Bí thư Dia!

Đồng bào Mông ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) vẫn gọi anh như thế, từ người trẻ đôi mươi hay cụ già phơ phơ tóc trắng.

Bí thư, Trưởng bản Chá Văn Dia hướng dẫn kỹ thuật châm sóc cây ăn quả cho người dân Pù Toong.

Người đàn ông ấy mảnh khảnh nhưng có đôi mắt sáng, đã xây đời từ lầm lỡ đau thương, trở thành hiện thân cho nghị lực, ý chí kiên định và khát vọng đổi thay nơi rừng xanh núi đỏ. Còn Pù Toong, từ nghèo nàn, bị ràng buộc bởi hủ tục và cả “cái chết trắng”... đã thành bản nông thôn mới đầu tiên trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa.

Từ những đau thương, lầm lỗi...

Ngày cận tết, bản Pù Toong thanh bình với những mái nhà nương theo triền núi trập trùng xanh mươn mướt miền biên ải. Trong căn nhà gỗ trên lưng chừng con dốc nằm ven Quốc lộ 15C dẫn lên phố huyện Mường Lát, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Chá Văn Dia ngồi trước tôi với lời kể đứt gãy, chen vào những tiếng thở dài và rất nhiều khoảng lặng. Như một con thoi quăng quật qua giông bão, đắng chát cuộc đời, có lúc tưởng chừng như méo mó, biến dạng, giờ khuôn mặt anh đã rạng rỡ một nụ cười.

Chá Văn Dia sinh năm 1971 ở bản Cá Nọi, xã Pù Nhi. Tuổi nhỏ, anh vẫn thường theo bố mẹ vào rừng đốn gỗ lấy đất làm nương, tra hạt rồi để đấy chờ đợi nước từ trời, được chăng hay chớ. Cuộc sống quần quật quanh năm, nhưng chưa bao giờ khá lên được, Dia nghĩ chỉ có đi học mới thoát được nghèo. Kể cả khi những đứa trẻ bản Mông phải lang thang nơi xó rừng góc núi nhặt nhạnh từng đọt le, củ măng, Dia vẫn không bỏ học, dù bụng còn sôi èo ẹo. Học cấp 3, bố mẹ bắt lấy vợ, anh cưới, nhưng vẫn đòi đi học tiếp.

Đến năm 1995, anh tốt nghiệp Trường trung cấp Nông lâm (nay là Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa) ngành lâm nghiệp, rồi học xong Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình (đã sáp nhập vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa) năm 1999. Ngày ấy, Cá Nọi xơ xác chẳng ai có hai bằng trung cấp như anh, nên nhanh chóng được nhận làm công nhân Lâm trường Mường Lát (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Lát). Rồi vợ chồng bồng bế về Pù Toong sinh sống, làm việc theo hợp đồng giao khoán với lâm trường.

Gương mặt u buồn, Bí thư Dia kể về những ngày đau thương đã qua.

Giữa lúc chật vật ổn định cuộc sống ở nơi đất khách, thì tai họa liên tiếp giáng xuống mái ấm nhỏ nhoi, mà đến giờ nghĩ lại trên khuôn mặt anh còn in hằn đớn đau. Hôm đó, vào một ngày mưa tháng 10/2000, vợ anh đang đánh xe trâu kéo gỗ về dựng khung khu vườn thì bất ngờ bị một xe ô tô đâm tử vong tại chỗ. Hai con anh, lúc ấy đứa lớn 9 tuổi, còn đứa nhỏ 7 tuổi nào đã biết cảm nhận hết nỗi đau mất mẹ. Dia đau đớn, nhưng cũng phải nín lặng, cứng cỏi để vỗ về, an ủi chúng.

Bí thư Dia lau nước mắt khi kể về những ngày lầm lỗi.

