Bí mật về trùm giang hồ khét tiếng Sài Gòn - Đại Cathay

Từ một đứa trẻ bụi đời, Đại Cathay nhanh chóng thâu tóm thế lực và trở thành một ông trùm trong thế giới ngầm.

Từ trẻ bụi đời thành trùm du đãng

Dân Sài Gòn vào thập niên 1960 và đầu đầu niên 1970 đã quá quen với hình ảnh của Đại Cathay được mô tả trên báo, được tiểu thuyết hóa và dựng thành phim. Đó là một thanh niên điển trai với mái tóc bồng bềnh, quần Jean, giày cao cổ, trên môi không rời điếu thuốc, tay luôn “múa” hộp quẹt Zippo. Thế nhưng, ngay cả đám du đãng đàn em thân cận cũng không ai biết Đại Cathay xuất thân thế nào, tên tuổi thật là gì.

Theo hồ sơ của Cảnh sát Sài Gòn, Đại Cathay tên thật là Lê Văn Đại, sinh năm 1940, con của ông Lê Văn Cự và bà Sáu (không rõ họ). Cha của Đại cũng từng là một tay giang hồ hảo hớn ở khu vực chợ Cầu Muối vào thời Nhật Bản chiếm đóng Sài Gòn. Sau năm 1945, Hai Cự tham gia kháng chiến, bỏ Sài Gòn đi vào chiến khu rừng Sác và đầu quân vào bộ đội Bình Xuyên của thủ lĩnh Dương Văn Dương. Vì vậy mà ngay từ nhỏ Đại ít được gần cha, chủ yếu sống với mẹ ở đường Đỗ Thành Nhân, phường Khánh Hội (nay là đường Đoàn Văn Bơ, quận 4). Quận 4 là vùng đô thị ven Sài Gòn mới ra đời, là nơi tập hợp của người dân tứ xứ bỏ quê vào thành thị. Vì vậy mà nơi đây rất phức tạp ngay từ khi nó mới ra đời, để rồi giới giang hồ Sài Gòn dựa dẫm vào quận 4 để hoạt động, biến nới đây thành “thánh địa” của xã hội đen Sài Gòn trước ngày giải phóng.

Sống trong môi trường đó, Đại bỏ học từ nhỏ, thường chơi với đám trẻ con bụi đời chung quanh. Như thừa hưởng “gen” của người cha từng là dân “anh chị”, Đại sớm thể hiện là đứa trẻ có tính tình phóng khoáng, nhưng lại rất lì đòn, nhanh chóng được đám trẻ đồng cảnh nể phục, tôn là “Đại ca”. Chưa tới 10 tuổi đầu, Đại đã có thể luồn lách vào các chợ, sạp hàng ở chợ Vân Đồn, chợ Tôn Thất Thuyết để ăn trộm dưa, chuối về chia cho những đứa trẻ đồng cảnh ngộ.

Trong một trận đánh giữa bộ đội Bình Xuyên và quân Pháp ở chiến khu Rừng Sác, ông Lê Văn Cư cha của Đại bị bắt và đày ra Côn Đảo, ít lâu sau thì chết. Mẹ của Đại lấy chồng khác, người cha dượng rất máu mê cờ bạc, nghiện thuốc phiện nặng, nên gia cảnh nhà của họ ngày càng suy sụp. Người cha dượng thường hành hạ vợ và đứa con ghẻ, một lần Đại không kềm chế được đã đánh lại ông ta rồi bỏ nhà đi bụi đời, sống lang thang ở khu vực vườn hoa Cầu Mống bằng nghề đánh giày, bán báo để tự nuôi thân.

Tại khu vực làm ăn của Đại (ngã tư Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) - Nguyễn Công Trứ) có một rạp chiếu bóng tên là Cathay. Không riêng gì Đại, mà nơi đây còn tập trung khá nhiều trẻ bụi đời có cùng hoàn cảnh như Đại. Không gia đình, không được giáo dục, bọn trẻ bụi đời liên tục đánh lộn giành khách, đứa nào gan lỳ, có sức khỏe thì đứa đó chiến thắng và được nhiều khách hàng hơn, cuộc sống vì vậy mà cũng đỡ vất vả hơn.

