Bí mật về loài cá 1 con 70kg = 1kg vàng

(VTC News) - Ngư dân ven biển thường ví von loài cá sủ vàng như những cục vàng biết bơi. Một con cá sủ vàng tính ra bằng cả kg vàng ròng, nên việc ví như cục vàng biết bơi cũng không có gì ngoa ngoắt.

Theo ông “vua sủ vàng” Nguyễn Văn Hiền, loài cá này chỉ có ở các cửa sông ven biển Vịnh Bắc Bộ. Càng đi sâu vào phía miền Trung lại càng ít và cá cũng nhỏ hơn. Đây là loài cá sống trong môi trường nước lợ nhưng chúng lại thường chỉ có ở những chỗ nước lợ có phù sa đậm đặc và ở những khu vực nước chảy mạnh, xoáy, chỗ nước sâu, trong các hang hốc. Vì địa bàn sống đặc biệt như thế, nên bình thường rất khó săn được chúng. Đến mùa lũ, hoặc những ngày có mưa lớn ở thượng nguồn, nước chảy mạnh, phù sa đỏ lòm, loài sủ vàng mới tung tăng ra biển đùa giỡn với nước. Chúng bơi theo đàn chạy tít tận ra ngoài biển, gặp nước mặn, lại vội vàng bơi vào. Đây chính là cơ hội dân chài đổ xô ra cửa sông để săn loài cá này. Ngoài ra, tháng 3 và tháng 4 âm lịch là mùa sinh sản của chúng, chúng cũng vào bờ đẻ, và đây cũng là cơ hội để tóm chúng. Tôi hỏi ông Hiền: “Tại sao nhiều nơi gọi loài cá này là cá ma?”. Ông Hiền giải thích: “Lý do người ta gọi là cá ma vì nó thoắt ẩn thoắt hiện như ma ấy. Kể cũng lạ, nó không sống ở nước ngọt, nên không vào sâu trong sông, mà cũng không ra biển vì nước mặn. Thực tế, ông đã nhiều lần gặp sủ vàng chết ngoài biển vì bơi quá đà ra vùng nước mặn, không vào kịp nên chết. Nghĩa là, nó chỉ sống ở vùng cửa sông, địa bàn sống rất hẹp, thế nhưng, bình thường không bao giờ gặp nó, vậy mà, mùa lũ, mùa sinh sản, cứ như nó đội mồ, ở đâu ra nhiều thế, đi thành từng đàn, có đàn hàng trăm con. Hết mùa lũ, nó lại biến mất một cách bí ẩn. Đó là một lý do dân chài lưới gọi nó là cá ma”. Theo ông Hiền, còn một nguyên nhân nữa là tiếng kêu trong mùa sinh sản của nó giống hệt tiếng chim lợn, cứ “éc éc”. Theo truyền thuyết, khi có chim lợn bay lượn ở vùng nào, kêu “éc éc” liên hồi thì thường khu vực đó sẽ có người chết. Người dân vùng cửa sông mỗi khi nghe thấy tiếng kêu “éc éc” trong đêm vẳng lại từ ngoài sông của cá sủ vàng, thì cũng tin rằng, quanh vùng sắp có người chết. Những mùa khác, tiếng kêu của nó cũng khác, có lúc như bò rống, có lúc lại “ọc ọc”, đôi khi lại như tiếng trẻ con khóc, nằm dưới thuyền giữa đêm khuya nghe rợn cả người. Ngư dân ven biển tin rằng đây là loài cá đã… thành tinh. Cái bướu trên đầu (ngư dân gọi là sạn, tức là nó khôn đến mức có sạn ở đầu) thể hiện sự thông minh của nó. Mùa đẻ, dù đau đẻ rồi, nó vẫn không vào ngay bờ đẻ trứng. Nó thường đi theo đàn cá chép, chờ bọn cá chép vào bờ quẫy ủng oảng chán chê, thấy an toàn, nó mới tiếp cận bãi đẻ. Chính vì thế, săn loài cá này không phải chuyện đơn giản. Cách săn loài cá này của ông