Bí mật về ngọn núi phun ra bụi vàng và vụ tai nạn gây chấn động một thời

NAM CỰC - Ngọn núi lửa đang hoạt động ở Nam Cực phun ra bụi vàng mỗi ngày, cũng chính là địa điểm từng xảy ra tai nạn máy bay gây chấn động New Zealand.

Erebus là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động ở Nam Cực. Ảnh: Metro

Erebus là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động ở Nam Cực, có độ cao 3.794m so với mực nước biển. Điều kỳ lạ nhất là những luồng khí của nó chứa những tinh thể vàng siêu nhỏ, có kích thước dưới 20 micromet. Trong một ngày, người ta ước tính núi lửa phun ra khoảng 80 gram vàng kết tinh.

Bụi vàng mà núi Erebus phun bay rất xa. Các nhà nghiên cứu Nam Cực đã phát hiện ra dấu vết của vàng trong không khí xung quanh khu vực núi lửa, cách ngọn núi khoảng 1.000km. Vì những bụi vàng rất nhỏ mà lại bay trên một phạm vi rộng như vậy nên khó thu gom.

Không chỉ nổi tiếng nhờ phun ra bụi vàng, ngọn núi lửa này còn được biết đến vì liên quan đến thảm kịch hàng không chấn động New Zealand hay còn gọi là thảm họa núi Erebus.

Vào ngày 28/11/1979, chuyến bay TE 901 của hãng hàng không Air New Zealand gặp tai nạn, lao thẳng vào sườn núi lửa Erebus, khiến 257 người trên máy bay thiệt mạng, theo IFLS.

Chuyến bay nằm trong chương trình của Air New Zealand đưa hành khách đi ngắm cảnh Nam Cực. Chuyến bay kéo dài 11 giờ, không dừng nghỉ, từ Auckland đến Nam Cực và sau đó quay trở lại New Zealand.

Chuyến du lịch sang chảnh đến Nam Cực thu hút nhiều khách hàng, mang về cho hãng hàng không nguồn thu đáng kể.

Vào ngày định mệnh đó, trời nhiều mây nhưng chuyến bay vẫn khởi hành. Khi cố gắng hạ độ cao để du khách có thể ngắm nhìn cảnh phía dưới rõ hơn, máy bay đã gặp tai nạn và lao vào sườn núi.

Tại hiện trường xác máy bay, đội cứu hộ phát hiện một số máy ảnh của hành khách vẫn còn nguyên cuộn phim. Một số bức ảnh cho thấy hành khách chụp được vài giây trước khi xảy ra tai nạn.

Bi kịch của chuyến bay mang số hiệu TE901 là một cú sốc đối với New Zealand. Dân số New Zealand thời điểm đó chỉ khoảng 3 triệu người. Vì vậy, hầu như mọi người đều liên quan tới vụ tai nạn bằng cách này hay cách khác. Một số người có người thân hoặc quen biết với các nạn nhân, lực lượng cứu hộ trong vụ việc.

Sau nhiều vụ kiện tụng và vô số tranh cãi, Air New Zealand đã ngừng chuyến bay ngắm cảnh Nam Cực.

Năm 2019, phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra thảm kịch, Thủ tướng New Zealand khi đó là bà Jacinda Ardern cho biết đã có lỗi xảy ra với hệ thống định vị trên máy bay và các phi công hoàn toàn không có lỗi trong vụ tai nạn.

Hoàng Dung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bi-mat-ve-ngon-nui-phun-ra-bui-vang-va-vu-tai-nan-gay-chan-dong-mot-thoi-2271873.html