'Bị tẩy chay vì truyền thống đòi công bằng'

"Thực tế cũng cho thấy, trong quá khứ, những cuộc bạo động, biểu tình của công nhân trong những giai đoạn lịch sử trước ở hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là rất cao. Những điều này có thể tạo thành cái cớ khiến một số doanh nghiệp không nhận họ", Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian, giảng viên khoa văn trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội nhận định.

Đến lãnh đạo còn phân biệt vùng miền thì bảo sao...'
Lao động Thanh Hóa, Nghệ An bị ngầm tẩy chay

- Gần đây báo chí có phản ánh tình trạng công nhân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An bị một số doanh nghiệp ngầm “tẩy chay”. Theo ông, tình trạng này xảy ra lâu chưa? Có phổ biến không?

- Theo tôi được biết, việc này diễn ra ở một số khu công nghiệp ở Đồng Nai, TP HCM ít nhất là 10 năm nay. Thậm chí cách đây 3 năm có những doanh nghiệp người ta tuyên bố thẳng là không tuyển công nhân người Nghệ An. Ở những địa phương khác cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo tôi ở những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp thì biểu hiện sẽ rõ hơn.

- Ý kiến của ông về tình trạng này thế nào?

- Các chủ doanh nghiệp có quyền tuyển chọn nhân công. Tuy nhiên, việc tuyển chọn dựa trên cơ sở phân biệt vùng miền là sai về chính sách, về mặt nhân quyền. Bởi lẽ, nếu trong một quốc gia mà có sự phân biệt vùng miền thì cũng có thể dẫn đến phân biệt tộc người và ở quốc tế sẽ phân biệt chủng tộc, dân tộc. Điều này từ xưa đến nay cũng như lịch sử nhân loại đều chống lại những điểm phân biệt như vậy. Điều nguy hiểm hơn là, nếu trong nước mà phân biệt vùng thì quốc tế kỳ thị với Việt Nam là điều hiển nhiên trong khi chúng ta đang muốn tiến tới một thế giới hòa nhập, hội nhập thì chúng ta nên nhìn lại mình.

Hơn nữa, những ý tưởng về sự phân biệt vùng miền để tuyển chọn người không dựa trên cơ sở khoa học nào cả mà chỉ trên ấn tượng cá nhân. Điều này hoàn toàn không nên.

- Vậy theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đâu?

- Đồng hương, cục bộ, phân biệt, kì thị luôn luôn tồn tại trong xã hội từ xưa đến nay. Càng xa xưa biểu hiện càng nặng nề, càng về sau càng giảm dần khi cuộc sống văn minh lên. Có điều, lúc nào cũng có thể bùng phát nơi này hay nơi khác. Con người ta có xu hướng tìm đến những tương đồng để kết hợp với nhau.Theo tôi, tính cục bộ, thứ nhất bắt nguồn từ sự khác biệt về ngôn ngữ. Những người mang phương ngữ càng riêng biệt với các vùng khác thì càng dễ phân biệt. Từ đó, người ta co cụm và tạo ra tính cục bộ.

Ví dụ, trước đây người Quảng Nam, người Huế dễ phân biệt nên sự kỳ thị lẫn nhau rất nhiều. Hoặc là một cộng đồng người Bắc như Nam Định, Thái Bình khu biệt với ngôn ngữ với Thanh Hóa, còn người Nghệ An vừa phân biệt với Thanh Hóa vừa phân biệt với Huế nên dễ khu biệt.

Điều thứ 2 là nguyên nhân xã hội. Không kể lịch sử xa xưa, chỉ riêng trong thời cận đại, hiện đại, những cư dân ở Nghệ An, Thanh Hóa có đặc điểm so với các cư dân khác, ít nhất, 2 cư dân đó trong thời kháng chiến chống Pháp là vùng tự do nên ở đó tư tưởng đòi hỏi công bằng dân chủ nó xuất hiện từ rất sớm và được duy trì liên tục. Do đó, ở những nơi thiếu công bằng, họ hay vùng lên đấu tranh.

