Bị lộ thông tin sau khi giao dịch với ngân hàng, cơ quan quản lý nói gì?

Nhiều thông tin của khách hàng sau khi giao dịch với ngân hàng đã bị lọt ra ngoài, trở thành mục tiêu cho các đối tượng lừa đảo nên cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các ngân hàng thương mại về vấn đề này

Đây là kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Ngân hàng Nhà nước liên quan đến bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán.

Trả lời kiến nghị này, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đơn vị đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp để góp phần ngăn chặn tình trạng thông tin khách hàng bị lộ, lọt ra ngoài làm các đối tượng xâm nhập tài khoản thanh toán của người dân và sử dụng tài khoản thanh toán cho các mục đích bất hợp pháp.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán liên quan đến bảo mật thông tin về tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tổ chức tín dụng; trách nhiệm của ngân hàng và cán bộ ngân hàng…

Không ít thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng bị lộ, lọt ra ngoài qua các kênh khác nhau. Ảnh minh họa AI

Không ít thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng bị lộ, lọt ra ngoài qua các kênh khác nhau. Ảnh minh họa AI

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán. Trong đó có nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng mở, sử dụng tài khoản thanh toán và bảo vệ thông tin khách hàng.

"Ngay đầu năm 2024, Thống đốc đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; trong đó có chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, triển khai tổng thể các giải pháp phòng, chống lộ lọt thông tin, dữ liệu. Ban hành cảnh báo và yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường các giải pháp ngăn chặn các hành vi mua bán thông tin tài khoản thanh toán, hành vi mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác hoặc giấy tờ tùy thân giả để mở tài khoản thanh toán và sử dụng cho các hành vi lừa đảo, gian lận" - đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.

Cơ quan này cũng cho biết đã có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng chấn chỉnh, tăng cường quán triệt trong toàn hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến công tác bảo mật thông tin khách hàng; rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với công tác bảo mật thông tin khách hàng trên toàn hệ thống.

Trường hợp phát hiện vi phạm, các ngân hàng phải xác định trách nhiệm cụ thể của cá nhân/đơn vị liên quan và chủ động có biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung; triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bảo đảm bảo mật thông tin khách hàng theo quy định pháp luật và quy định nội bộ…

Theo ghi nhận, dù các quy định về bảo mật thông tin, tài khoản của khách hàng được áp dụng nhưng khách hàng bị lộ, lọt thông tin vẫn xảy ra. Nhiều người là khách hàng của ngân hàng cho biết thường xuyên nhận được cuộc gọi mời mở thẻ tín dụng, mở tài khoản tiết kiệm, mở tài khoản chứng khoán hoặc mời vay vốn ngân hàng…

Thái Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bi-lo-thong-tin-sau-khi-giao-dich-voi-ngan-hang-co-quan-quan-ly-noi-gi-196240515093603423.htm