Biên đạo múa Tấn Lộc: Dùng múa để truyền cảm hứng sống

Theo biên đạo múa Tấn Lộc, nghệ thuật múa có thể giúp chúng ta nhận diện được bản chất một vấn đề để sớm thay đổi

Không chỉ dùng cơ thể để kết nối cảm xúc với khán giả, dùng động tác để truyền tải thông điệp của mình, biên đạo múa Tấn Lộc còn tâm huyết với việc dùng múa để truyền cảm hứng sống cho nhiều người.

Phóng viên: Đam mê với nghề là điều dễ hiểu nhưng đằng sau anh còn là đồng nghiệp, học trò và họ phải sống. Anh có bao giờ thấy lăn tăn khi nhìn họ?

- Biên đạo múa TẤN LỘC: Tôi nghĩ nghề nào trong xã hội cũng cần tối thiểu là sự ổn định cơ bản và cơ hội phát triển. Bản thân tôi vẫn luôn nỗ lực hết sức có thể để tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho diễn viên và cộng sự.

Biên đạo múa Tấn Lộc

Nghề múa có đặc thù riêng, khó khăn riêng nhưng cũng có những đặc ân riêng. Khi chúng tôi nỗ lực làm nghề giỏi thì những tràng pháo tay của khán giả đã tạo ra những cảm xúc rất đặc biệt. Có lẽ cũng vì điều này mà tập thể chúng tôi, tôi và các bạn Arabesque, có thể cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, vẫn còn trụ được với nghề.

Múa với anh có ý nghĩa thế nào?

- Múa đã ở sẵn trong tôi. Vì vậy, tôi luôn thấy đó là nguồn năng lượng tuôn chảy trong mình.

Nhiều nghệ sĩ rất giỏi, kiếm được bộn tiền từ nghề của mình. Còn anh?

- Tôi nghĩ mỗi người có phước phần riêng. Ai thành công thì tôi mừng cho họ.

Tôi thường chỉ nỗ lực trong khả năng của mình. Đội ngũ Arabesque được duy trì từ năm 2008 đến nay, cũng kiếm được tiền nhưng lại đầu tư vào nghệ thuật.

Một vở diễn do Tấn Lộc dàn dựng.Ảnh: ĐẠI NGÔ

Chúng tôi còn có nhiều cơ hội đi một số nơi trên thế giới để tham gia các chương trình biểu diễn quốc tế cùng các đoàn múa đương đại châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc; được biểu diễn trong các nhà hát nổi tiếng, được học hỏi trải nghiệm nhiều. Đơn cử, việc biên đạo múa cho vở "Toruk-The First Flight" của Cirque Du Soleil trong thời gian dài ở Canada và Mỹ đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm quý giá. Tôi nghĩ đó là điều rất may mắn của mình rồi.

Nghề múa được xem là nhiều vất vả mà lại khó làm giàu. Vì sao anh vẫn theo đuổi nó?

- Tôi nghĩ mục tiêu sống của mình là được theo nghề múa, chứ chưa bao giờ nghĩ theo múa để làm giàu. Có lẽ tôi may mắn có được sự ảnh hưởng rất lớn từ những người thầy đầu tiên trong nghề như thầy Thái Ly, cô Kim Quy, thầy Việt Cường. Sau này, khi sang Nhật, tôi được học với thầy Moriyama Kaiji và cô Fuji Sato...

Đây là những thầy cô đã cho tôi thấy niềm đam mê mãnh liệt trong nghề múa. Năng lượng đó lớn đến nỗi họ chưa bao giờ vì khó khăn vật chất mà vơi đi nhiệt huyết sáng tạo và sự tận tâm với các học trò của mình. Tôi chỉ đang noi gương các thầy cô của mình. Điều này đã cho tôi sức sống để theo nghề đến nay.

Mong muốn của anh với lĩnh vực múa Việt Nam?

- Tôi luôn nỗ lực, cố gắng làm tốt nhất việc của mình. Tôi mong nhiều người cũng như vậy để ngành múa Việt Nam ngày càng phát triển. Điều quan trọng là mình thấy điều gì cần làm thì bắt tay vào làm thôi.

Ngoài nghề múa, giấc mơ trong cuộc sống của anh là gì?

- Cảm ơn câu hỏi này của bạn, vì thật ra tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều này. Nghe câu hỏi này, tự nhiên tôi mới nghĩ tới.

Ảnh: ĐẠI NGÔ

Thực tế, tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc sống của mình lại có gì mà không liên quan đến múa. Một cách tự nhiên là tôi không thể để múa qua một bên được (cười).