Những tưởng vụ tai nạn ấy đã là tột cùng nỗi đau của hai đứa trẻ mồ côi, nào ngờ chỉ hai tháng sau, Dia vô tình trở thành tội phạm vận chuyển thuốc phiện, phải tra tay vào còng số 8 trong một ngày đông buốt giá. Đôi mắt đỏ hoe, giọng anh ngắt quãng: “Người ta nói làm cán bộ, thường xuyên qua lại nhà, uống mấy bát rượu rồi, mình tin. Hôm sau người ta nhờ mình giới thiệu nơi có thuốc phiện để mua. Nể lắm nên mình tìm mấy ngày mới biết, rồi báo lại. Sau đó, người ta nhờ mình cầm về cho họ rồi lấy tiền. Mình bị cán bộ biên phòng bắt khi đang cầm thuốc phiện trên tay”.

Đứng trước vành móng ngựa ở Tòa án Nhân dân tỉnh nhận mức án 6 năm tù, Dia chỉ biết khóc, rồi đưa ánh mắt thất thần dò tìm bóng dáng của những đứa con đau khổ sau quãng ngày nhung nhớ. Nhưng vì mẹ mất, bố vướng vào lao lý, chúng bị quẳng lại cho ông bà nội tóc bạc mắt mờ, nên cũng chẳng được ai đưa xuống nhìn mặt bố.

Bí thư Dia tự hào về cậu con trai đã tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm đang công tác xa nhà.

Chuỗi ngày dài bên trong song sắt lạnh lẽo Trại giam Thanh Phong, tâm can Dia bị giằng xé khi nghĩ về những đứa con vạ vật, về bố mẹ lưng còng đã mang nặng đẻ đau ra một thằng con tội lỗi... Còn ở quê nhà, bố anh chán chường, nghĩ quẩn rồi bầu bạn với “ả phù dung”, vật vờ trong những cơn phê ngây dại. Hay tin, anh đã ân hận lại thêm chán nản, người phờ phạc, hốc hác, tưởng như không còn sức chờ ngày tự do. Nhưng rồi chính sách hình sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước đã tạo động lực để Dia cải tạo, lao động tốt, rút ngắn quãng đường trở về.

Chuỗi ngày dài bên trong song sắt lạnh lẽo của Trại giam Thanh Phong, tâm can Dia bị giằng xé khi nghĩ về những đứa con vạ vật, về bố mẹ lưng còng đã mang nặng đẻ đau ra một thằng con tội lỗi... Còn ở quê nhà, bố anh chán chường, nghĩ quẩn rồi bầu bạn với “ả phù dung”, vật vờ trong những cơn phê ngây dại.

...đến việc gì khó, có Bí thư Dia

Ngày 2/9/2004, lệnh đặc xá của Chủ tịch nước được công bố, khuôn mặt của Chá Văn Dia bừng tỉnh với những lời chúc tụng của bạn tù. Anh được đặc xá nhờ vào tinh thần kiên trì cải tạo lao động không mệt mỏi. Hôm đó trời nhá nhem, Dia về đến nhà, nhìn hai đứa nhỏ lấm lem, rách rưới, anh chỉ biết ôm chúng mà khóc. “Mình đã xin lỗi các con, xin lỗi bố mẹ. Mình hứa làm lại cuộc đời để con mình không bị tiếng xấu có bố đi tù nữa”, Chá Văn Dia vội lấy tay lau hai hàng nước mắt bên sống mũi đỏ lừ.

Những mái nhà ở Pù Toong đã đi qua những ngày xác xơ vì ma túy.

Ngày ấy nhiều người bản Pù Toong sợ tên tù Chá Văn Dia trở về. Người ta sợ anh côn đồ, hung hãn, sợ bị lôi kéo vào con đường số má. Nhưng không, từ lầm lỗi trở về hoàn lương, anh hăm hở như con báo ngoài rừng, quần quật làm lụng từ những điều mình biết. Đầu tiên là vận dụng kiến thức ở trường, anh trồng cây ăn quả, nuôi thêm con lợn, con bò, cải tạo đám ruộng để trồng lúa nước. Từ canh tác một vụ, anh làm ống dẫn nước về ruộng trồng hai vụ lúa, không phát nương làm rẫy nữa mà con anh vẫn có gạo ăn. Lúc nông nhàn, anh cầm cưa, cầm bào đi làm thợ mộc kiếm tiền. Tối đến, anh ở nhà dạy học cho hai con nhỏ. Dân bản thấy anh bắt đầu dư dả nên đến học theo, làm theo, rồi cánh đồng Pù Toong dần trồng hai vụ lúa.