Dù mới đến khu vực này, nhưng với bản tính lỳ lợm và liều lĩnh, Đại cứ lao vào đối thủ, buộc đối phương phải đánh “cận chiến”, nhờ vậy mà Đại phát huy được những cú đấm của mình, còn đối thủ dù cao lớn hơn nhưng trở nên bị động, lúng túng. Kết quả là trăm lần như một, Đại luôn là kẻ chiến thắng trong các cuộc “tỉ thí”, dù sau mỗi cuộc “so găng” là tay chân mặt mũi cậu bé đầy vết rách bầm, sưng húp.

Không phải mất nhiều thời gian, Đại nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh của đám nhóc tì du thủ du thực trong khu vực. Cũng nghiễm nhiên, tên du đãng nhóc này được ráp thêm vào tên mình cái đuôi rạp hát Cathay. Cái tên Đại Cathay ra đời từ đó, vào năm 1954, lúc Đại mới 14 tuổi, cái tên trong suốt gần 20 năm làm cho giới du đãng Sài Gòn và cả những người dân lương thiện mỗi lần nghe tới phải sợ hết hồn.

Liều lĩnh và nghĩa hiệp

Từ ngày trở thành tay anh chị trong thế giới trẻ bụi đời với cái tên Đại Cathay, Đại vẫn đóng thùng đánh giày, nhưng là để giao cho đàn em đi làm mang tiền về nộp. Hàng chục trẻ bụi đời dưới trướng của Đại như Ba Binh, Ba Tướng, Ba Gà..., tụ tập quanh Đại Cathay, mỗi sáng nhận thùng đánh giày, nhận báo, sau đó túa đi làm nhiều nơi, chiều đem tiền về nộp cho “đại ca” Đại.

Mới chút tuổi đầu mà Đại đã biết cách thu phục “nhân tâm” bằng cách rất hào phóng, không bao giờ giữ tiền làm của riêng cho mình, mà chia hết tiền cho đàn em, bản thân Đại cũng chỉ nhận một phần tương đương với mọi người. Nhiều đứa trẻ bụi đời trong nhóm chẳng may bị ế báo hoặc bị mưa ướt hết báo, Đại Cathay chẳng những không bắt đền tiền, cũng không chửi bới, đánh đập như những tay anh chị khác, mà còn lấy tiền lời chung để bù đắp, chia phần cho những đứa trẻ không may. Nhờ vậy mà đàn em càng nể phục và nghe lời Đại, tiếng “lành” nhanh chóng vang xa, trẻ bụi đời các nơi rủ nhau về tề tựu dưới trướng của Đại. Với tình hình đó, nạn đánh lộn, tranh giành khách trong khu vực của Đại Cathay cũng tự nhiên mà giảm hẳn.

Khu vực “làm ăn” của nhóm trẻ bụi đời do Đại Cathay đứng đầu lúc đó nằm gần bót cảnh sát quận Nhì, còn có tên là bót Dân Sinh. Sự nổi tiếng của nhóm trẻ bụi đời sát bên đã làm cho các cảnh sát trong bót quan tâm, nhiều lần Đại Cathay sau khi “chinh phạt” các nhóm trẻ khác đã bị các ông cò bót quận Nhì tóm cổ đem về bót. Không dễ trị như những đứa trẻ lang thang khác, Đại Cathay vẫn trơ trơ những lời hăm dọa, tát tai, đá đít, một mình nhận tội chứ nhất định không chịu khai tên tuổi những đàn em tham gia ẩu đả.

Một lần, các cảnh sát quận Nhì nghĩ ra đòn độc để trị Đại Cathay, qua đó dằn mặt cả bọn trẻ bụi đời. Họ bắt Đại quỳ xuống đất, hai cảnh sát hai bên xốc Đại đứng nhón chân lên, xong họ cạy miệng cậu bé, bắt thả vào miệng con gián sống, để cho nó chui tọt vào cổ họng, rồi chui thẳng xuống dạ dày. Ngứa ngáy, kinh tởm, Đại Cathay ói ra mật xanh. Đám trẻ bụi đời đứng xung quanh sợ mất hồn, có đứa đái ra cả quần. Nhưng Đại Cathay sau một hồi nôn thốc nôn tháo, trấn tĩnh trở lại, tiếp tục câm như hến, chỉ nhận một mình mình gây hấn, không có đứa trẻ nào khác tham gia. Trước đứa trẻ cứng đầu, bất trị, các “ông cò” chỉ còn cách tống Đại Cathay vào Trại giáo hóa thiếu nhi phạm pháp ở Thủ Đức.