Hiền y như xua quân đánh trận. Đêm xuống, ông thường chèo thuyền nhẹ nhàng ngoài cửa Ba Lạt để nghe ngóng. Qua ánh trăng, hoặc ánh đèn măng-sông, thấy những ánh vàng lấp lánh nổi trên mặt nước, là y rằng gặp đàn sủ vàng đi kiếm ăn. Lúc đó, dân chài căng lưới hình vòng cung trước mặt, rồi hàng chục người với xô chậu, xoong nồi từ nhiều phía gõ loạn xạ. Giống cá này sợ tiếng động, nên chạy tán loạn, chui hết vào lưới. Dồn chúng vào một góc, rồi cứ thế quăng chài kéo lên, hoặc chúng tự chui vào túi lưới cho dân chài tóm. Đấy là cách đánh bắt sáng tạo nhất để tóm sống cả đàn sủ vàng. Mỗi trận đánh, có thể bắt được vài tấn sủ vàng. Còn những kiểu đánh bắt du kích nhỏ lẻ như quăng chài, lưới vây, lưới vét, đặt bẫy thì chỉ thi thoảng được con. Theo ông Hiền, có 3 loại cá sủ, là sủ vàng, sủ đất, sủ đường. Sủ đường mình tròn như cá măng, sủ đất giống hệt sủ vàng, nhưng mình đen, còn sủ vàng thì có những cái vây lên màu vàng chóe, óng ánh như ánh vàng bốn số chín. Đặt con cá này dưới trời nắng, lớp vẩy nó vàng rực trông rất đẹp mắt. Trong 3 loài cá sủ, chỉ riêng bong bóng của sủ vàng là có hai cái râu, cuộn tròn như cái tổ đỉa ở đầu bong bóng. Chính vì thế, xưa kia, bắt được sủ vàng, khi mổ lấy bóng cá nhất thiết phải còn nguyên đôi râu, mất râu, bóng cá mất giá trị, vì nếu rụng mất đôi râu trông bóng nó không khác bóng sủ đất, sủ đường chút nào. 20-30 năm trước, sủ vàng nhiều vô kể. Loài cá này thịt thơm, ngon, béo, ngậy. Đặc biệt cái đầu nấu lên mỡ vàng óng, chan bún ăn rất ngon. Tuy nhiên, cái thứ gì bổ béo, ăn nhiều thì sợ lâu. Bản thân ông Hiền hễ nghĩ đến sủ vàng là muốn nôn ói. Ông ăn quá nhiều, quá sợ thứ thịt cá quá bổ béo này rồi. Không những ông Hiền, mà dân chài nơi đây đều sợ. Giới buôn bóng cá, khi đến mua, họ mua cả con, giá trị tính theo cân nặng, nhưng mua xong, họ mổ bụng lấy bóng, còn thịt vứt lại cho không dân chài. Người ta thường xẻ thịt chia nhau, chả ai thèm mua bán. Sau khi trò chuyện trên trời dưới bể về loài cá sủ vàng, ông Hiền quay sang bảo tôi: “Cậu có biết bí mật cá sủ vàng là gì không?”. Lúc đầu khi tôi ngỏ ý tìm hiểu về cá sủ vàng, ông Hiền đã nói rằng: “Không ai hiểu bí mật đằng sau con cá sủ vàng bằng ông đâu”. Tôi ngẫm ngợi một lát rồi lắc đầu bảo không biết. Ông Hiền bảo: “Được bạc thì sang, được vàng thì bại”. Ông Hiền lý giải, một con cá sủ vàng nặng 70kg, có giá trị tương đương với 1kg vàng. Như vậy, con cá sủ vàng đắt đỏ đúng với cái tên của nó. “Được cá sủ vàng, thì sẽ bại cậu ạ!”. Tôi thật bất ngờ với cách suy diễn của ông Hiền. Và tôi đã thực sự kinh ngạc, với câu chuyện ở một cái xóm hoang tàn bên bờ sông Hồng mênh mang sóng nước… Còn tiếp… Phạm Ngọc Dương

Nguồn VTC: http://vtc.vn/394-250791/phong-su-kham-pha/bi-mat-ve-loai-ca-1-con-70kg-1kg-vang.htm