Trong các doanh nghiệp đang tồn tại hiện nay không phải doanh nghiệp nào hoạt động cũng đàng hoàng. Các doanh nghiệp làm ăn nhập nhằng dễ bị công nhân phản ứng.

Thực tế cũng cho thấy, trong quá khứ, những cuộc bạo động, biểu tình của công nhân trong những giai đoạn lịch sử trước ở hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là rất cao. Những điều này có thể tạo thành cái cớ khiến các doanh nghiệp “đồng dạng” khác không nhận họ.

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ - Nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian, giảng viên khoa văn trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội

- Một số doanh nghiệp không tuyển dụng công nhân quê Thanh Hóa – Nghệ An vì cho rằng không ít người trong số họ là những kẻ trộm cắp, cờ bạc. Ông nghĩ sao vì cách “nhìn người” này?

Tôi cho rằng cái đó thuộc luật pháp và người chủ nắm vững luật pháp hơn người đi làm. Theo đó, nếu công nhân vi phạm thì cứ xử lý theo quy định pháp luật. Người sử dụng lao động không được đưa ra những luận điệu như vậy. Đây là những lời nói theo kiểu dư luận xã hội vô căn cứ mà người sử dụng lao động nói vậy là để bao biện chứ không phải là nhận xét. Bởi lẽ, bất cứ một lời nhận xét nào cũng phải có căn cứ, phải dựa trên kết quả điều tra xã hội học. Thật là đơn giản, hiện nay có trên 50.000 doanh nghiệp đang đổ vỡ, hãy thống kê xem có phải vì sử dụng nhân công Thanh – Nghệ không? Hiện nay tệ nạn, tội ác lan tràn, hãy qua 1 năm báo chí thống kê lại, chia cho bình quân dân số tỉnh thì thấy ngay bức tranh thôi mà. Ở đâu cũng “người ba đấng của ba loài”, cả chủ doanh nghiệp lẫn người bình thường.

- Không chỉ các doanh nghiệp, một số chủ dịch vụ ăn uống, vui chơi nhỏ … thậm chí những người cần thuê giúp việc cũng có ác cảm với người Thanh Hóa, Nghệ An. Theo ông việc này lý giải thế nào?

- Ở đâu cũng có người xấu kẻ tốt còn dư luận chủ yếu dựa vào trực quan như dựa vào giọng nói hoặc là cảm nhận cá nhân …Những người nào phân biệt thế thì chịu thiệt thòi thôi, không bao giờ chọn được người tốt.

Những người đi thuê ô sin là những người chưa bao giờ được đào tạo về nuôi ô sin. Những người làm ô sin cũng chưa bao giờ qua trường lớp đào tạo làm ô sin. Đó là hai sự “thiếu đào tạo” gặp nhau. Tôi đã gặp những người nuôi ô sin rất tốt cũng như biết có những người sẽ không bao giờ thuê được ô sin. Như vậy, trước hết, những người phát ngôn đó phải xem lại chính mình. Đừng nghĩ có học hành hoặc có tiền là đã đủ đạo đức, nhân cách trong ứng xử với con người. Câu “nước mắt chảy xuôi” của cha ông khuyên chúng ta nên rộng lượng với những người nghèo hơn, kém may mắn hơn mình.

- Vậy theo ông, những cách nhìn nhận, đối xử trên có phải là biểu hiện của sự phân biệt vùng miền?

- Như trên tôi đã nói phân biệt vùng miền ở phía người lao động là tính cục bộ, cái đó luôn luôn xuất hiện ở mọi xã hội. Còn ở phía nhà tuyển dụng, đó là những cách nhìn phiến diện, mang tính kì thị, một kiểu dư luận xã hội thiếu căn cứ khoa học.

- Vậy theo ông trong tầng lớp trí thức có sự phân biệt vùng miền hay không?