Thời gian Đại đi “giáo hóa”, ở khu vực rạp hát Cathay các băng nhóm bụi đời khác nổi lên, hoành hành những đàn em của Đại. Sau khi ra trại, Đại quay trở về chốn cũ và “tái lập” lại trật tự cũ bằng những trận thư hùng mỗi ngày một khốc liệt hơn theo đà lớn lên của Đại.

Đại Cathay thời trẻ

Năm 1955, khu vực rạp hát Cathay được xây dựng chỉnh trang lại, không còn chỗ dung thân cho trẻ bụi đời, Đại Cathay chuyển sang “hoạt động” ở khu vực Hãng phân bón Khánh Hội ở quận 4, cạnh Nhà máy thuốc lá Bastos, cách không xa nhà của mẹ Đại, nhưng cậu bé kiên quyết không ghé nhà. Đám trẻ bụi đời ở đây từng nghe tiếng Đại Cathay, nhưng không dễ nhượng lãnh địa làm ăn một cách dễ dàng, vậy là xảy ra những trận hỗn chiến. Một lần nữa, sự liều lĩnh và lì đòn của Đại lại giành phần thắng, toàn bộ trẻ bụi đời ở khu vực Khánh Hội, quanh cầu Ông Lãnh, là khu vực nổi tiếng về giang hồ, dao búa, đã kéo nhau về qui phục về dưới trướng của một “đại ca” từ nơi khác mới đến.

Lúc ấy, khu vực Cầu Mống - Dân Sinh - Cầu Ông Lãnh được dân giang hồ gọi là khu Da Heo, do một tay giang hồ “người lớn” nổi tiếng tên là Tám Lâu cai quản. Sáng sáng, Tám Lâu ở trần, mặc quần dài, ngồi trên chiếc xích lô đạp rảo khắp khu vực đi kiểm tra lãnh địa, mặt luôn đằng đằng sát khí, bà con buôn bán ở khu Da Heo sợ hắn như một hung thần. Tất cả người buôn bán đều phải “đóng xâu” cho Tám Lâu để được yên ổn làm ăn. Nhiều lần chứng kiến thằng nhóc đánh giày từ đâu mới đến trổ tài đánh đấm, thu phục đám trẻ bụi đời, Tám Lâu thấy có cảm tình Đại. Thỉnh thoảng Tám Lâu kêu Đại đi nhậu với mình và kết nghĩa anh em. Tuy hung tợn, dữ dằn nhưng Tám Lâu vẫn phải thúc thủ trước một tay giang hồ uy thế hơn, tên là Bé Bún, người lúc đó được xem là trùm du đảng quận 4, khu vực cạnh hãng phân nơi Đại Cathay trú ngụ. Bé Bún cậy đông quân, thường kéo qua Cầu Ông Lãnh "thu thuế" bà con thiểu thương chợ vựa Cầu Muối, Tám Lâu phải làm ngơ cho băng của Bé Bún cướp bóc ngay trên lãnh địa của mình.

Một ngày cuối năm 1957, tình cờ nghe đàn anh là Tám Lâu thở ngắn than dài chuyện băng đảng của Bé Bún càng ngày càng lộng hành. Thằng em Đại Cathay đăm chiêu nghĩ ngợi, nốc cạn ly rượu đế và đề xuất với đàn anh: “Anh Tám để đó em lo. Phải cho tay Bé Bún nằm viện thì đám này mới ngán! Lúc đó anh em mình mới có đất làm ăn”. “Mày là con nít biết gì chuyện người lớn. Tụi nó mạnh lắm, tao còn thua nó, cỡ mày nó bóp mũi quăng xuống bến Khánh Hội”, Tám Lâu cắt ngang. Đại Cathay chẳng nói chẳng rằng, uống hết ly rượu rồi lặng lẽ bỏ về.

