Bí quyết giúp Hà Nội giữ vững vị trí 'quán quân' trong hút vốn ngoại

Bất chấp bức tranh u ám của nền kinh tế toàn cầu, Thủ đô Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kết quả này đạt được là nhờ Thành phố luôn chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Phấn đấu hút 30 - 40 tỷ USD giai đoạn 2021 – 2025

Các dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo... Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội chủ yếu thuộc châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 30 - 40 tỷ USD vốn FDI. Ảnh: Công nhân nhà máy Yabashi Vietnam CAD Technology tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 30 - 40 tỷ USD vốn FDI. Ảnh: Công nhân nhà máy Yabashi Vietnam CAD Technology tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội.

Đầu tư nước ngoài có đóng góp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP Hà Nội, là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu, cải tiến công nghệ, gia tăng năng suất và tạo ra nhiều việc làm. Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc cung cấp nguyên phụ liệu và hợp tác kinh doanh...

Không chỉ cho thấy vị thế “đất lành chim đậu”, Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng phát triển nền tảng số, cải cách thể chế, cắt giảm, liên thông các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Ông Kwank Jinuk, Tổng giám đốc Công ty TNHH MBC Playbe Việt Nam chia sẻ: nhà đầu tư đánh giá cao những nỗ lực về cải thiện môi trường kinh doanh của TP.Hà Nội trong thu hút FDI, "từ những cơ sở ở Hà Nội, chúng tôi có tiền đề để triển khai các dự án đầu tư mới ở các tỉnh khác, tận dụng lợi thế về giao thông vị trí nhận được của Hà Nội", ông nói.

Theo ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam, tập đoàn quyết định triển khai đầu tư 16 dự án tại Việt Nam từ nay đến năm 2025. Trong số đó, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư 3 - 4 dự án nữa tại Hà Nội. Aeon Mall tin tưởng vào chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam, cũng như TP Hà Nội.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 30 - 40 tỷ USD vốn FDI; vốn giải ngân đạt từ 20 - 30 tỷ USD. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, TP Hà Nội có chủ trương xuyên suốt là đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp. UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, dự án phù hợp với mức độ phát triển của Thành phố; phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

Tháo gỡ những kịp thời vướng mắc

Thành phố cũng chú trọng nâng cao trình độ cán bộ xúc tiến đầu tư, tăng cường khả năng xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; tận dụng tối đa các hiệp định thương mại của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan.

“Việc gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, chú trọng các dự án đầu tư có nguồn vốn lớn cũng sẽ luôn được chú trọng, quan tâm để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư tại Thành phố”, ông Tú cho biết.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cũng nhìn nhận chất lượng, hiệu quả và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều hạn chế. Đầu tư nước ngoài vẫn tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động thấp và hưởng ưu đãi, như gia công (dệt may, da giày, chế biến gỗ), lắp ráp (điện tử, ô tô, xe máy...) và một số ngành chế biến thực phẩm. Những ngành này thường sử dụng nhiều lao động, suất đầu tư trên 1ha đất sử dụng chưa cao; dự án chủ yếu có quy mô nhỏ.

Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và ưu đãi được hưởng; tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đầu tư đăng ký chưa cao; liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ cũng hạn chế.

Mặt khác, dù có những thuận lợi nhưng việc thu hút FDI của Hà Nội còn một số vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ. Về quy hoạch, Thành phố có sự thay đổi về địa giới hành chính vào năm 2008 và hiện nay cũng đang triển khai quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dẫn tới một số dự án đã được cấp phép chậm triển khai thực hiện do phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Từ đó, công tác xây dựng các danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn…

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trên, TP Hà Nội đã và đang thực hiện một số giải pháp cụ thể, như đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch cũng như rà soát quy hoạch chung xây dựng của Thành phố để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023; Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để hoàn thiện Luật Thủ đô để giúp Thủ đô tăng tốc trong vấn đề phát triển cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế của mình; Tạo mặt bằng sạch để thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp…

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/bi-quyet-giup-ha-noi-giu-vung-vi-tri-quan-quan-trong-hut-von-ngoai-1092965.html