'Bí mật' thương vụ Ấn Độ mua vũ khí 'khủng' chưa từng có của Nga

Quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Nga và Ấn Độ tiếp tục ghi dấu sự phát triển mạnh khi Ấn Độ quyết định sẽ đặt Nga đóng thêm 4 tàu khu trục tàng hình với trị giá lên đến 4 tỷ USD, mua 5 tổ hợp tên lửa hiện đại nhất S-400 với trị giá 5,87 tỷ USD..

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph của Nga.

Theo tạp chí Times of India (ToI), trong thời gian gần đây Ấn Độ đang thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình. Theo như cam kết của Chính phủ Ấn Độ, Lực lượng Hải quân sẽ là trọng tâm trong quá trình hiện đại hóa của Quân đội Ấn Độ.

ToI cho biết hiện các cuộc đàm phán về các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Ấn Độ với các xí nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp-quốc phòng của Nga vẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Cụ thể, New Deli đang muốn đặt Nga đóng thêm 4 tàu khu trục tàng hình với trị giá 1 tỷ USD cho mỗi chiếc.

Ngày 8/9 vừa qua, cuộc đối thoại kéo dài trong hai ngày của Nhóm Công tác về hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga-Ấn Độ đã kết thúc với kết quả khá khả quan.

Theo một nguồn tin cấp cao trong giới quân sự Ấn Độ tiết lộ với ToI, phía Nga đã đưa ra các đề xuất về 4 tàu khu trục đa năng được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất, trong đó có cả các hệ thống tên lửa chống tàu siêu thanh thế hệ mới BrahMos (sản phẩm của sự hợp tác giữa Nga và Ấn Độ).

“Theo các đề xuất của phía Nga, 2 tàu khu trục sẽ được phía Nga chuyển giao cho Ấn Độ sau khi chế tạo xong tại Nga, 2 chiếc còn lại sẽ đóng tại Ấn Độ. Trước khi ký kết hợp đồng, Bộ Quốc phòng hai bên sẽ tiếp tục hoàn thiện các vấn đề khác có liên quan.

Tại phiên họp của Nhóm Công tác, hai bên (Ấn Độ và Nga) cũng đã thảo luận thêm nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực quân sự, ví dụ như hoạt động nghiên cứu chung về máy bay tiêm kích thế hệ 5; lắp ráp trực thăng Ka-226T ở Ủy ban Thiết kế-Thử nghiệm Kamova; mua bán 5 tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất của Nga S-400 với trị giá 5,87 tỷ USD.

Trực thăng K-52 của Nga

Rõ ràng, Nga đang muốn gắn dự án chế tạo tàu khu trục (Tổng thống Putin đưa ra đề nghị hợp tác trong dự án này với Thủ tướng Ấn Độ từ năm 2015) với dự định của Ấn Độ trong việc thuê tàu ngầm hạt nhân thứ hai của Nga.

Tàu ngầm đầu tiên loại Akula-2 của Nga đã được Hải quân Ấn Độ thuê từ tháng 4/2012. Tiền thuê con tàu này là 900 triệu USD và đây là một phần trong hợp đồng có giá trị 2,33 tỷ USD để đóng tàu sân bay “Vikramaditia” trên nền tảng là tàu sân bay hạng nặng “Nguyên soái Gorshkov”.

Nếu như hợp đồng mua các tàu khu trục tàng hình được Ấn Độ và Nga ký kết thì các tàu khu trục với độ dãn nước lên đến 4 nghìn tấn này sẽ là sự bổ sung đáng kể cho hợp đồng đóng 6 tàu khu trục trước đó.

3 tàu khu trục đầy tiên thuộc lớp “Talvar” (theo cách gọi của NATO) đã được hạ thủy vào năm 2013-2014. 3 tàu còn lại trong gói này là các tàu thuộc lớp “Teg” được cung cấp cho Ấn Độ từ giai đoạn 2011-2013.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ tỏ ra rất hài lòng với các tàu thuộc lớp “Teg”. Cản trở chính đối với các tàu khu trục lớp “Teg” hiện đang được đóng ở Kaliningrad là việc loại tàu này cần đến động cơ turbin khí “Zorya” của Ukraine.

Hiện tại, Ukraine đang từ chối cung cấp cho Nga các động cơ này nên Ấn Độ sẽ buộc phải liên hệ với Ukraine để mua loại động cơ này.

Tên lửa BrahMos sản phẩm liên doanh Nga - Ấn Độ

Ngoài các tàu muốn mua của Nga, Ấn Độ hiện cũng đang đóng các tàu quân sự tàng hình của riêng mình. Hiện Hải quân Ấn Độ đang sở hữu 3 tàu khu trục “Shivalik” có độ giãn nước 6.100 tấn.

Trong tháng 2/2015, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đã ký kết hợp đồng đóng 7 tàu khu trục tàng hình lớp “Dự án-17A” tại nhà máy đóng tàu ở Mumbai và Kolkata.

Về tổng thể, Hải quân Ấn Độ hiện đang sở hữu 130 tàu chiến, 235 máy bay và trực thăng. Ngoài ra, 39 tàu khác đang nằm trong giai đoạn được đóng ở các nhà máy đóng tàu.

Trong kế hoạch tăng cường lực lượng hải quân đến năm 2027, Hải quân Ấn Độ dự định sẽ tăng số tàu chiến lên con số 212 tàu để bảo vệ các lợi ích địa chiến lược của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và các khu vực khác.

Chương trình hiện đại hóa lực lượng Hải quân Ấn Độ dự kiến sẽ tiêu tốn 223 tỷ USD trong vòng 10 năm. Phần lớn kinh phí trong gói tài chính này sẽ được chi cho các đối tác thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga.

Đức Dũng (lược dịch)

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bi-mat-thuong-vu-an-do-mua-vu-khi-khung-chua-tung-co-cua-nga-post208662.info