Bí mật sau câu chuyện viết sớ khấn ở đền Trần Nam Định: Lệnh, bùa bán như rau với giá không rẻ

Viết sớ khấn, dâng sao giải hạn, kèm bán 'bùa bình an, bùa trấn, lệnh đi xe' với giá không rẻ đã diễn ra tấp nập ở đền Trần Nam Định.

Video: Bí mật đằng sau chuyện viết sớ khấn ở đền Trần Nam Định?

Không chỉ có chuyện người dân và du khách bỏ tiền ra "mua" ấn với giá 20.000 đồng, quá trình ghi nhận tại lễ hội khai ấn đền Trần ở phường Lộc Vượng, TP Nam Định, nhóm phóng viên Gia đình và Xã hội nhận thấy, tình trạng chèo kéo khách viết sớ kèm bán bùa bình an, các loại trấn, lệnh, bùa may mắn cũng diễn ra tấp nập.

Viết sớ khấn kèm bán bùa

"Sớ à, anh ơi viết sớ xin tài lộc đi, sớ tài lộc đi!", đó là những câu nói được phát ra từ những người được cho là nhân viên của Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp (Nam Định) trong khu vực nhà cấp 4, ngay cạnh đường vào đền Cố Trạch. Những lời mời chào này luôn được cất lên khi có người dân, du khách đi qua.

Ngày 23/2, theo ghi nhận của phóng viên, trong căn nhà cấp 4 được chia thành nhiều căn phòng, có kê bàn ghế, hàng loạt người không đeo thẻ, có người đeo thẻ với nội dung: "Thẻ phục vụ lễ hội khai ấn đền Trần,…" tham gia viết sớ, bán bùa bình an (trấn trạch), lệnh (trấn xe),… mải miết làm việc hết công suất, tấp nập, náo nhiệt.

Khu vực viết sớ ở đền Trần.

Đáng chú ý, theo những lời nhân viên ở đây, với các loại sớ, vãn khách có thể xin hộ cho người nhà, bạn bè, người thân số lượng bao nhiêu cũng được.

Tác nghiệp trong khu viết sớ khoảng 20 phút, chúng tôi nhận thấy nhiều người dân, du khách "tin vào những lời giới thiệu", tiến hành viết sớ, mua các bùa, trấn, lệnh với số lượng nhiều, thậm chí không tiếc tiền mua hộ cho người thân.

Trong vai người có nhu cầu viết sớ, chúng tôi đi khắp những căn phòng để hỏi về dịch vụ và được nhân viên cho biết, mỗi tờ sớ khấn viết xong có giá 30.000 đồng, bộ tài lộc gồm: bùa bình an, trấn, tài lộc, công danh,… giá 120.000 đồng, lệnh xe (trấn xe) 20.000 đồng.

"Bùa", "lệnh" giá chát được bán như... rau

Khi chúng tôi hỏi về những ý nghĩa đằng sau các túi tài lộc, sớ và hình thức xin như thế nào? Một nam nhân viên có đeo thẻ tiết lộ: "Tài lộc gồm: bùa bình an, trấn, lệnh, tài lộc, công danh,… 1 bộ 120.000 đồng. Muốn xin cho bao nhiêu gia đình cũng được".

Ở đây bùa bán được để trong tủ, hết lại được lấy ra bán thêm.

Khi người mua tỏ vẻ băn khoăn về việc xin hộ cho người nhà, bạn bè? Nam nhân viên nói: "Thoải mái, tốt quá, cái này cho người ta được mà. Xin xong phải có lễ, nếu không thì chỉ vái xin về thôi. Trong bộ tài lộc (các trấn, bùa, sớ) làm lễ hoặc khấn ở 2 nơi, thứ 1 lễ đền Thánh (đền Cố Trạch), thứ 2 lễ đền Vua (đền Thiên Trường) để xin về là được".

Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý để hỏi xem người nhà, bạn bè có nhờ xin hay không rồi quay lại sau, nhân viên liền chèo kéo và nói: "Bác (phóng viên) cứ xin trước đi, người nhà sau. Xin cho mình chứ không xin cho ai khác".

