Biến chủng Delta mang Covid-19 trở lại khắp thế giới

Với khả năng lây lan nhanh chóng, biến thể Delta đang khiến kịch bản vượt qua đại dịch của nhiều quốc gia sụp đổ với tương lai không chắc chắn.

Tại Indonesia, những người đào mộ đang làm việc thâu đêm khi các ca tử vong do Covid-19 không ngừng gia tăng bởi sự thiếu hụt vaccine và oxy y tế.

Ở châu Âu, các quốc gia đang đóng cửa một lần nữa với các biện pháp kiểm dịch và cấm đi lại.

Ở Bangladesh, hàng chục nghìn người đã tháo chạy khỏi thủ đô Dhaka ngay trước thềm lệnh phong tỏa, đe dọa mang mầm bệnh trở về các ngôi làng nghèo khó của họ.

Và ở các quốc gia như Hàn Quốc và Israel, những nơi dường như đã thành công trong cuộc chiến chống dịch, các ca bệnh mới đang quay trở lại.

Các quan chức y tế Trung Quốc hôm 28/6 thông báo họ sẽ xây dựng một trung tâm cách ly khổng lồ với 5.000 giường cho du khách quốc tế. Australia đã yêu cầu hàng triệu người dân ở yên trong nhà.

Cơn ác mộng đã quay trở lại, đó là nhận định của báo New York Times trước tình hình dịch bệnh hiện nay.

 Khu chôn cất bệnh nhân Covid-19 tại nghĩa trang ở thủ đô Jakarta đang phải hoạt động liên tục. Ảnh: Reuters.

Khu chôn cất bệnh nhân Covid-19 tại nghĩa trang ở thủ đô Jakarta đang phải hoạt động liên tục. Ảnh: Reuters.

Một năm rưỡi kể từ khi thế giới chạy đua để tìm cách ngăn chặn dịch bệnh, làn sóng Covid-19 đang quay trở lại ở nhiều khu vực với sự xuất hiện của các biến thể mới, đặc biệt là biến thể Delta lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ.

Cuộc chạy đua với biến thể mới

Các nhà khoa học tin rằng biến thể Delta có nguy cơ lây nhiễm cao gấp 2 lần so với chủng virus corona ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Một số chuyên gia y tế còn cảnh báo biến thể mới có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine.

Các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Ấn Độ được xem là nơi “ươm mầm” của các biến thể mới đang phát triển theo cách đáng ngạc nhiên và nguy hiểm.

Càng nhiều người mắc Covid-19, cơ hội để virus tiến hóa càng cao. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm biến thể Delta Plus, Gamma và Lambda.

Giáo sư Kim Woo-joo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Guro, Seoul, nhận định: “Chúng ta đang trong cuộc chạy đua chống lại sự lây lan của các biến thể virus".

Giờ đây, các cuộc tranh luận diễn ra từ Malaysia cho đến Seychelles về việc thực hiện các biện pháp tái phong tỏa và đeo khẩu trang, cũng đang bắt đầu nổ ra ở những quốc gia có nguồn vaccine dồi dào.

Hôm 28/6, các quan chức y tế ở quận Los Angeles, Mỹ, nơi ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Delta gia tăng, đã kêu gọi người dân, ngay cả những người đã được tiêm chủng, đeo khẩu trang trong nhà.

Trước tình hình biến thể lan rộng, các chuyên gia nhận định nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và áp dụng biện pháp phòng ngừa sẽ tiếp tục là phương án cần thiết để chế ngự cơn sóng dịch bệnh.

 Một địa điểm tiêm chủng ở Medan, Indonesia. Ảnh: Shutterstock.

Một địa điểm tiêm chủng ở Medan, Indonesia. Ảnh: Shutterstock.

Khói lại bốc lên ở lò hỏa táng

Khói bốc lên một lần nữa từ các lò hỏa táng ở các quốc gia kém phát triển, làm nổi bật hố sâu ngăn cách giàu nghèo của thế giới.

Bất chấp những cam kết giúp các nước nghèo tiếp cận vaccine của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, sự bất bình đẳng lớn trong phát triển kinh tế cùng hệ thống chăm sóc sức khỏe đã khiến cho đợt dịch mới trở nên nguy hiểm.

