Biến chứng nguy hiểm do hóc hạt, dị vật

Hóc dị vật vào đường thở là tai nạn thường gặp ở trẻ. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh khi thấy trẻ ho, khò khè kéo dài nên đưa trẻ đi khám đề phòng biến chứng nguy hiểm do hóc hạt.

Nhiều trẻ suy hô hấp nặng do bít tắc đường thở

Truyền thống của Tết là ăn các loại hạt hướng dương, đậu tương, hạt lạc, hạt bí,… Mới đây, một cháu bé 3 tuổi ở Quảng Ngãi nghi hóc hạt bí được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cấp cứu.

Theo lời bố cháu bé, khoảng 20 giờ tối 26/1, con anh chơi đùa cùng với nhiều cháu bé khác. Một số cháu lớn lấy hạt bí ra ăn. Cháu L. bất ngờ bị ho sặc, khó thở. Các cháu trong nhóm nói con anh lấy hạt bí bỏ vào miệng. Lúc này cháu đã khó thở, nôn ọe nên vợ chồng anh chở cháu lên Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi.

Ngày 27/1, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cũng đã có báo cáo về trường hợp bệnh nhi T.Đ.L. tử vong nghi hóc hạt bí. Theo báo cáo, hội đồng chuyên môn được lập để họp, phân tích, đánh giá quá trình tiếp đón, thăm khám, chẩn đoán, xử lý theo dõi và chăm sóc đối với cháu L. Kết quả xác định, cháu L. nhập khoa Nhi hô hấp tối 26/1 (mùng 5 Tết) được chẩn đoán viêm thanh khí phế quản, theo dõi dị vật đường thở.

Bác sĩ Khoa Khám và Thăm dò hô hấp Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện nội soi phế quản.

Bác sĩ Khoa Khám và Thăm dò hô hấp Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện nội soi phế quản.

Bệnh nhi L. được bác sĩ trực cấp cứu tiếp nhận khám cấp cứu kịp thời, nhanh chóng. Sau khi thực hiện thăm khám các bác sĩ hội chẩn, thống nhất cháu bị viêm thanh khí phế quản cấp, chẩn đoán phân biệt dị vật đường thở nên bênh nhân được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, khí dung. Bệnh nhi có đáp ứng, tỉnh táo, môi hồng, đỡ khò khè. Bệnh nhi sau đó được theo dõi, chăm sóc theo đúng y lệnh: Mạch, nhiệt độ, nhịp thở liên tục; theo dõi trên monitor SPO2 và hướng dẫn ủ ấm tích cực. Các nhân viên y tế phối hợp xử lý, hồi sức tích cực cho trẻ nhưng đáng tiếc bệnh nhi bỏ về, không ở bệnh viện nên không theo dõi, can thiệp, cấp cứu kịp thời; chẩn đoán tử vong ngoại viện không rõ nguyên nhân.

Tương tự, trước đó, trong 3 ngày liên tiếp từ 7/1 - 9/1/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 3 trẻ từ 17 - 21 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp vì bị hóc hạt lạc tại nhà.

Cụ thể, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất trong chùm ca bệnh là bé N.M.K. (17 tháng, nam, Bắc Ninh). Bé được bố cho ăn lạc rang, sau đó bị sặc và tím tái, thiếu oxy với hội chứng xâm nhập rất rõ. Ngay lúc ấy, bé được đưa đi sơ cứu ở Trung tâm y tế huyện và được đặt nội khí quản chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 8/1.

Sau khi thực hiện thăm khám, bác sĩ Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành nội soi phế quản phát hiện 1/2 hạt lạc tại khí quản, chiếm gần hết khẩu kính đường thở. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để phá hạt lạc thành nhiều mảnh nhỏ, và lấy được hết dị vật ra ngoài (bình thường các ca gắp dị vật thường chỉ mất vài phút).

Hình ảnh hạt lạc mắc trong phế quản và được gắp ra ngoài sau khi phá thành nhiều mảnh nhỏ.

Hình ảnh hạt lạc mắc trong phế quản và được gắp ra ngoài sau khi phá thành nhiều mảnh nhỏ.

Tiếp đó, trường hợp bé gái N.N.M.C. (21 tháng, Nam Định) được mẹ cho ăn kẹo lạc khi đang đi xe máy, sau đó con bị sặc, ho, khó thở, tím tái. Gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, được đặt nội khí quản và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Với ca này hạt lạc có kích thước nhỏ hơn, nên các bác sĩ tiến hành gắp dị vật nhanh chóng. Sau đó trẻ được chuyển về Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, tiếp tục thở máy trong 2 ngày. Đến ngày 11/1, trẻ sức khỏe ổn định và dần hồi phục.

Riêng trường hợp bệnh nhi N.P.M. (21 tháng, Bắc Giang), trẻ bị mắc dị vật hạt lạc hơn một tuần ở phế quản gốc bên phải, gây viêm và tổ chức sùi che lấp dị vật, khiến việc tiếp cận lấy dị vật rất khó khăn. Vì vậy, bác sĩ Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành điều trị nội khoa để giải quyết tình trạng viêm và nội soi gắp dị vật sau vài ngày.

