Phiên 'chất vấn và trả lời chất vấn ngay' tại Thường vụ Quốc hội: Không còn câu chuyện trả lời vòng vo

Ngày 19.3, tại Hà Nội, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thí điểm việc 'chất vấn và trả lời chất vấn ngay', chất vấn ngắn gọn, rõ ý theo nhóm vấn đề tại phiên họp lần thứ 22 với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: A.C

Sau phiên chất vấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, hỏi trong 1 phút nên rất cô đọng, súc tích, không còn câu chuyện trả lời vòng vo, ngụy biện.

Đại biểu chất vấn về việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc

Chất vấn về việc xử lý mối quan hệ giữa những chính sách Chính phủ không trình, nhưng cơ quan thẩm tra đề xuất và có những chính sách khác nhau giữa cơ quan thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có ý tưởng rất tiến bộ là lập đề nghị và tách quy trình lập chính sách thành quy trình riêng, làm trước và làm kỹ.

Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp thừa nhận thực tế xảy ra số lượng chính sách bổ sung quá trình sau, nhưng phải quay trở lại đánh giá xem xét thông qua. Cụ thể, liên quan đến câu chuyện sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục, trong đó đánh giá chính sách về lương, thu nhập với giáo viên. Đây là bổ sung ban đầu, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có đánh giá.

Trả lời tranh luận về vấn đề lương nhà giáo và phổ cập bắt buộc 9 năm từ năm 2020 của đại biểu Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xin phép tìm hiểu thêm về nội dung phổ cập 9 năm. Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề về lương, quan điểm thống nhất hệ thống giáo dục và giáo viên hưởng thang bảng lương cao nhất hoàn toàn phù hợp và có tính thuyết phục.

Tuy nhiên, khi rà soát lương và phụ cấp của nhà giáo liên quan đến quy định ở nhiều văn bản khác nhau nên cần thiết quy định nhất quán các vấn đề chế độ chính sách, mà không quy định trong pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, việc quy định lương giáo viên trong Luật Giáo dục đã phần nào làm ảnh hưởng đến quan điểm trên. Nếu đợi văn bản quy định chung về chế độ chính sách trong đó có chính sách với nhà giáo thì chậm, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các đại biểu quan tâm đến quan điểm của Bộ Tư pháp về xử lý tài sản tăng thêm nhưng không giải trình được nguồn gốc trong Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng Chính phủ vừa trình Thường vụ Quốc hội. Trả lời về vấn đề này, cho đến nay, dự luật đang được xem xét để trình Quốc hội kỳ họp sắp tới. Quan điểm của Chính phủ với những tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải đánh thuế 45% thu nhập cá nhân. Ngoài ra, quan điểm Bộ Tư pháp với tài sản không chứng minh được nguồn gốc phải thực hiện quy trình tố tụng tư pháp về dân sự, đưa ra tòa xem xét, giống như chiếm hữu tài sản không căn cứ.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề như hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ hay hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp công nghệ cao.

Nhận thấy hiệu quả rõ rệt thí điểm cách thức chất vấn mới

Tại phiên chất vấn, lần đầu tiên thực hiện thí điểm việc chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp theo từng câu hỏi. Cụ thể, các đại biểu nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu, thời gian không quá 3 phút/lần; trường hợp đại biểu chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận; thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.

Kết luận phiên chất vấn sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi thẳng thắn, rõ vấn đề, không quá 1 phút theo quy định mới. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nắm khá chắc thực trạng tình hình và vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực bộ quản lý và nghiêm túc thẳng thắn nhận rõ trách nhiệm thuộc lĩnh vực phụ trách và đưa các giải pháp trong thời gian tới.

Đánh giá về việc đổi mới tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn lần này đã tạo được sự tương tác, đối thoại trực diện của người thoại và trả lời. Qua đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người điều hành, người chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng không mất nhiều thì giờ ghi chép hoặc khi trả lời không bỏ sót câu hỏi.

LÊ HOA

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van-ngay-tai-thuong-vu-quoc-hoi-khong-con-cau-chuyen-tra-loi-vong-vo-596624.ldo