'Bidenomics' - Ván cược mới của Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng không thích thuật ngữ 'Bidenomics' (Học thuyết kinh tế Biden) và từng nói đùa: 'Tôi không biết đó là cái quái gì'. Tuy nhiên tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ đã chấp nhận cách viết tắt đó cho chương trình nghị sự kinh tế của mình và vạch ra một kế hoạch kinh tế lớn nhằm khôi phục 'giấc mơ Mỹ' trước thềm cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Phát biểu hôm 28/6 tại Chicago, ông định nghĩa “Bidenomics” là sự đảo ngược của 4 thập kỷ “kinh tế học nhỏ giọt” mà trong đó ưu tiên lợi ích của người giàu hơn lợi ích của tầng lớp trung lưu. Nhà lãnh đạo Mỹ quả quyết: "Tầm nhìn này là bước đột phá cơ bản so với lý thuyết kinh tế vốn đã không đáp ứng kỳ vọng của người dân Mỹ trong 4 thập kỷ qua. Lý thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt đã khiến tầng lớp trung lưu thất vọng. Khiến nước Mỹ thất vọng. Những người làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết không thể tiến lên phía trước”.

Có gì trong “Bidenomics”?

Lý thuyết “kinh tế học nhỏ giọt” cho rằng việc áp dụng cắt giảm thuế đối với các doanh nhân và doanh nghiệp giàu có sẽ tạo ra sự chuyển dịch trong nền kinh tế và mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia. Trong 40 năm qua, không chỉ các chính quyền thời Donald Trump, George W. Bush, George H.W. Bush và Ronald Reagan, mà còn cả các chính quyền của Bill Clinton, Barack Obama đã áp dụng học thuyết “kinh tế nhỏ giọt”.

Tổng thống Biden định nghĩa “Bidenomics” là sự đảo ngược của 4 thập kỷ “kinh tế học nhỏ giọt”

Tổng thống Biden định nghĩa “Bidenomics” là sự đảo ngược của 4 thập kỷ “kinh tế học nhỏ giọt”

Trong bài phát biểu dài hơn 30 phút tại thành phố Chicago, thành phố đông dân nhất khu vực trung tây nước Mỹ, Tổng thống Biden cho rằng “Bidenomics” - học thuyết kinh tế mới của ông - sẽ là phát triển kinh tế từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống, ngược với chính sách “kinh tế nhỏ giọt”, phụ thuộc vào nguồn cung, đã làm mất việc làm và làm tầng lớp trung lưu nghèo đi. Ông nói: “Bidennomics là về tương lai. Bidenomics là một cách nói khác của khôi phục giấc mơ Mỹ, bởi vì nó đã hoạt động từ trước. Nó bắt nguồn từ những gì chúng tôi luôn làm tốt nhất, đó là đầu tư vào người dân Mỹ”.

Tổng thống Biden giải thích triết lý của ông được xây dựng trên 3 trụ cột: đầu tư công lớn, từ những cây cầu đến băng thông rộng; giúp người lao động đảm bảo công việc được trả lương cao bằng cách thúc đẩy tổ chức công đoàn và yêu cầu các sản phẩm phải được sản xuất tại Mỹ; và thúc đẩy cạnh tranh, bằng cách hạn chế các thỏa thuận không cạnh tranh, các khoảng phụ phí bất hợp lý (“phí rác”) và giảm chi phí thuốc theo đơn - đồng thời thực thi mạnh mẽ luật chống độc quyền.

Đặt cược vào “Bidenomics”

Mặc dù tạo việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp thấp là những điểm sáng của nền kinh tế Mỹ trong 2 năm cầm quyền của Tổng thống Biden, song lạm phát tăng cao và các tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất liên tục đối với lĩnh vực tài chính, bất động sản… đang khiến người dân nước này lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế. Theo một số kết quả thăm dò dư luận trong thời gian qua, chỉ có khoảng 35% số người được hỏi tán thành cách thức điều hành kinh tế hiện nay của Tổng thống Biden, trong khi có tới hơn một nửa phản đối. Cử tri Mỹ cũng cho rằng kinh tế là vấn đề quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần, các cuộc thăm dò dư luận thường thúc đẩy các chính trị gia tìm kiếm người để đổ lỗi. Tuần trước, ông Biden đã chỉ trích các ngân hàng, công ty dầu mỏ, nhà sản xuất dược phẩm, các nhà giao dịch tiền điện tử, nhà quản lý quỹ phòng hộ, hãng hàng không và khách sạn. Trong một bài phát biểu gần đây trước Liên hiệp Trung ương Nghiệp đoàn Mỹ (AFL-CIO), Tổng thống Biden nói rằng sẽ không ai để ý nếu các chủ ngân hàng đầu tư đình công, nhưng đất nước sẽ ngừng hoạt động nếu các thành viên công đoàn làm như vậy. Tuy nhiên, khi muốn củng cố dấu ấn kinh tế của mình, sẽ không chắc có hiệu quả khi Tổng thống Biden cố gắng ghi điểm chính trị bằng chủ nghĩa dân túy, vốn nghe có vẻ không trung thực vì đến từ một người lần đầu tiên được bầu vào Thượng viện cách đây 50 năm và là người đại diện cho tiểu bang thân thiện với doanh nghiệp nhất ở Mỹ.

Trong chiến lược “Bidenomics”, ông Biden ủng hộ các hiệp hội và các chương trình học nghề và nêu ra nhiều đề xuất giúp mọi người vào đại học hơn là giúp họ có được công việc tốt mà không cần bằng cấp. Điều tốt nhất mà ông Biden đã làm cho những người lao động ít học là điều hành một thị trường lao động chặt chẽ. Tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức dưới 4% kể từ tháng 2/2022 và những người lao động đang kiếm được nhiều tiền. Khoảng cách việc làm giữa người da màu và người da trắng gần như đã được thu hẹp và mức tăng lương đặc biệt mạnh mẽ đối với những người lao động không có bằng cấp đại học.

Tuy nhiên, niềm tự hào của chính quyền Biden về những con số đó chỉ nhấn mạnh vấn đề thực sự mà chính quyền này phải đối mặt. Đó là người Mỹ cảm thấy hài lòng về nền kinh tế dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump và không cảm thấy hài lòng về điều đó dưới thời ông Biden. Lý do rất đơn giản: Tiền lương thực tế đã giảm do lạm phát gia tăng. Các khoản đầu tư dài hạn của ông Biden, những nỗ lực của ông nhằm xây dựng lại ngành sản xuất của Mỹ, tạo ra hàng triệu việc làm mới, giúp khử carbon cho nền kinh tế Mỹ sẽ cần thời gian mới thu được kết quả. Thực tế là người dân Mỹ đang sống trong nền kinh tế ngay hiện nay, chứ không phải trong nền kinh tế của 1 thập kỷ tới.

Dù vậy, tin tốt cho cả ông Biden và nước Mỹ là tiền lương thực tế đã tăng trong vài tháng qua. Lạm phát giảm hơn một nửa kể từ mức đỉnh điểm. Theo nhà phân tích Mark Zandi của hãng Moody's Analytics, nước Mỹ sẽ thoát khỏi suy thoái hoàn toàn. Liệu những tin kinh tế tốt lành này có giúp ông Biden tái đắc cử hay không? Vẫn cần thời gian để trả lời câu hỏi này.

Khánh An (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/bidenomics-van-cuoc-moi-cua-tong-thong-my-i699795/