Cách phòng tránh và sơ cứu khẩn cấp

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Phùng Đăng Việt – Trưởng Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cho trẻ nhỏ ăn lạc nếu không cẩn thận bị hóc sẽ gây bít tắc đường thở, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Lạc là loại hạt có dầu, ngoài việc gây tắc đường thở, suy hô hấp còn có thể gây viêm đường thở do dầu lạc. 3 bệnh nhi chúng tôi vừa tiếp nhận những ngày qua đều có tình trạng khó thở, tím tái, viêm phổi với tổn thương lan tỏa, nhiễm trùng tăng cao. Rất may là trẻ được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Phùng Đăng Việt cũng khuyến cáo thêm, truyền thống của Tết là ăn các loại hạt hướng dương, đậu tương, hạt bí,… phụ huynh cũng cần lưu ý để xa tầm tay của trẻ và giám sát chặt chẽ khi con ăn, tránh xảy ra những trưởng hợp đáng tiếc. Cũng không nên bắt ép trẻ ăn khi đang khóc hoặc để trẻ cười đùa trong khi ăn uống.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh mất bình tĩnh để nhận định trẻ bị hóc dị vật đường thở, thiếu kiến thức về xử trí sơ cứu nên có thể cố gắng lấy tay hoặc các vật khác đưa vào miệng trẻ để móc dị vật ra: Có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ.

Bác sĩ Phùng Đăng Việt - Trưởng Khoa Khám và Thăm dò hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đang khám cho bệnh nhi hóc dị vật.

Bác sĩ Phùng Đăng Việt - Trưởng Khoa Khám và Thăm dò hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đang khám cho bệnh nhi hóc dị vật.

Để đề phòng biến chứng nguy hiểm do hóc hạt, các phụ huynh khi thấy trẻ ho, khò khè kéo dài thì nên đưa trẻ đi khám. Trong trường hợp ho sặc rồi bị hóc, nếu không biết sơ cứu thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, khi bị hóc dị vật, nạn nhân thường có những biểu hiện như ho sặc sụa, tím tái mặt mày, khó thở do dị vật mắc vào thanh quản, một số trường hợp thiếu oxy có thể xuất hiện những triệu chứng như giãy giụa, mặt đỏ bừng, ngã vật xuống…

Cho rằng hóc dị vật là một trong những tai nạn thường gặp, có thể dễ dàng tự khắc phục, rất nhiều người đã tự ý chữa hóc dị vật bằng mẹo. Thông thường, chúng ta vẫn cố gắng sử dụng tay móc họng hoặc dùng vật cứng móc ngoáy sâu vào họng. Nhiều người còn sử dụng nguyên cục cơm, hoa quả cố nuốt trọn để mong lấy được dị vật ra. Điều này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây nên trầy xước, dẫn đến các biến chứng như viêm thanh quản , viêm tấy có mủ.

Nhiều cha mẹ khi thấy con bị nôn ói, sặc lại lấy tay vuốt xuôi, vuốt lấy vuốt để những mong dị vật trôi xuống bụng nhưng lại vô tình làm chúng chui sâu vào phổi, khiến tình trạng càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, việc chữa hóc dị vật bằng mẹo có thể chặn toàn bộ đường thở, khiến nạn nhân có thể ngay lập tức bị ngừng thở.

Theo các chuyên gia y tế, nhằm phòng tránh biến chứng của dị vật đường thở đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần phải chú ý thêm trong quá trình chăm sóc trẻ và cần ghi nhớ cách sơ cứu khẩn nếu gặp tình trạng này. Điều này sẽ giúp tránh được các tình trạng xấu nhất khi gặp tại ngoài đời.

Cha mẹ cần đảm bảo rằng các vật dụng đồ chơi của trẻ không được làm từ những vật dụng mang hình dáng sắc nhọn và kích thước nhỏ dễ đưa vào mồm. Trong quá trình cho ăn các bậc cha mẹ phải để ý các loại thức ăn có hạt nhỏ như kẹo viên, bắp, mãng cầu,… Vì đây là những loại thức ăn sẽ gây nên tình trạng hóc và sặc nếu không được tách hạt, làm sạch vỏ hoặc lọc xương các loại thịt cẩn thận. Nếu không cẩn thận thì dị vật có thể chui vào đường thở và gây nên những tình trạng nguy hiểm trước khi tới bệnh viện.

Nếu trẻ đang gặp tình trạng trên mà xe cứu thương vẫn chưa tới thì cha mẹ có thể thực hiện các bước sơ cứu khẩn cấp: Lập tức đặt trẻ nằm sấp, đầu phải thấp hơn cánh tay trái và giữ chặt chúng bằng bàn tay trái của mình. Sau đó, dùng gót bàn tay phải vỗ thật mạnh 5 cái vào lưng trẻ ngay giữa hai bả vai. Sau đó tiếp tục lật trẻ ngửa sang phải nếu vẫn còn tình trạng khó thở và tím tái thì hãy dùng hai ngón tay trái ấn mạnh dưới vùng xương ức. Nếu dị vật vẫn chưa được trẻ nôn ra ngoài thì hãy tiếp tục lật trẻ ngồi dậy và tiếp tục vỗ lưng liên tục cho tới khi trẻ thở hoặc khóc được.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bien-chung-nguy-hiem-do-hoc-hat-di-vat.html