Thanh niên trai tráng nghiện, cụ già bạc tóc cũng nghiện. Rồi trộm cắp liên miên, dân bản hở gì mất nấy, từ nồi niêu, xoong chảo trong bếp, đến củ sắn, bắp ngô trên nương cũng bị trộm. Người ta mang cả trâu bò lợn gà để “cúng”... con ma túy.

Từng va vấp, tường tận nỗi đau tù tội, Dia được giới thiệu rồi tham gia vào Tổ an ninh trật tự của bản, cùng với công an, chính quyền xã tuyên truyền, vận động bà con chấp hành pháp luật, không theo tà đạo, không vận chuyển, buôn bán trái phép ma túy... Khi ấy, triền miên trong nỗi ám ảnh gieo rắc xuống bao mái nhà, đường ngõ ở xã Pù Nhi là nỗi đau ma túy. Thanh niên trai tráng nghiện, cụ già bạc tóc cũng nghiện. Rồi trộm cắp liên miên, dân bản hở gì mất nấy, từ nồi niêu, xoong chảo trong bếp, đến củ sắn, bắp ngô trên nương cũng bị trộm. Người ta mang cả trâu bò lợn gà để “cúng”... con ma túy. Và để bà con tin và làm theo, anh nghĩ mình phải làm trước nêu gương, nên quyết tâm vận động bố mình cự tuyệt với thuốc phiện.

Bí thư Dia lau lại những bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành tặng cho bản thân.

Anh kể: “Bố mình nghiện, tiền của làm ra, đồ đạc trong nhà cứ thế bay đi hết. Con mình đã khổ lại thêm khổ. Mình phải khuyên bố cai nghiện. Ban đầu bố không nghe, nhưng khuyên mãi thì bố cũng nghe. Chỉ trong gần một tháng, bố mình không còn nghiện nữa”.

Câu chuyện về người con trai giúp bố mình cai nghiện tại nhà đã thắp lên ngọn lửa hy vọng trong những mái nhà ở Pù Nhi đang rệu rã, lạnh ngắt vì ma túy. Họ rủ nhau đến nhà Dia hỏi cách. Đến khoảng năm 2007, những cây thuốc phiện cuối cùng mọc sâu trong núi ở Pù Toong đã được chặt bỏ. Đó cũng là lúc anh được xóa án tích, trở thành một công dân như bao người.

Không dừng lại ở đó, thấy đất đai hoang hóa còn nhiều, lại gần suối, anh nghĩ có thể khai hoang, cải tạo để trồng lúa nước. "Mình xin ý kiến cán bộ trong bản, rồi cùng vận động bà con đi khai hoang. Bà con thấy mình và cán bộ làm trước thì làm theo. Nên bản mình đã có thêm ruộng lúa nước, trồng hạt gạo để ăn”, Dia kể lại. Khi ma túy được loại bỏ, từ trong đói ăn thiếu mặc, đồng bào Mông ở Pù Toong có bát ăn bát để, nên họ cảm ơn Chá Văn Dia. Như ông Lâu Văn Chứ A (sinh năm 1963) bộc bạch: “Dia giúp bản tao nhiều lắm. Nhờ có Dia, có chủ trương của Đảng, bản tao có cây lúa nước hai vụ, cuộc sống yên ổn, no ấm”.

Năm 2012, Chá Văn Dia được tín nhiệm bầu làm trưởng bản, năm 2016 được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến cuối năm 2017, thực hiện chủ trương nhất thể hóa, Chá Văn Dia được bầu làm Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pù Toong.

