'Bi kịch không phải là điều duy nhất chúng tôi muốn kể'

Thông điệp được đưa ra bởi Trường Tiểu học Ukedo (thị trấn Namie, quận Futaba, tỉnh Fukushima) - một tàn tích của trận động đất lớn phía Đông Nhật Bản

Sau 10 năm kể từ thảm họa kép động đất - sóng thần vào tháng 3-2011, Trường Tiểu học Ukedo mở cửa đón du khách vào tháng 10-2021 với mục đích nâng cao nhận thức về phòng chống thảm họa.

Trường Tiểu học Ukedo ngày nay

Trường Tiểu học Ukedo ngày nay

Bảo tồn trong tình trạng hư hỏng

Sau chuyến tham quan Trường Tiểu học Ukedo, những dữ liệu "14:46", "11-3-2011" in đậm tuyệt đối trong tôi, dù chỉ là một du khách. Thế mới có thể nói, thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 đã hằn sâu trong ký ức người Nhật Bản nói chung và người dân Fukushima nói riêng như thế nào. Ngày 11-3-2011, một trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra ngoài khơi Nhật Bản. Dư chấn sau đó đã gây ra sóng thần lan dọc bờ biển Nhật Bản.

Quay ngược về quá khứ, Ukedo là một trường tiểu học thuộc thị trấn Namie (phía Bắc khu vực Hamadori, tỉnh Fukushima), nằm cách bờ biển khoảng 300 mét. Tòa nhà bê tông cốt thép hai tầng là nơi những đứa trẻ tràn đầy năng lượng học tập cùng các giáo viên nhiệt huyết. Nhưng giờ đây, chào đón tôi là những khung cửa cong vênh, thiết bị nhà bếp vương vãi và những vật dụng rỉ sét còn sót lại sau hơn 10 năm.

Các vật dụng được "bảo tồn trong tình trạng hư hỏng"

Các vật dụng được "bảo tồn trong tình trạng hư hỏng"

Các bức tường, trần nhà và vật dụng được "bảo tồn trong tình trạng hư hỏng" sau thời điểm động đất, sóng thần xảy ra. Trong khi tầng 2 còn tương đối nguyên vẹn, thì tầng một của ngôi trường bị sóng thần nuốt chửng. Sức mạnh của sóng thần đã đánh sập bức tường của lớp học. Trần và tường bị bong tróc, để lộ các khung thép. Những viên gạch vỡ vụn và các thanh sắt ngổn ngang trên sàn nhà. Mỗi bước chân dừng lại ở từng tấm bảng diễn giải kèm hình ảnh minh họa theo thứ tự thời gian, tôi phần nào hình dung được quá trình sơ tán khẩn cấp đến từng phút của các em học sinh vào ngày 11-3-2011.

Tầng một của ngôi trường

Tầng một của ngôi trường

Vào 14 giờ 46 phút ngày 11-3-2011 (giờ địa phương), một trận động đất với cường độ địa chấn trên 6 độ Richter xảy ra. Bởi vài ngày trước đó, một trận động đất cũng xảy ra, nên các học sinh đã trốn dưới gầm bàn và đợi cho đến khi hết rung chuyển. Tuy nhiên, sự rung chuyển không hề dịu đi. 14 giờ 47 phút, theo thông báo của trường, các giáo viên hướng dẫn học sinh sơ tán đến sân trường. Đến 14 giờ 49 phút, cảnh báo sóng thần cao 3 m đối với bờ biển tỉnh Fukushima được đưa ra. Ngay sau đó, người dân ở vùng ven biển được thông báo di chuyển đến các trung tâm sơ tán chỉ định.

