Bí thư Đồng Nai đối thoại với người dân liên quan thu hồi đất làm cao tốc

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã có buổi đối thoại với các hộ dân thuộc diện di dời của dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào sáng nay (26/10).

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến đường góp phần giảm tải cho quốc lộ 51, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Đồng Nai đi Bà Rịa Vũng Tàu. Tuyến cao tốc này còn đóng vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Người dân xem bản đồ khu vực dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Anh

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đối với dự án thành phần 1 và 2 thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khó khăn lớn nhất là thiếu mặt bằng. Các nhà thầu đã chuẩn bị nhân lực, máy móc sẵn sàng triển khai dự án nhưng không có mặt bằng để thi công.

“Nhân lực nếu thứ Hai đến thứ Sáu làm chưa hết việc phải tăng ca làm thêm thứ Bảy và Chủ Nhật để sớm hoàn thành hồ sơ, công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng”, ông Võ Tấn Đức – quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Người dân mong được đền bù thỏa đáng

Đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, các hộ dân trình bày những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bố trí tái định cư. Người dân mong muốn được tái định cư tại chỗ vì đã sinh sống lâu năm, quen thuộc môi trường, giáo dục, an ninh trật tự…

Bà Nguyễn Thị Dầu (ngụ phường Phước Tân, TP. Biên Hòa) cho biết, bà rời quê ở miền Bắc vào Đồng Nai sinh sống lập nghiệp. Hiện tại, nhà bà Dầu nằm trong diện phải di dời, bà đồng thuận với chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, việc mất nơi ở hiện tại khiến gia đình bà gặp nhiều khó khăn.

“Tôi mong Nhà nước đền bù thỏa đáng, ai có đất đền đất, ai có nhà đền nhà và giá đền bù phù hợp với giá thị trường. Chúng tôi cũng mong được ở khu tái định cư tại Phước Tân để thuận lợi cho vợ chồng đi làm, con cái đi học”, bà Dầu nói.

Ông Nguyễn Văn Quyết mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm đến đời sống nhân dân. Ảnh: Hoàng Anh

Ông Nguyễn Văn Quyết (phường Phước Tân, TP. Biên Hòa) cho biết, khu vực phường Phước Tân có nhiều hộ ổn định cuộc sống từ hơn 20 năm qua. Ông mong các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm đến an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.

“Chỉ mong nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Hầu hết người dân mua đất từ đầu những năm 2000 và xây dựng nhà cửa, sinh sống ổn định ngay sau đó. Vận động người dân bàn giao mặt bằng nhưng phải có chỗ tái định cư, bàn giao đất nhưng giờ chưa có chỗ tái định cư thì sao?”, ông Quyết nêu vấn đề.

Có hơn 3.000 hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất để làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Anh

Quan tâm chính sách tạm cư trong khi chờ bố trí tái định cư

Đồng Nai triển khai 4 khu tái định cư, trong đó 2 khu tái định cư tại TP. Biên Hòa, 2 khu tại huyện Long Thành. Thế nhưng hiện tại do việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn nhiều vướng mắc (chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng) nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bị chậm.

UBND tỉnh đã xin Thủ tướng Chính phủ để bố trí khoảng 1.834 lô tái định cư khu Lộc An - Bình Sơn (khu tái định cư sân bay Long Thành) cho các hộ dân thuộc diện di dời của dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, các ngành của tỉnh đang khẩn trương làm việc với đơn vị tư vấn để sớm hoàn chỉnh chứng thư thẩm định giá đất bồi thường, dự kiến phê duyệt giá bồi thường trong tháng 12.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai phát biểu tại buổi đối thoại với người dân thuộc diện di dời của dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Anh

Kết luận cuộc đối thoại, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, Đồng Nai mong muốn ra một chính sách phù hợp nhất, đảm bảo được quyền lợi của người dân.

Về công tác tái định cư, trước mắt phải quan tâm đến chính sách tạm cư cho các hộ dân trong khi chờ bố trí tái định cư. Các địa phương cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư đã được phê duyệt, xây dựng các công trình công cộng, trường học, công viên cây xanh, điện, nước, đường giao thông kết nối, hệ thống thoát nước, mạng thông tin di động… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

“Người dân kiến nghị, khiếu nại ra sao cần hướng dẫn, giải thích, tháo gỡ ngay để người dân hiểu. Kiểm soát ngăn ngừa các vi phạm, tránh trục lợi, sai sót, tiêu cực trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuyên truyền vận động bà con sớm bàn giao mặt bằng để thi công cao tốc. Bởi vì cả hai địa phương phải làm song song mới thi công thông toàn tuyến được, nếu Đồng Nai chậm, Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh vẫn không thể về đích toàn tuyến”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khởi công cuối tháng 6/2023, dài khoảng 54km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài khoảng 34km chia làm 2 thành phần. Để thực hiện dự án, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi gần 290ha đất của hơn 3.400 hộ dân.

Hoàng Anh- ĐN

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bi-thu-dong-nai-doi-thoai-voi-nguoi-dan-lien-quan-thu-hoi-dat-lam-cao-toc-2206975.html