- Thời kỳ đầu sau khi giải phóng Thủ đô, một số cơ quan ở Hà Nội cũng tuyển dụng dựa vào sơ yếu lý lịch. Những trí thức ở vùng “tề” không theo cách mạng lên rừng kháng chiến thì ít được trọng dụng hơn những tri thức ở vùng tự do. Cái đó cũng dễ tạo cảm giác về phân biệt vùng miền. Nhưng cách làm này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Hiện nay, ở tầng lớp trí thức cơ bản là không còn tư duy này nhưng cũng có người phân biệt theo kiểu: giữa 2 cái bằng nhau thì sẽ chọn cái quen thuộc hơn. Cái đó ở môi trường nào cũng có và sẽ còn tồn tại trong tương lai bởi ngay trong trí thức cũng rất đa dạng, có người quan điểm cục bộ có người quan điểm không cục bộ. Những trí thức lớn người ta hiểu biết, công tâm hơn trong mọi chuyện, không bị cuộc sống vụ lợi hay tâm lý nông nổi nên ít có sự phân biệt vùng miền. Những trí thức không lớn vẫn mang nặng tính đó.

-Theo ông sự phân biệt vùng miền xuất hiện từ bao giờ? Thời phong kiến, mọi người cũng đã sử dụng cách gọi “sĩ phu Nam Định, ông đồ Nghệ, ông đồ Quảng”, đây có phải là cách gọi thể hiện sự phân biệt vùng miền không hay chỉ là để phân biệt giữa tỉnh này với tỉnh khác?

- Sự phân biệt này càng trở về quá khứ càng mạnh, thời thị tộc để tồn tại thì người ta đâm chém nhau. Sau này, khi con người gần nhau hơn, hòa đồng hơn, nhân văn hơn thì sự phân biệt càng bớt đi chứ không phải trước kia không có gì mà bây giờ nó mới nổi lên đâu.

- Được biết ông cũng là người sinh và lớn lên ở Nghệ An, vậy trong quá trình học tập, đi xin việc làm, công tác ông có gặp trở ngại gì không?

Tôi thì thường bị người ta “vu” cho cái “tội” là hiếu học, là chịu khổ giỏi, là cách mạng..., nhưng nhiều khi tôi thấy tôi cũng bình bình thôi. Bạn bè tôi có khắp cả nước và họ đối với tôi cực tốt. Bản thân tôi cũng không bao có cái tư duy phân biệt người tỉnh này đến người tỉnh khác và tôi đến với bạn bè, với tất cả mọi người bằng lòng tốt, bằng sự chân thành. Bởi lẽ, ngay từ năm 27 tuổi, tôi đã có câu cửa miệng là ở đâu cũng “người ba đấng của ba loài”. Nói chung, tôi chưa từng là nạn nhân của tư tưởng kì thị.

- Vậy theo ông, các nhà nghiên cứu xã hội có nên làm một cuộc điều tra xã hội học để chứng minh xem sự phát triển của các doanh nghiệp có phụ thuộc vào yếu tố vùng miền để chấm sự phân biệt vùng miền ở một số ông chủ hay không?

- Đây là công việc của các viện, các trường nghiên cứu về xã hội học, về nhân lực và là việc rất nên làm để tránh những sự kỳ thị đáng tiếc. Tiếc là, những đề tài như vậy chưa được khoa học quan tâm, hoặc chưa hữu ích. Khoa học nhân văn của chúng ta hiện nay hàn lâm không ra hàn lâm, ứng dụng chả ra ứng dụng, dở dơi dở chuột, chủ yếu là buôn dưa lê và “chạy” dự án, chạy đề tài kiếm tiền. Viện nào mà Viện trưởng kém khoản “chạy” là anh em khổ, là khó lãnh đạo...

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/chinhtri/Bi-tay-chay-vi-truyen-thong-doi-cong-bang/20123/200122.datviet