Biến chứng nguy hiểm của sỏi túi mật nếu không điều trị

Tiền sử bệnh tim mạch nặng, sỏi túi mật nhưng để lâu ngày không điều trị, diễn tiến viêm túi mật hoại tử đã được phẫu thuật cắt túi mật khẩn cấp ngăn nguy cơ sốc nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng.

Ngày 11/4, ông Th. (64 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng sốt cao, người mệt mỏi, lừ đừ, đau bụng nhiều vùng dưới sườn phải và thượng vị sau khi ăn.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân sỏi túi mật.

Tình trạng đau bụng kéo dài suốt 2 ngày, mức độ mỗi lúc một tăng nên được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ông T.vốn có nhiều bệnh nền khá nặng như tiền căn nhồi máu não, huyết áp cao, rung nhĩ đáp ứng thất thanh (rối loạn nhịp nhĩ nhanh, không đều), đái tháo đường type II, rối loạn lipid máu và đang dùng thuốc kháng đông.

TS.Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan - Tụy - Mật (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) đã chỉ định ông Thuận làm một số xét nghiệm chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tình trạng nhiễm trùng nặng, với chỉ số bạch cầu tăng hơn 18.000 (mức bình thường là 4.000-10.000/mm3 máu), hình ảnh cắt lớp vi tính (CT) gợi ý người bệnh bị viêm túi mật cấp do sỏi vùng phễu và ống túi mật.

Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm, bác sĩ Công Khánh chẩn đoán ông Thuận bị nhiễm trùng huyết do viêm phúc mạc mật vì viêm túi mật hoại tử, cần phải phẫu thuật nội soi cắt túi mật cấp cứu, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Tuy nhiên, lúc này có hai khó khăn đặt ra. Người bệnh đang dùng thuốc kháng đông, không thể phẫu thuật ngay. Nếu tiến hành phẫu thuật thì nguy cơ cao xảy ra biến chứng chảy máu trong và sau mổ cũng như biến cố tim mạch và mạch máu não.

Ngay lập tức, các bác sĩ ba chuyên khoa Gan - Mật - Tụy, Tim mạch và Gây mê hồi sức đã tiến hành hội chẩn để đánh giá nguy cơ tim mạch, cũng như nguy cơ nếu ngưng thuốc kháng đông trước phẫu thuật.

Các bác sĩ quyết định phương án điều trị tích cực bằng kháng sinh mạnh, phổ rộng, đồng thời ngưng thuốc kháng đông 12 giờ trước khi phẫu thuật cho người bệnh.

Bác sĩ Công Khánh cho biết, thông thường, thuốc kháng đông phải ngưng 24 giờ là tối ưu nhất, tuy nhiên, trường hợp của ông Thuận bị nhiễm trùng nặng, chờ lâu sẽ có nguy cơ sốc nhiễm trùng.

Hơn nữa, đây là một ca phẫu thuật nguy hiểm vì bệnh nhân đang bị viêm túi mật hoại tử nhiều nguy cơ biến chứng xảy ra như chảy máu nhiều, tổn thương đường mật, người bệnh có nhiều bệnh lý nội khoa lại mổ trong tình huống cấp cứu nên có thể xảy ra nhiều biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim), suy hô hấp, tai biến mạch máu não trong và sau khi mổ.

Cũng theo bác sĩ Phạm Công Khanh, viêm túi mật hoại tử là biến chứng nghiêm trọng từ viêm túi mật cấp. Đây là tình trạng mô của thành túi mật bị chết do túi mật bị tắc nghẽn, nhiễm trùng nặng và kéo dài.

Hệ quả gây phù nề mô chung quanh tế bào khiến máu không thể di chuyển đến túi mật và mô, dẫn tới hoại tử tế bào. Các tế bào sẽ dần chết đi do không có đủ máu nuôi dưỡng.

Viêm túi mật cấp xảy ra do sỏi làm tắc nghẽn ở cổ túi mật hay ống túi mật trong thời gian dài mà không điều trị. Người bệnh cần cấp cứu khẩn cấp, can thiệp sớm như cắt túi mật hoặc dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da để ngăn nguy cơ nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, đe dọa đến tính mạng.

Biến chứng của viêm túi mật hoại tử khoảng 16-25%, trong đó tỷ lệ tử vong lên đến 22%. Đặc biệt, thời gian tiến triển bệnh do viêm túi mật cấp tính diễn ra nhanh, người bệnh có nguy cơ bị thủng túi mật sau 2-3 ngày bị tắc nghẽn túi mật.

Bác sĩ Công Khánh khuyến nghị, người bệnh có sỏi túi mật nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín, đầy đủ trang thiết bị để thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp xử trí sớm, ngăn ngừa bệnh tiến triển thành viêm túi mật hoại tử, thấm mật phúc mạc hay viêm phúc mạc mật.

Đặc biệt, khi có triệu chứng của viêm túi mật hoại tử như đau hạ sườn phải dữ dội, sốt cao, ớn lạnh,… cần nhập viện nhanh chóng để được xử lý kịp thời.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bien-chung-nguy-hiem-cua-soi-tui-mat-neu-khong-dieu-tri-d213119.html