Đại đem chuyện ra bàn với này đám chiến hữu là Ba Binh, Ba Tướng, xong tương kế tựu kế vác dao qua Bến Vân Đồn khiêu khích bằng cách cho vài tay em của Bé Bún sứt mặt mũi. Bị xúc phạm, Bé Bún huy động toàn bộ lực lượng tấn công sang khu Da Heo để hỏi tội Tám Lâu, làm Tám Lâu và đám đàn em hoảng sợ bỏ chạy. Thế nhưng, Tám Lâu chưa kịp chạy thoát thì bất ngờ nghe Bé Bún và các tên du đãng thân cận khóc lóc, ôm đầu máu chạy ngược trở lại. Thì ra Đại Cathay đã âm thầm cùng các đàn em của mình giăng bẫy, đợi cho băng Bé Bún hung hăng lọt vào thế trận là đánh tới tấp làm cho băng du đãng “người lớn” bị bất ngờ, không kịp trở tay, đành thúc thủ trước bọn du đãng nhóc tì.

Dưới sự chỉ huy của Đại Cathay, đám giang hồ tuổi 16 - 17 tả xung hữu đột, lăn xả vào chém quân Bé Bún, xong xộc thẳng sang cả bên kia cầu, tràn vào cả “thánh địa” của Bé Bún ở quận 4. Riêng Đại Cathay đã kiên trì đeo theo Bé Bún và “tặng” cho tay giang hồ lừng danh quận 4 này mấy nhát dao, làm cho y phải nằm viện cả tuần. Sau khi ra viện, Bé Bún và đám đồ đệ không dám bén mảng sang giành mối ở khu Da Heo nữa. Từ đó “đàn anh” Tám Lâu đâm ớn tài nghệ và sự lì lợm của “đàn em” Đại Cathay. Để rồi chỉ cần thêm một vài “phi vụ” nữa, Tám Lâu phải tự giác tuyên bố trong khu Da Heo, Đại Cathay có toàn quyền xử sự, rồi nhường hẳn ngôi vị trùm du đảng khu Da Heo cho Đại Cathay, còn mình thì lui về làm “thái thượng hoàng”.

Vậy là, chưa đầy 20 tuổi, Đại Cathay đã trở thành trùm du đãng của khu vực Da Heo, một trong những địa bàn phức tạp nhất Sài Gòn khi ấy. Đại bắt đầu tổ chức thu thuế các sòng bài, ổ đề, tiệm hút.. Xong Đại bảo kê tất cả các doanh nghiệp kinh doanh lậu các ngành hàng như xưởng nấu xà phòng, lò mổ heo, lò rượu...trong khu vực. Đại Cathay bắt đầu ăn chơi và làm mưa làm gió, vươn dần ảnh hưởng ra khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, tập tành tiếp xúc với cuộc sống của giới vương giả, quan chức ở Sài Gòn.

Thâu tóm các băng nhóm du đãng

Đầu những năm 1960, phong trào Hippie bắt đầu thâm nhập vào miền Nam và khuấy động “Hòn ngọc viễn đông”. Phong trào Hippie và chủ nghĩa hiện sinh khuyến khích thanh niên Sài Gòn sống nhanh, sống vội, lao vào ăn chơi. Các nhà hàng, vũ trường, tiệm hút với đủ kiểu quần áo tóc tai dị hợm đã mọc lên như nấm, lối kéo thanh niên Sài Gòn mỗi khi chiều về. Đại Cathay tuy thất học, nhưng cũng “học làm sang”, tập tành lui tới thế giới ăn chơi vốn chỉ dành cho giới thượng lưu. Trong những lần lui tới chốn ăn chơi thượng lưu ở các nơi đốt tiền nổi tiếng của quận 1, quận 3, Đại Cathay và đám đàn em bắt đầu quen biết với một số trí thức, văn nghệ sĩ, con nhà gia thế, trong đó có anh em Dzách Bửu, Dzí Bửu, Hùng Đầu bò, Hoàng Sayonara (tay này chơi bản bản Sayonara rất điêu luyện)...

Chính Hoàng Sayonara sau đó đã trở thành quân sư hoạch định chiến lược làm ăn cho Đại Cathay, từ đó mà Đại đã đứng ra cùng với Bảy Si (anh vợ Năm Cam), bà Bảy Trà mở sòng bài lấy xâu ở khu vực chợ Cầu Muối. Vốn là dân thất học, chỉ quen đâm chém, đánh đấm, ban đầu Đại Cathay không hình dung nổi chuyện quản lý sòng bài, với lại lúc đó đã có các sòng Đại Thế Giới, Kim Chung...