Có quá lời không khi nói anh là người làm thay đổi diện mạo múa Việt?

- Ồ... Tôi chỉ làm được một phần rất nhỏ. Tôi không nghĩ một cánh én có thể làm nên mùa xuân được đâu.

Để thay đổi diện mạo ngành múa Việt, chúng ta cần rất nhiều sự nỗ lực từ từng cá nhân, tổ chức và các ban ngành, cả chính sách nữa.

Ngoài ý nghĩa đơn thuần của một bộ môn nghệ thuật, theo anh, múa còn mang ý nghĩa gì khác không?

- Một lần khi đang đi trên phố, có bạn trẻ đến trước mặt tôi lễ phép: "Em chào thầy". Tôi ngạc nhiên hỏi lại: "Sao gọi tôi bằng thầy? Tôi có dạy bạn bao giờ đâu?". Bạn ấy cho biết quê ở miền Trung và vốn là một học sinh cá biệt. Vùng quê khó khăn cùng cực và bạn ấy bỏ học đi hoang.

Một lần tình cờ, bạn ấy xem vở múa "Sương sớm" của tôi và vỡ ra một điều rằng không có điều gì là bế tắc cả; chỉ có sự buông tay, dễ dàng từ bỏ mới là bế tắc. Từ đó, bạn ấy quyết tâm học thật giỏi. Bây giờ, bạn ấy đã là chủ một khách sạn lớn ở quê nhà, mang tâm nguyện phải là người có ích cho quê hương.

Với tôi, đó là một trong những thành tựu của nghề múa, của hành trình mà mình theo đuổi từ năm 17 tuổi đến nay. Chúng ta luôn muốn trở thành một người tài năng và hữu ích. Thành tựu lớn nhất trong cuộc đời mỗi người, với tôi, là có thể giúp người khác nhận diện được bản chất một vấn đề để sớm thay đổi. Múa mà tôi theo đuổi đã đi theo con đường này.

Tấn Lộc là người sáng lập Liên hoan Múa đương đại quốc tế TP HCM - một liên hoan định kỳ, ra mắt từ năm 2013. Cùng với việc thành lập Arabesque, anh đã sáng tạo nên những vở diễn: "Chuyện kể những chiếc giày", "Mộc", "Tích tắc", "Rơm"..., mang đến hơi thở mới cho nghệ thuật múa tại Việt Nam.

Biên đạo múa Tấn Lộc bộc bạch: "Tôi yêu múa và trở thành một diễn viên múa. Khi đứng trên sân khấu biểu diễn, tôi không còn là chính mình nữa. Hành động, biểu cảm của người múa thể hiện lúc đó không chỉ đơn thuần là động tác mà còn là cảm xúc, có thể mở ra được "trường cảm nhận" đến với khán giả. "Trường cảm nhận" đó sẽ rung động trái tim người xem".

Arabesque là một trong những công ty múa tư nhân đầu tiên tại TP HCM, phát triển đa dạng các thể loại như ballet, tân cổ điển (neo-classic) và đương đại (contemporary). Được thành lập năm 2008, từ khi ra đời, Arabesque đã tập trung vào việc đào tạo và phát triển các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp, đồng thời tạo ra một môi trường tập trung chuyên môn và đầy cảm hứng cho các biên đạo múa chuyên nghiệp sáng tạo những tác phẩm độc đáo.

Ngôn ngữ múa của Arabesque là sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại. Sự hòa quyện đó vừa tạo nên ngôn ngữ múa đặc biệt của riêng Arabesque vừa thể hiện các khía cạnh của văn hóa Việt Nam theo phong cách hiện đại, mới lạ, độc đáo. Arabesque mong mỏi quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua ngôn ngữ múa, đồng thời đưa nghệ thuật múa quốc tế đến Việt Nam.

Vở múa ballet đương đại "SenZen" do Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP HCM (Saigon Concert) phối hợp với Arabesque thực hiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt - Nhật sẽ công diễn trong 2 ngày 16 và 17-12 tại Nhà hát TP HCM.

Tác phẩm "SenZen" là hành trình khám phá triết lý chánh niệm, thông qua sự tĩnh lặng và quan sát nội tâm của từng nghệ sĩ, là sự hòa nhịp của múa ballet đương đại với trống Taiko của Nhật Bản. Vở diễn có sự tham gia của nghệ sĩ trống nổi tiếng Nhật Bản Kensaku Satou - từng trình diễn trong lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 và FIFA World Cup.

THÙY TRANG thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bien-dao-mua-tan-loc-dung-mua-de-truyen-cam-hung-song-196231202211658485.htm