Đại dịch Covid-19 đang chứng minh rằng chừng nào một khu vực bị ảnh hưởng, thì không có khu vực nào trên thế giới an toàn.

Khi biến thể Delta tàn phá ở Ấn Độ vào mùa xuân này và giết chết hơn 200.000 người dân, nó cũng xâm nhập qua biên giới các quốc gia. Từ nóc nhà thế giới Everest, các cuộc biểu tình ở Myanmar cho đến sân bay quốc tế Heathrow tại London, các ca nhiễm mới xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Hiện biến thể Delta đã có mặt ở ít nhất 85 quốc gia và là chủng virus thường thấy ở các khu vực của châu Âu, châu Á và châu Phi.

Khả năng lây truyền nhanh chóng của biến thể Delta đã được chứng minh trong đợt dịch tồi tệ nhất ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.

Vào tháng 5, Indonesia gần như đã kiểm soát được dịch bệnh với các ca nhiễm ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, vào cuối tháng 6, Indonesia báo cáo ca mắc Covid-19 liên quan đến biến thể Delta gia tăng kỷ lục sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri của người Hồi giáo.

 Người dân Indonesia xếp hàng mua oxy y tế ở Jakarta khi số ca Covid-19 tăng lên. Ảnh: Shutterstock.

Người dân Indonesia xếp hàng mua oxy y tế ở Jakarta khi số ca Covid-19 tăng lên. Ảnh: Shutterstock.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo rằng đất nước mới chỉ có ít hơn 5% dân số được tiêm chủng đầy đủ đang ở "bờ vực thảm họa".

Vào tháng 5, Bồ Đào Nha đã cố gắng hồi sinh ngành du lịch bằng cách chào đón du khách từ Anh, bất chấp báo cáo về sự lan rộng của biến thể Delta ở đó.

Thế nhưng, chỉ một vài tuần sau đó, các trường hợp biến thể Delta tăng mạnh, thủ đô Lisbon rơi vào tình trạng phong tỏa.

Đức coi Bồ Đào Nha là “vùng biến thể của virus”, trong khi chính phủ Anh thiết lập biện pháp cách ly đối với những du khách đến từ Bồ Đào Nha.

Chủ khách sạn ở Bồ Đào Nha Isabel Pereira cho biết một nửa số khách của cô tỏ ra lo lắng và đã hủy đặt phòng.

“Thật không may, tôi thậm chí không thể nói cho họ biết chắc chắn những gì sẽ xảy ra vào ngày mai, chứ đừng nói đến tuần sau”, cô nói.

Một lần nữa, quá khứ đen tối của đại dịch Covid-19 đang lặp lại với tốc độ chóng mặt.

Tại Bangladesh, các nhà khoa học phát hiện ra rằng gần 70% mẫu ca nhiễm từ thủ đô Dhaka, được lấy từ ngày 25/5 đến ngày 7/6, liên quan đến biến thể Delta. Hôm 30/6, nước này đã ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 8.822 trường hợp nhiễm mới.

 Người thân đưa thi thể bệnh nhân Covid-19 đi chôn cất ở Rajshahi, Bangladesh. Ảnh: AP.

Người thân đưa thi thể bệnh nhân Covid-19 đi chôn cất ở Rajshahi, Bangladesh. Ảnh: AP.

Thế nhưng, bất chấp những cam kết từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, việc vận chuyển vaccine đến Bangladesh vẫn chưa đạt được kết quả. Hiện it hơn 3% người Bangladesh đã được tiêm chủng đầy đủ.

Chính quyền Bangladesh đã phải siết chặt các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc và tử vong tăng cao.

Tuy nhiên, với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Bangladesh, chính phủ không cho phép các nhà máy và xí nghiệp may mặc ngừng hoạt động.

“Chúng tôi đang làm việc để cân bằng giữa cuộc sống và sinh kế”, ông Mohammed Nasir, cựu phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh cho biết.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-delta-mang-covid-19-tro-lai-khap-the-gioi-post1233353.html