Lầm lỡ rồi làm lại. Với nhiều người chỉ cần như thế, khi mà chứng tỏ được bản thân còn có ích. Còn Chá Văn Dia thì khác, cuộc làm lại ấy chưa có điểm dừng. Năm 2017, được sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4), anh vận động bà con trồng hoa đào bán ra thị trường dịp tết nguyên đán. Rồi cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền vận động bà con xóa bỏ hủ tục trong tang ma, đưa người chết vào quan tài, không tổ chức ăn uống linh đình...

Anh bảo: "Việc gì cũng vậy, mình theo lời Bác Hồ dạy, phải đi trước, làm trước. Bà con thấy đúng, thấy lợi mới theo".

Việc gì cũng vậy, mình theo lời Bác Hồ dạy, phải đi trước, làm trước. Bà con thấy đúng, thấy lợi mới theo.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pù Toong Chá Văn Dia

Vậy nên, gần như các phong trào, anh phát động thì bà con theo. Có lẽ họ nghĩ anh đã giúp bà con có thêm của ăn của để, nên theo anh, theo Đảng là đúng đắn. Rồi những chuyện xảy ra trong bản như tranh chấp đất đai, tài sản hay chuyện nhà này hết gạo cần giúp đỡ, người kia nghi nghiện, đến chuyện con lợn, con bò bỏ ăn..., người ta cũng gọi đến anh. Còn anh, cứ có việc bà con cần thì đến.

Pù Toong cứ thế mà ngày càng thêm khấm khá, năm 2020 được công nhận danh hiệu bản nông thôn mới. Đó là bản đồng bào Mông đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được công nhận danh hiệu này. Đến nay, trong số 76 hộ của bản, chỉ còn 6 hộ nghèo. Tỷ lệ mà tôi nghĩ đó là ao ước của nhiều bản đồng bào Mông.

Làm kinh tế giỏi, Bí thư Dia đã mua sắm nhiều máy móc phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Theo chân anh một vòng trên con đường bê tông kiên cố quanh bản Pù Toong yên ả, trước mắt tôi là những căn nhà gỗ kiên cố, thấp thoáng bên những vườn mận, vườn đào bung nở khoe sắc chờ mùa Xuân đang về. Phía ven Quốc lộ 15C, người Pù Toong cũng hối hả, bận rộn bán những măng khô, gạo nếp, gà đồi... cho những xe khách tấp nập về xuôi. Để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiến lên sản xuất hàng hóa đã có công sức từ nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều người. Nhưng tôi biết, trong đó có “linh hồn” của Bí thư, Trưởng bản Chá Văn Dia, người đã trao truyền nhiệt huyết, lan tỏa trách nhiệm và quyết tâm phát triển cho họ. Và anh cũng là người truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ phấn đấu để vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, khi mà từ năm 2017 đến nay, Chi bộ Pù Toong đã kết nạp thêm 8 đảng viên đồng bào Mông.

Pù Toong cứ thế mà ngày càng thêm khấm khá, năm 2020 được công nhận danh hiệu bản nông thôn mới. Đó là bản đồng bào Mông đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được công nhận danh hiệu này.

...

Chia tay tôi, Chá Văn Dia bộc bạch như từ gan ruột mình, từ cả những quá khứ khổ đau lầm lỗi và quãng đường đằng đẵng tìm lại cuộc đời: “Mình đã quyết tâm làm lại cuộc đời và kiên định với quyết tâm ấy. Cũng như mình kiên định vào Đảng để tiếp tục phấn đấu. Bà con bản mình đã quyết tâm và đang kiên định với con đường thoát nghèo. Mình tin, rồi đồng tiền và sự giàu có sẽ từ đó mà sinh ra cho bà con thôi”. Tôi ấm lòng giữa ngày đông trên con đường về phố thị đã trang hoàng, lộng lẫy rợp cờ hoa...

Phóng sự của Đỗ Đức

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/bi-thu-dia/206584.htm