Thấy họ điều hành sòng bạc quy mô, hiện đại, Đại không nghĩ mình có thể làm được, không cạnh tranh nổi, nhưng Hoàng Sayonara đã “tham mưu”: “Các sòng lớn như Kim Chung, Đại Thế Giới toàn dân quí tộc, chức sắc,... Còn dân giang hồ, người buôn bán ngại vô đây. Ta mở sòng vừa vừa sẽ kéo khách bình dân, từ từ sẽ kéo luôn khách giàu có”. Đại Cathay đồng ý.

Ở chợ Cầu Muối trước đó Bảy Si đã có sòng bài sẵn, nhưng khi nghe Đại Cathay đề nghị hùn hạp, Bảy Si cũng không thể chối từ. Thừa thắng, Đại mở rộng ra cả lĩnh vực làm huyện đề 40 con chung với băng của một trùm khu Cây Da Xà tên là Hỏi. Lúc này Đại đã mua được chiếc Traction - 15, chiều chiều cho đàn em lái đi khắp các ngả đường vứt lên từng xấp "phơi" đề cùng với hàng cọc tiền chở về. Cả quyền lực và tiền bạc đều đến với Đại Cathay dồn dập trong những năm đầu thập niên 1960.

Cảnh sinh hoạt đường Đồng Khánh, Chợ Lớn

Đến năm 1963, Đại Cathay đã trở thành một ông trùm khét tiếng cả Sài Gòn - Chợ Lớn. Hầu hết các nhà hàng khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, sàn nhảy ở khu vực quận 1, quận 2, quận 3 đều chịu sự bảo kê của Đại. Ở Sài Gòn, các vũ trường nổi tiếng như Olympic, Queen Bee, Barcara, Paramouth đều có phần hùn của Đại dù trên thực tế hẳn chẳng cần bỏ ra một đồng nào. Đại Cathay và đàn em muốn vào ăn chơi nhảy múa ở đâu cũng được, xong chẳng thèm trả tiền, thậm chí nhiều nhà hàng, quán bar còn lấy làm vinh hạnh vì được “đàn anh” chiếu cố tới ăn uống, coi như cách để bảo đảm không có băng nhóm nào khác dám héo lánh tới quấy phá.

Dù vậy, nguồn lợi lớn hơn cả của Đại Cathay không phải là tiền bảo kê, mà chính giới doanh nghiệp làm ăn lớn mới là những “nhà tài trợ” tình nguyện để Đại nuôi quân. Bù lại họ nhờ Đại Cathay làm hậu thuẫn khi cần gây sức ép hay giành giật trên thương trường với kẻ khác, hoặc cần thiết phải đòi một món nợ khó đòi nào đó. Những “khách hàng” của Đại Cathay lúc đó có cả anh em tỉ phú Hoàng Kim Qui (Vua kẽm gai), Xí Ngàn mặt rỗ (vua thuốc Bắc), La Thành Nghệ (vua thuốc đỏ) và hơn chục ông vua các ngành nghề khác của người Hoa là những người đều đặn chu cấp cho Đại. Cũng nhờ uy thế của các trùm doanh nghiệp, Đại Cathay dần dà tiếp cận được với các nhân vật quyền thế và tên tuổi khác trong bộ máy chính quyền Sài Gòn.

Sau khi thống lĩnh khu Da Heo, Đại Cathay đã trở thành một thế lực lớn trong giới du đảng Sài Gòn, được toàn giới giang hồ kiêng dè, sợ hãi. Tuy nhiên, lúc ấy ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã có 3 tên tuổi lớn khác trong giới giang hồ, đó đó là Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế. Thấy Đại Cathay nhỏ mà chơi hỗn, nhiều lần xâm phạm lãnh địa của các đàn anh, Huỳnh Tỳ và Ngô Văn Cái quyết định phối hợp để dằn mặt “thằng nhỏ chưa sạch nước mũi” đã dám “vuốt râu hùm”.

Hai tên giang hồ cộm cán này họp nhau tại vũ trường Aristo (sau này là khách sạn Lê Lai, cạnh khách sạn New World). Được sự hậu thuẫn của một tay giang hồ gộc là Thế Aristo - chủ vũ trường - Huỳnh Tỳ và Ngô Văn Cái mời Đại đến vũ trường Aristo để "bàn công việc". Cũng với tính lỳ lợm, coi trời bằng vung, Đại một mình đến hang hùm. Vừa bước vào vũ trường Aristo, Đại Cathay đã bất ngờ bị Thế Aristo đá lộn cổ trở xuống, xong 4 đàn em của Thế nhất tề rút dao xông vào chém. Đại Cathay vừa đỡ đòn vừa tìm đường thoát thân, chạy được ra ngoài, mình mẩy đầy thương tích nhưng may không chết.

