày tỏ nỗi day dứt khi nói về tình hình Biển Đông

ĐBQH Lê Văn Lai (Quảng Nam) bày tỏ nỗi day dứt khi nói về tình hình Biển Đông

Nêu lên điều khiến mình trăn trở, nghi ngại, ĐB Lê Văn Lai không ngại nói thẳng: "Tôi thực sự ngạc nhiên, là trong tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan khi đánh giá về Biển Đông đều cho rằng, chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia được đảm bảo chủ quyền... thì thực tế lại không phải như vậy".

"Đánh giá về đảm bảo chủ quyền quốc gia trong khi thì người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép dân, … Tôi ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là chủ quyền và lợi ích quốc gia được đảm bảo, nhưng nói thật là tôi ép không nổi"- ĐB Lê Văn Lai nói.

Ông tiếp lời, "Không thể nào, những hành vi đó không thể nào được coi là bình thường, nó xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia. Còn khi nào chúng ta mới đánh giá những hành vi nào, hệ lụy nào mới là xâm phạm chủ quyền quốc gia, trong khi đó họ xâm phạm chủ quyền của chúng ta tần suất 20 năm một lần?".

Nhắc nhớ lại lịch sử, ĐB Lê Văn Lai nói: "Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa. Năm 1974 lấy tây Hoàng Sa; năm 1988 lấy đảo Gạc Ma. Năm 2014 kéo giàn khoan vào Biển Đông và sau đó tần suất dài hơn, dày hơn để xâm lấn chủ quyền chúng ta. Biển Đông dậy sóng, trong khi đó chúng ta ngồi đây bình yên đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng không? Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, nhưng đối kháng của chúng ta đã đủ chưa? Phù hợp không?".

Vị ĐB tỉnh Quảng Nam tha thiết đề nghị, "chúng ta hãy đánh giá đúng, chỉ có đánh giá đúng mới đưa ra chủ trương đúng và kế sách đúng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia".

Gửi gắm tới các ĐBQH khóa XIV, ĐB Lê Văn Lai cho rằng, các ĐBQH nhiệm kỳ tới phải có thái độ đầy đủ, đúng đắn thì mới có kế sách đúng đắn bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Còn riêng với những đại biểu sắp được bầu vào vị trí lãnh đạo mới, ĐB Lai gửi gắm hai điều. "Tôi chỉ muốn gửi tới các đồng chí sắp được bầu vào vị trí lãnh đạo mới của đất nước hai điều. Một là giặc nội xâm thì làm sao phải chống được tham nhũng. Hai là, giặc ngoại xâm thì phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Chỉ cần làm được hai điều đó thì nhân dân sẽ không bao giờ quên và tôn vinh các đồng chí. Còn lại mọi thứ khác đều là thứ yếu".

“Nỏ thần chớ để sa tay giặc…”

Cũng dành phần lớn thời gian trong 7 phút phát biểu trước nghị trường Quốc hội để nêu lên suy nghĩ của mình đối với vấn đề Biển Đông, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nhắc lại câu thơ có ý nghĩa lịch sử sâu xa của nhà thơ Tố Hữu và xin phép điều chỉnh lại đôi chút cho phù hợp với tình hình hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền cả biển sâu”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhắc lại câu thơ của nhà thơ Tố Hữu khi nói về Biển Đông:"Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền cả biển sâu”.

Ông cắt nghĩa, “Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước và dân tộc này đã tồn tại hơn 4.000 năm qua, cũng nhờ nó mà dân tộc Việt Nam giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đất nước ta sẽ gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng mà còn là một dân tộc biết cách trở thành văn minh và thịnh vượng”-

Vị ĐBQH đồng thời là một luật sư cho rằng, phải lấy quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, nghĩa là phải xác định cho đúng ta, bạn, thù.

“Bạn là những ai ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là thế lực thù địch, đó là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn, an ninh của đất nước.

Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và là bạn của ta cho dù có sự khác biệt về phương pháp, về quan điểm và về nhận thức. Xác định không đúng ta, bạn, thù, có thể xảy ra tình hình thay vì thêm bạn, bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn, coi bạn là thù và coi thù là bạn, thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, ta vì tăng cường đại đoàn kết thì lại làm suy yếu đại đoàn kết dân tộc” - ông Nghĩa lý giải.

Gợi nhớ lại lịch sử, cái tên Diên Hồng – tên của hội trường Quốc hội, bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử minh chứng cho một chân lý, ông Nghĩa nhấn mạnh, “hàng ngàn năm qua dân tộc ta đã luôn phải chống lại những kẻ ngoại xâm đông và mạnh hơn mình, nhưng cuối cùng vẫn luôn luôn thắng lợi, bởi vì nuôi dưỡng và tập hợp được lòng yêu nước của toàn dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Nguyễn Hoài

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/toi-ep-minh-suy-nghi-chu-quyen-duoc-dam-bao-nhung-ep-khong-noi-post195061.info