Bi kịch của Francis Scott Fitzgerald và Zelda Sayre

Ông là nhà văn Mỹ nổi tiếng, tác giả của tiểu thuyết 'Gatsby vĩ đại', 'Đêm dịu dàng', bà là nàng thơ, nguồn cảm hứng vô tận của ông.

Nhà văn Francis Scott Fitzgerald bên vợ và con.

Những cuốn tiểu thuyết về sự thành công, giàu có và tình yêu của Fitzgerald được bạn đọc khắp nơi trên thế giới đón nhận, nhưng ngay cả những cuốn tiểu thuyết này cũng nhạt nhòa so với mối tình trọn đời của ông, tình yêu của ông dành cho Zelda Sayre.

Tiếng gọi của số phận

Francis Scott Fitzgerald và Zelda Sayre gặp nhau năm 1918 tại một quán bar của thành phố Montgomery, bang Alabama. Lúc bấy giờ, Scott Fitzgerald là thiếu úy thuộc Trung đoàn bộ 67, anh đến đây thư giãn cùng các đồng đội của mình. Zelda, một trong những người đẹp nhất của bang, như thường lệ, được bao quanh bởi rất nhiều người hâm mộ.

Fitzgerald phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên. “Nàng là cô gái đẹp nhất mà tôi từng gặp trong đời - sau này nhà văn nhớ lại - Ngay lập tức tôi hiểu rằng nàng phải thuộc về tôi!”. Ấn tượng đầu tiên của Zelda về cuộc gặp gỡ không mạnh mẽ như vậy, nhưng ở chàng trai trẻ này có cái gì đó ám ảnh bà và buộc bà sao nhãng những người hâm mộ xung quanh mình.

Năm đó Zelda Sayre tròn mười tám tuổi. Bà là con thứ sáu và là con út trong gia đình. Được bố mẹ cưng chiều (bố bà là thẩm phán bang), Zelda sống một cuộc sống điển hình của thế hệ vàng - bà học múa ba lê, vẽ, và dành thời gian rỗi cho các bữa tiệc. Ngay lúc bấy giờ, bà bắt đầu hiểu rằng bà không muốn làm việc, không muốn già. Bà cần một người có thể biến cả cuộc đời bà thành một ngày hội, và sẵn sàng chi tiền để có được điều đó.

Hơn Zelda 4 tuổi, vào thời điểm họ gặp nhau, Francis Scott Fitzgerald chẳng có gì ngoài tham vọng và thói nghiện rượu. Ông bị đuổi khỏi một trong những trường đại học danh tiếng nhất, Princeton. Bố mẹ của nhà văn vô cùng lo lắng cho tương lai của con trai mình, nhưng bản thân Francis lại rất vui mừng khi bị đuổi học. Ông vào Princeton chỉ với một mục đích là có một vị trí xứng đáng trong đội bóng đá và được diễn kịch trên sân khấu của trường.

Thế nhưng, Francis không đạt được mục đích đó, vì vậy việc học tập mất hết ý nghĩa đối với ông. Không cần đắn đo suy nghĩ, Francis quyết định đi lính để được chết một cách nhanh chóng và anh dũng cho Tổ quốc, và tự giải thoát khỏi những rắc rối và những hy vọng bất thành. Nhưng ông không được ra mặt trận, mà được cử đến phục vụ ở Montgomery, nhờ đó mà trong cuộc đời ông đã xảy ra một điều còn lớn lao và tàn khốc hơn cả chiến tranh - tình yêu.

Sự can thiệp của số phận

Tất nhiên, bố mẹ của Zelda không chấp nhận một chàng rể như vậy. Nhưng Francis và Zelda ương ngạnh đòi lấy nhau bằng được. Cuối cùng, họ buộc đồng ý với một điều kiện - Francis phải có việc làm. Chú rể hạnh phúc ngay lập tức đến New York và tìm được việc tại một công ty quảng cáo của ngành đường sắt thành phố. Cũng tại đây, ông dự định in cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình “Kẻ lãng mạn ích kỷ”, nhưng bản thảo đã bị trả lại với nhận xét “đề nghị chỉnh sửa”.

Thất bại của nhà văn đi kèm với nguy cơ đánh mất Zelda ngày càng tăng. Bị bỏ lại một mình ở Montgomery, chỉ gắn bó với Francis bằng một lời hứa và chiếc nhẫn ông tặng như một món quà, bà không ngừng quan hệ với những người đàn ông khác. Zelda cảm thấy mình mạnh mẽ và táo bạo đến mức một lần bà quyết định tắm nude trong bể bơi. Điều này đã làm tăng số lượng người hâm mộ của bà ít nhất lên gấp đôi.

