Biến chủng Delta xuyên thủng chiến lược chống dịch của Australia

Australia từng là hình mẫu chống dịch thành công vào năm 2020. Song biến chủng Delta đang chỉ ra lỗ hổng trong chiến lược của nước này.

Tại Australia, một tài xế sân bay là ca mắc Covid-19 đầu tiên có liên quan đến biến chủng Delta. Tài xế này là nguồn lây nhiễm cho một vị khách, người sau đó tham gia bữa tiệc sinh nhật gồm 40 khách mời ở thành phố Sydney.

Hai tuần sau bữa tiệc sinh nhật, 27 người tham dự, bao gồm một trẻ 2 tuổi, đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, 14 người tiếp xúc với các khách mời cũng mắc Covid-19,theo New York Times.

Đáng chú ý, trong số những người không mắc bệnh, có 7 người từng tiêm vaccine ngừa Covid-19. Bữa tiệc trên là ví dụ sinh động, chỉ ra lỗ hổng trong chiến lược phòng dịch của Australia suốt thời gian qua.

Chiến lược “Không Covid”

Năm 2020, Australia chống dịch khá thành công nhờ đóng cửa biên giới, xét nghiệm trên diện rộng và truy vết mầm bệnh hiệu quả. Người dân nước này đã sống khá an toàn và thoái mải, trong khi phần còn lại của thế giới phải đối mặt số liệu thương vong nghiêm trọng.

Năm 2021, Australia chưa ghi nhận ca tử vong nào vì Covid-19. Song biến chủng Delta đã nhanh chóng lây lan đến nhiều khu vực.

Trước tình hình này, giới chức đã áp dụng lệnh phong tỏa đối với một nửa trong số 25 triệu dân. Nước này cũng đóng cửa biên giới và tăng cường các biện pháp hạn chế, bao gồm cắt giảm một nửa lượng khách nước ngoài được nhập cảnh.

Cách tiếp cận này không hề mới mẻ. Khi đại dịch cúm xảy ra vào năm 1918, Australia cũng đóng cửa biên giới với khách nước ngoài trong suốt một năm, rồi mở cửa chậm hơn so với phần còn lại của thế giới.

Đến nay, người dân Australia vẫn sẵn sàng bị cô lập để chống dịch hiệu quả. Song chiến lược trên, được gọi là “Không Covid”, đang bị đe dọa khi biến chủng Delta xuất hiện.

 Người dân Australia xếp hàng trước trạm y tế. Ảnh: AFP.

Người dân Australia xếp hàng trước trạm y tế. Ảnh: AFP.

Trên thực tế, biến chủng Delta lây lan nhanh do rất ít người Australia từng tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tình hình hiện tại đang đưa ra một lời cảnh báo: Nếu không tiêm chủng, Australia sẽ mất quyền kiểm soát tình hình và ghi nhận những thương vong đáng kể.

Bà Catherine Bennett, chủ nhiệm bộ môn dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Melbourne, nhận xét: “Đây là hồi kết của chiến lược ‘Không Covid’. Chúng tôi đang kiểm soát được tình hình, song mọi chuyện sẽ ngày càng khó khăn hơn”.

Australia cần mạnh dạn hơn

Các nhà nghiên cứu đã phân tích một đoạn video, cho thấy bệnh nhân Covid-19 có liên quan đến biến chủng Delta đã phát tán virus cho một người vô tình đi qua. Giới chức y tế từng cảnh báo biến chủng này có thể lây nhiễm cho cả hộ gia đình nếu một thành viên mắc bệnh.

Khi biến chủng Delta trở nên nguy hiểm, Australia buộc phải hành động nhanh hơn và siết chặt các hạn chế hơn trước.

Song giới chức và các nhà kinh tế lo ngại việc phong tỏa sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội. Trên thực tế, khoảng 34.000 người Australia ở nước ngoài vẫn chưa được hồi hương, trong khi hàng loạt doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Thành phố Melbourne, nơi bị phong tỏa nhiều nhất, là viễn cảnh trong tương lai của các khu vực còn lại. Tại đây, các hộ kinh doanh đều đóng cửa, người dân lo lắng không dám rời khỏi nhà ngay cả khi cộng đồng không ghi nhận ca bệnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định Australia đang trở nên quá phụ thuộc vào việc kiểm soát biên giới và phong tỏa. Trong suốt đợt bùng phát dịch đầu tiên, thành phố Sydney đã phong tỏa 12 triệu người song chưa từng ghi nhận hơn 3 ca bệnh nghiêm trọng.

Nhà kinh tế học Richard Holden từ Đại học New South Wales nói cách tiếp cận này có thể gây ra những mất mát khôn lường. “Không gì có thể thay thế được những đám cưới và đám tang, hoặc việc ở bên người thân trước khi chết. Thật khó để ước tính giá trị của những điều này”, ông nói.

 Một người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Shutterstock.

Một người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Shutterstock.

Theo ông Holden, Australia nên mạnh dạn tiến xa hơn nữa. Nước này mới chỉ thử nghiệm hai loại vaccine ngừa Covid-19, bao gồm vaccine AstraZeneca và một loại vaccine của Đại học Queensland.

Khi kết quả thử nghiệm không khả quan, cả chính phủ lẫn người dân Australia đều trở nên rụt rè với vaccine. Nước này vẫn chưa nhận được vaccine Pfizer và Moderna, trong khi ít hơn 8% tổng dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Để chiến đấu với biến chủng Delta, Australia đối mặt với một thách thức lớn trong vài tháng tới. Nước này phải đảm bảo mọi người đều được tiêm chủng, chứ không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích một bộ phận người dân đi tiêm.

Peter Collignon, bác sĩ kiêm nhà vi sinh vật học tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết: “Covid-19 từng khiến một trường hợp trong số 100 hoặc 200 bệnh nhân tử vong. Nhưng nếu người dân cùng tiêm chủng, tỷ lệ này sẽ là 1 trên 1.000”.

Thủ tướng Scott Morrison hôm 2/7 cũng thừa nhận rằng Australia phải từ bỏ cách tiếp cận cũ. Ông nói: “Tư duy của chúng tôi trong việc kiểm soát dịch Covid-19 phải thay đổi, khi các bạn chuyển từ giai đoạn trước khi tiêm chủng sang sau khi tiêm chủng”.

Ông Morrison cũng nêu ra mục tiêu cuối cùng: “Chúng ta sẽ đối phó Covid-19 như bệnh cúm, và điều này có nghĩa là không phong tỏa đất nước”.

Tính đến ngày 3/7, Australia ghi nhận tổng cộng 30.734 ca mắc và 910 ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-delta-xuyen-thung-chien-luoc-chong-dich-cua-australia-post1234336.html