Dưới sự hướng dẫn của trưởng ban công tác nhà trường, vào 14 giờ 54 phút, 82 học sinh bắt đầu sơ tán. Không kịp mặc áo khoác, các học sinh chạy về hướng núi Ohira trong cái lạnh cóng. 15 giờ 14 phút, cảnh báo sóng thần được đưa ra với độ cao là 6 m (thay vì 3 m như công bố ban đầu). Sau quá trình cật lực chạy, 15 giờ 15 phút, thầy trò Trường Tiểu học Ukedo đến chân núi Ohira. Khi đang tìm lối lên núi, một học sinh đã chỉ lối vào: "Chúng ta có thể vào núi từ con đường này! Em đã đến đây để tập bóng chày". Vào 16 giờ, thầy trò đến đỉnh núi Ohira. Các giáo viên đã điểm danh để bảo đảm mọi người đều có mặt.

Hình ảnh minh họa quá trình sơ tán khẩn cấp của các em học sinh vào ngày 11-3-2011

Hình ảnh minh họa quá trình sơ tán khẩn cấp của các em học sinh vào ngày 11-3-2011

Tôi đứng trước hình ảnh ngôi trường Ukedo còn sót lại giữa một không gian mênh mông bùn đất và mảnh vỡ, một cảm giác tuyệt vọng ngập tràn...

Hình ảnh ngôi trường Ukedo sau thảm họa động đất - sóng thần

Hình ảnh ngôi trường Ukedo sau thảm họa động đất - sóng thần

Nỗ lực để hồi sinh

Trên tầng hai, câu chuyện của người sống sót được kể lại qua các video và tranh triển lãm, trong đó có cả ký ức đau buồn của những người phải từ bỏ cuộc tìm kiếm người mất tích bởi lệnh sơ tán sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Chuyến thăm Trường Tiểu học Ukedo không chỉ giúp mọi người tìm hiểu về mức độ thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra mà còn cả lịch sử của thị trấn Namie. Không ai biết thiên tai sẽ ập đến khi nào và ở đâu. Ngôi trường Ukedo dạy chúng ta rằng, thảm họa tự nhiên không phải là vấn đề của riêng ai đó.

Du khách xem triển lãm và để lại lời nhắn tại Trường Tiểu học Ukedo

Du khách xem triển lãm và để lại lời nhắn tại Trường Tiểu học Ukedo

Một du khách để lại lời chia sẻ trong quyển sổ cảm nhận khi tham quan Trường Ukedo: "Tôi muốn quên ngày 11-3, nhưng tôi nghĩ đó là một sự kiện không nên quên. Tôi nghĩ việc mình còn sống là một điều kỳ diệu. Tôi sẽ tiếp tục sống mạnh mẽ".

Trường Tiểu học Ukedo dưới ánh hoàng hôn

Trường Tiểu học Ukedo dưới ánh hoàng hôn

Sau hơn 10 năm, có những người lập nghiệp ở vùng đất mới, nhưng cũng có người chọn trở lại sau khi đối mặt với khó khăn, đau đớn và đấu tranh cảm xúc. Với những người trở lại, họ hy vọng sự bảo tồn và mở cửa của Trường Tiểu học Ukedo là cơ hội để kết nối, nơi những người rời khỏi có thể gặp lại nhau sau một thời gian dài.

Bờ biển Thái Bình Dương nhìn từ Trường Tiểu học Ukedo

Bờ biển Thái Bình Dương nhìn từ Trường Tiểu học Ukedo

Với khách du lịch Việt Nam, đây là điểm đến mới trên "cung đường kim cương" Ibaraki - Fukushima - Tochigi - Tokyo sau khi Chính phủ Nhật Bản chính thức mở cửa du lịch hoàn toàn cho du khách quốc tế từ ngày 11-10. Từ Trường Tiểu học Ukedo nhìn ra, biển Thái Bình Dương xanh ngắt trong nắng thu. Sự sống mới đang hồi sinh từng ngày…

Nguồn NLĐ: https://thitruong.nld.com.vn//du-lich/bi-kich-khong-phai-la-dieu-duy-nhat-chung-toi-muon-ke-20221218121218385.htm