Zelda không có ý định thay đổi lối sống vì viễn cảnh hôn nhân vẫn còn mờ mịt. Đến mức, một lần, vì lơ đãng, bà đã viết thư cho một trong những người hâm mộ của mình, và theo thói quen, ghi nhầm địa chỉ của Fitzgerald trên phong bì. Điên tiết và sợ hãi đánh mất người yêu của mình, ngay lập tức Francis trở về gặp Zelda và yêu cầu bà giải thích.

Đáp lại cơn giận của Francis, không nói một lời, Zelda tháo chiếc nhẫn ông tặng ra khỏi ngón tay và ném vào mặt ông. Cử chỉ đó đã nói lên tất cả. Bị từ chối, Fitzgerald quay trở lại New York, nhưng ông không đầu hàng.

Đúng lúc đó, may mắn cho Fitzgerald, chính số phận đã can thiệp vào mối tình của ông. Cuốn tiểu thuyết do ông viết lại với nhan đề mới “Bên kia thiên đường” cuối cùng cũng đến tay bạn đọc và ngay lập tức khiến nhà văn trẻ trở nên nổi tiếng. Một tuần sau, Francis Scott Fitzgerald và Zelda Sayre kết hôn.

“Hội hè miên man”

Francis Scott Fitzgerald

Cuốn tiểu thuyết được độc giả và giới phê bình nhiệt liệt đón nhận. Francis và Zelda vui như tết. Giờ đây, tên tuổi họ liên tục xuất hiện trên các trang báo. Họ trở thành biểu tượng của thời đại nhạc Jazz, và cả nước Mỹ ngưỡng mộ bộ đôi này. Thậm chí sự ra đời của cô con gái Scotty (được đặt theo tên bố) cũng không ngăn được họ.

Các tác phẩm của Fitzgerald lần lượt ra đời. Ông viết “Gatsby vĩ đại”, “Chuyện bí ẩn của Benjamin Button”, và “Đêm dịu dàng”.

Zelda đôi khi có những đam mê bên ngoài. Điển hình là câu chuyện với một chàng phi công. Để gây ấn tượng với nàng, chàng đã thực hiện một cú nhào lộn ngay trên nhà họ. Nhưng mối tình này quá ngắn ngủi nên không thể ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân của họ. Tuy nhiên, chàng phi công đã bỏ Zelda trước, khiến bà uống thuốc ngủ tự tử. May mà Scott đã kịp thời giải cứu.

“Vì chúng ta đã trưởng thành và sáng suốt hơn, và vì lâu đài tình yêu của chúng ta được xây trên một nền tảng vững chắc, chúng ta không sợ mất mát, - Zelda viết về tình yêu của mình đối với chồng. - Tình yêu ban đầu không thể tồn tại mãi mãi, nhưng những cảm xúc do nó sinh ra vẫn luôn tươi mới. Giống như những bong bóng xà phòng: Dù bị tan vỡ, nhưng vẫn có thể thổi thành nhiều bong bóng đẹp... ”.

Chết không đáng sợ

Zelda Sayre

Họ sống vui vẻ như vậy thêm vài năm nữa, sau đó có tin đồn Zelda bị bệnh tâm thần. Mọi chuyện bắt đầu ở Paris. Trong một nhà hàng, họ nhìn thấy Isadora Duncan (vũ nữ Mỹ nổi tiếng) ngồi ở bàn bên cạnh. Francis xin phép Zelda đến gặp người phụ nữ vĩ đại để bày tỏ sự tôn trọng và lòng ngưỡng mộ của mình. Zelda nói rằng bà không phản đối, nhưng ngay khi Scott vừa đi khỏi, bà chạy theo cầu thang lên gác hai và nhảy xuống. May thay, chỉ bị thương nhẹ.

Sau đó, xuất hiện những giọng nói trong đầu Zelda cảnh báo về một âm mưu chống lại bà và gia đình bà. Fitzgerald đã chi rất nhiều tiền chữa bệnh cho vợ, ông uống rượu nhiều hơn, rồi bắt đầu mấy mối tình vu vơ… Nhưng số phận đòi trả giá cho những năm tháng vui vẻ. Lúc đầu, nhà văn bị gãy xương đòn và không thể cầm bút được một thời gian dài. Sau đó, mẹ ông mất. Sau đó, con gái Scotty bỏ học, không nghe lời bố mẹ.

Năm 1940, Fitzgerald qua đời vì đột quỵ ở tuổi 44. Zelda sống thêm tám năm nữa, và đến cuối năm thứ tám, bà cảm thấy khỏe hơn. Thậm chí bà ra viện và trở về thành phố Montgomery quê hương. Khi ra đi, Zelda đột nhiên nói với mẹ: “Mẹ đừng lo! Scott nói rằng chết hoàn toàn không đáng sợ”.

Vài ngày sau, bà tử nạn trong một vụ hỏa hoạn ở bệnh viện tâm thần.

Trần Hậu (Tổng hợp)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-kich-cua-francis-scott-fitzgerald-va-zelda-sayre-post611846.html