Hơn 1 tháng sau, khi những vết thương chưa kịp kéo da non, Đại Cathay đã âm thầm đơn thương độc mã giắt dao vào lưng đi tìm từng tên một trị tội. Cả 3 tên trùm giang hồ Sài Gòn là Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế đều lần lượt bị Đại Cathay chém trọng thương. Một điều kinh khủng là sau khi chém Huỳnh Tỳ (cố ý chém trọng thương chứ không để chết), Đại “nhắn” với Ngô Văn Cái là tuần sau sẽ tới lượt hắn vì cái tội chơi bẩn đánh lén không đáng mặt anh hùng.

Đúng một tuần sau Ngô Văn Cái phải ôm đầu máu đi bệnh viện vì những nhát chém rất nghề của Đại Cathay cùng với lời nhắn cho Ba Thế... Sau khi cả 3 “đại ca” trong giới giang hồ đều bị Đại Cathay “trả nợ” bằng những nhát dao vừa đủ để thẹo cả đời, những “người lớn” đã biết khiếp sợ, gửi lời xin lỗi Đại Cathay. Cuối cùng, nhờ Tám Lâu, Cảnh Tượng, Ba Hội và một số tay đàn anh khác xin lỗi giúp và dàn xếp, Đại Cathay mới đồng ý "hòa giải".

Từ đó danh xưng "Tứ đại thiên vương ĐẠI - TỲ - CÁI - THẾ” trong giới du đãng Sài Gòn đã xuất hiện, chính thức xác nhận Đại Cathay đứng đầu trong giới du đãng Sài Gòn. Xã hội miền Nam khi ấy với bộ máy quan chức được mua bán bằng tiền đã tỏ ra bất lực không trị nổi Đại Cathay và đám du đãng, để mặc kệ cho chúng làm mưa làm gió. Đại Cathay đứng ra bảo kê cho nhà hàng, vũ trường, sòng bạc, đến lượt các quan chức bảo kê lại cho Đại Cathay.

Thuở ấy Cò Ly, quận trưởng quận 1 đã công khai bảo kê cho Đại Cathay. Hàng tháng, Đại đều có những khoản riêng béo bở tuồn vào cửa sau cho vợ ông Cò. Mỗi chiều thứ bảy, cò Ly và Đại Cathay lại sánh vai nhau bước vào các vũ trường nhà hang sang trọng ăn chơi, đập phá thâu đêm. Có tiền, có quyền, có thế, Đại Cathay quyết định bành trướng xuống Chợ Lớn, lãnh địa của Tín Mã Nàm, ông trùm giới Hắc Đạo người Hoa, xưa nay vẫn được coi là bất khả xâm phạm.

So với băng du đãng của Đại Cathay, giới Hắc Đạo của Tín Mã Nàm có tổ chức chặt chẽ và hùng hậu hơn nhiều. Tuy nhiên, vì quá khiếp sợ trước uy danh của Đại Cathay, nhất là khi nhận lời mời của giới Hắc Đạo, Đại một mình tay không lên nhà hàng Đồng Khánh hội kiến với Tín Mã Nàm, cử chỉ ngang tàng này khiến Tín Mã Nàm thầm phục. Hắn nhượng bộ, đồng ý giao toàn bộ khu vực từ chợ Nancy về Sài Gòn cho Đại Cathay toàn quyền. Phần quận 5, Chợ Lớn, đàn em của Đại được phép hoạt động với điều kiện không lấn vào những khu vực đã có sẵn người của Hắc Đạo.

Kể từ đó, gần như thế giới giang hồ cả Sài Gòn - Chợ Lớn đã về thuần phục với trướng của Đại Cathay. Thằng nhỏ bụi đời thất học ngày nào giờ có thể làm thay đổi cả xã hội Sài Gòn nếu nó muốn.

Hoàng Dũng (Phunutoday)

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/bi-mat-ve-trum-giang-ho-khet-tieng-sai-gon-dai-cathay-c1047n20120325231303812p0.htm