Bí quyết lựa chọn mua thực phẩm đông lạnh an toàn

Khi quá bận rộn, không thể đi chợ hàng ngày được thì thực phẩm đông lạnh là một giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, để mua được thực phẩm đông lạnh đảm bảo chất lượng, cần lưu ý những điểm sau.

Thực phẩm đông lạnh là các sản phẩm đã trải qua quá trình đông lạnh để bảo quản trong thời gian dài. Phương pháp này ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật và làm chậm hoạt động của enzyme gây hỏng thực phẩm.

Bằng cách duy trì nhiệt độ bằng hoặc dưới 0°F (- 18°C), độ an toàn và nguyên vẹn dinh dưỡng của thức ăn được bảo toàn cho đến khi chúng sẵn sàng được rã đông và tiêu thụ.

Bí quyết lựa chọn mua thực phẩm đông lạnh an toàn

Dưới đây là một số bí quyết lựa chọn mua thực phẩm đông lạnh an toàn:

Đừng bỏ qua ngày hết hạn

Khi mua thực phẩm đông lạnh từ cửa hàng, ngoài xem thành phần sản phẩm có chứa nhiều chất bổ sung hay không, có thành phần có thể gây dị ứng hay không thì hạn sử dụng của sản phẩm là điều mà bạn cần đặc biệt lưu ý.

Trên bao bì sản phẩm sẽ có ngày hết hạn và thời gian thực phẩm ngon nhất để ăn trước khi có sự suy giảm chất lượng và hương vị.

Nếu bạn tự trữ đông đồ, thời hạn sử dụng các thực phẩm bảo quản trong tủ đông nếu chúng được sơ chế, đóng gói và niêm phong đúng cách như sau:

Trái cây, rau củ và nguyên liệu làm bánh: 8 - 12 tháng

Thịt gia cầm: 6 - 9 tháng

Cá: 3 - 6 tháng

Thịt xay: 3 - 4 tháng

Thịt ướp muối: 1 - 2 tháng

Thực phẩm chế biến sẵn hoặc các sản phẩm đông lạnh sẵn: 1 - 2 tháng.

Ngoài ra, bạn cần lưu ý tới việc dán nhãn và phân loại thực phẩm cũ/mới để thuận tiện cho việc sử dụng. Phân loại thực phẩm để bảo quản các ngăn đông khác nhau cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Đọc kỹ bảng thành phần sản phẩm

Một danh sách thành phần dài thường báo hiệu sự có mặt của phụ gia và chất bảo quản không cần thiết. Nên ưu tiên lựa những sản phẩm có danh sách nguyên liệu ngắn gọn, đơn giản mà giống với những gì bạn thường sử dụng khi nấu tại nhà.

Mua vừa phải số lượng thực phẩm đông lạnh để trữ

Mua một lượng lớn thực phẩm đông lạnh để lưu trữ mà không có đủ không gian bảo quản thích hợp có thể dẫn tới việc đông lạnh không đúng cách, tăng nguy cơ cháy lạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới hương vị và cấu trúc của thức ăn.

Kiểm tra bao bì sản phẩm

Khi bao bì bị rách, có vết nứt vỡ thì sản phẩm đông lạnh đó có nguy cơ cháy lạnh (hiện tượng xảy ra khi thực phẩm bị khô), nguy cơ nhiễm khuẩn tiềm ẩn và không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục trữ đông hay tiêu thụ. Vì thế điều quan trọng khi mua các thực phẩm đóng gói sẵn là kiểm tra bao bì đóng gói xem có dấu hiệu rách, thủng hay tái niêm phong nào không.

Những thực phẩm không nên trữ đông

Ngoài việc mua sẵn các thực phẩm đông lạnh thì nhiều gia đình cũng tự mua các thực phẩm về sơ chế và trữ đông. Không phải thực phẩm nào bạn cũng nên bảo quản trong tủ đông. Các loại rau sống như rau diếp (Xà lách), dưa chuột bí xanh,... nhìn chung là các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao khiến tế bào trong chúng vỡ ra, bị hỏng và bạn có thể dễ dàng thấy chúng "sũng nước" khi rã đông. Hoặc phô mai mềm, trứng sống nguyên vỏ khi bảo quản trong tủ đông còn dễ bị "nổ, vỡ cấu trúc bên ngoài".

Dưới đây là một số thực phẩm không nên bảo quản trong tủ đông do dễ bị mất/giảm mùi vị, giảm dinh dưỡng, mất cấu trúc hoặc dễ bị hỏng:

Hầu hết sữa và các chế phẩm từ sữa

Khoai tây

Trứng sống nguyên vỏ

Thực phẩm chiên rán và vụn bánh

Phô mai/pho mát

Trái cây và rau xanh tươi sống, giàu nước

Thực phẩm đã rã đông một lần

Sốt và nước sốt làm từ hạt điều

Mì ống, nui

Cơm nguội

Tỏi, đinh hương, hạt tiêu có thể giảm hương vị và mất tác dụng khi đông lạnh

Mayonaise

Các loại đồ uống có ga

Cà phê.

Theo khoahocdoisong.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202402/bi-quyet-lua-chon-mua-thuc-pham-dong-lanh-an-toan-e6b7544/