Bàn bên, một du khách cũng đang xin sớ và xin tài lộc. Lúc này nhân viên hỏi vị khách này "có xe ô tô không"?, nếu có xin thêm lệnh xe (trấn xe). "Sau khi vái hoặc lễ xong đem về treo bàn thờ, lệnh để trên xe. Mức giá hoàn của một bộ gồm sớ, "tài lộc" kèm có giá 170.000 đồng" - nhân viên đền tư vấn cho khách.

Hoạt động viết sớ, bán các loại bùa, trấn diễn ra tấp nập.

Trong một căn phòng khác, một vị viết sớ cầm trên tay cây bút nói với chúng tôi với giọng chèo kéo: "Khách đến đây xin tài lộc, công danh, những ngày này cầu ấn tín của vua ngày mai. Tài lộc công danh xin hộ ai cũng được. Mốn viết sớ thì viết, nếu không lấy tài lộc công danh rồi xin về. Tài lộc công danh, sức khỏe, bình an con cháu học hành".

Bùa đã được làm lễ trước?

Đáng chú ý, trong quá trình thâm nhập, chúng tôi được các nhân viên ở đây tiết lộ về việc những tờ sớ và các bùa, trấn, lệnh, công danh... đã được nhà đền làm lễ trước đó nên yên tâm. "Công danh tài lộc đã được nhà đền làm lễ hết rồi" – một nhân viên nữ tiết lộ.

Cũng trong quá trình ghi nhận, phóng viên thắc mắc về việc thu tiền và bán bùa thì nhận được câu trả lời: "Làm gì có chuyện miễn phí. Cái gì cũng phải có kinh phí. Bùa làm từ giấy, giấy cũng phải mua để mà làm có phải lá cây rụng đâu nên phải thu phí".

Khi viết sớ cũng có thể mua hộ cho gia đình, bạn bè.

Theo ghi nhận phóng viên Gia đình và Xã hội, chiều ngày 23/2, dù chưa đến giờ khai ấn đền Trần nhưng hàng nghìn người từ khắp mọi miền đã đổ về đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) để tham quan, hành lễ.

Sau khi hành lễ ở đền xong, ai ai cũng đều cầm trên tay một túi đựng đầy đủ các loại trấn trạch (trấn nhà cửa), trấn xe cộ, bùa cầu bình an, cầu tài lộc, sức khỏe, mà chúng tôi đã nói ở trên. Dù chưa biết những chiếc bùa, trấn này có tác dụng thật hay không nhưng không ít tiền đã "bay" khỏi ví của họ?

Liên quan đến những bất cập trên, trong buổi chiều ngày 23/2, chúng tôi liên hệ với ông Trần Huy Tài – Chủ tịch UBND phường Lộc Vượng, TP Nam Định hỏi về việc có được phép viết sớ, buôn bán tâm linh? Vị này đẩy sang cho bên nhà đền. "Cái này ở trong nhà đền, các cụ đang phát như thế nào do nhà đền bố trí. Có gì anh (phóng viên) về phường làm việc".

Dù chưa biết những chiếc bùa, trấn này có linh hay không nhưng rất đông du khách tới mua, nhiều người còn mua hộ cho các gia đình khác?

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến vấn đề qua phường làm việc, vị Chủ tịch bắt đầu lấy lý do "đang bận họp" và tắt điện thoại.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các địa phương khi tổ chức chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi.

Vậy nhưng, những gì đang diễn ra trong khu viêt sớ tại đền Trần lại cho thấy có nhiều bất cập, hoạt động buôn bán vẫn diễn ra công khai, tấp nập.

Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin chi tiết về ý kiến của cơ quan chức năng tỉnh Nam Định.

Xem thêm video liên quan đến sự việc:

Video: Phía sau cánh cửa phát ấn đền Trần Nam Định

Nhóm PV

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bi-mat-sau-cau-chuyen-viet-so-khan-o-den-tran-nam-dinh-lenh-bua-ban-nhu-rau-voi-gia-khong-re-172240228122822782.htm