Bi hài thôn nữ lấy chồng ngoại

Nhiều thôn nữ phải bỏ mình nơi đất khách, gia đình ly tán, ấy vậy mà đâu đó nơi làng quê nghèo vẫn còn vô số các cô gái tiếp tục nuôi hy vọng đổi đời từ việc lấy chồng ngoại quốc...

Mưa sa... vũng lầy

Vẫn biết, những cuộc hôn nhân giữa các cô gái Việt với đàn ông ngoại quốc bây giờ cũng chẳng phải là chuyện hiếm. Nhưng, cứ nhìn cảnh các thôn nữ mười tám, đôi mươi phơi phới xuân thì chen chúc khoe mặt, phơi thân nơi góc trung tâm môi giới nào đó để những mong nhận được cái gật đầu của mấy người đàn ông xa lạ đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc khiến người ta không khỏi xót xa.

Trong số thôn nữ ấy, phần lớn họ tìm cách lấy chồng ngoại với hy vọng kiếm được chút tiền bạc cho gia đình và cho chính bản thân mình. Họ hy vọng thoát nghèo, ước mơ vào một sự đổi đời. Một ước mơ vượt quá luống cày, đồng lúa, con trâu... Nhưng đôi khi, mơ ước của họ vừa mới được nhen lên đã bị vùi dập tả tơi. Thân gái dặm trường, nhiều cô phải trả giá bằng sinh mạng của mình nơi đất khách.

Đào Thị Hà mới 34 tuổi, xác xơ như tàu chuối héo, kết quả của gần 15 năm làm vợ xứ người. Tính đến giờ, đã hơn một năm kể từ ngày chị trốn thoát người chồng tàn độc để trở về Việt Nam, nhưng ký ức hãi hùng về những ngày tháng tủi nhục tăm tối của kiếp làm vợ, làm trâu ngựa ở phía bên kia biên giới vẫn còn đeo bám lấy chị. Đêm đêm, trong căn nhà nhỏ nằm co ro ven bờ sông Đáy (Chương Mỹ, Hà Nội), thỉnh thoảng chị vẫn giật mình thon thót tưởng như đang lang bạt trên các cánh rừng hoang rậm ở Quảng Châu (Trung Quốc) để tìm đường về đất mẹ.

Một trung tâm môi giới hôn nhân trái phép bị bắt quả tang

Chị bảo, ngày ấy trẻ quá, mới 18 tuổi, gia đình lại nghèo nên việc lấy chồng ngoại gần như là phương cách duy nhất giúp mấy đứa em chị không bữa đói, bữa no, không phải bỏ học sớm. Vả lại, ngày đó quê chị cũng nhiều gia đình đổi đời nhờ gả con gái cho người nước ngoài, nhiều gia đình bỗng dưng trở thành khá giả. Người dân quê chị hàng ngày vẫn truyền tai nhau những câu chuyện đẹp như thần thoại, kể về sự xa hoa mà chị Hoa, chị Hồng, chị Lan nào đó được thụ hưởng nhờ làm vợ ông chồng già người ngoại quốc.

Cứ thế, một đồn mười, cả cái làng quê yên bình bỗng sục sôi về những "tấm gương lấy chồng Tây". Và, nó nhanh chóng biến thành “phong trào lấy ngoại” lan rộng khắp làng trên, xóm dưới. Gia đình nào có con gái cập kê cũng nhăm nhe tính tính, toán toán xem bán chác cái gì lấy tiền dấm dúi cho đám “cò” hôn nhân để chúng “chiếu cố” con mình sớm “xuất… cảnh, tòng phu”.

18 tuổi, chị Hà lên chợ huyện chụp mấy tấm ảnh màu để “cò” mang ra thành phố “chào hàng”. Hai tháng sau, “cò” lại về, lần này “cò” mang chị đi để gặp mặt “chồng tương lai”. Thêm hai tháng nữa, chị có mặt trên chuyến bay ngàn dặm cùng ông chồng trẻ trung, khỏe mạnh bắt đầu hành trình “làm dâu xứ lạ”.

Vượt qua biên giới, chị mới đau đớn nhận ra, ông chồng trẻ trung, khỏe mạnh kia chỉ đóng vai “chồng hờ”, còn thực chất người đã bỏ ra gần 50 triệu cho bố mẹ chị sửa lại ngôi nhà rách nát, người chị sẽ phải “đầu gối, má kề” là người đàn ông thọt chân, đáng tuổi cha, chú chị. Gia đình đó vì không muốn phải chăm sóc báo cô một người đàn ông tật nguyền, họ bàn tính “cưới vợ” cho ông ta để có người hầu hạ, nuôi dưỡng suốt đời.

Công an làm việc với các cô gái muốn lấy chồng ngoại quốc trong một đường dây môi giới hôn nhân trái phép

Từ đó, chị Hà bắt đầu chuỗi ngày lao động kéo cày trả nợ cho cái khoản tiền mà người ta đã đầu tư ra để “rước” chị về. Mờ sáng lên nương, tối về lại chăm sóc người chồng tàn phế mà mỗi lúc bị cơn đau hành hạ, ông ta thường trút cả lên đầu người vợ những trận đòn roi. Đêm nào, chị cũng chỉ được nằm co vài tiếng. Hành trình đó kéo dài năm này qua năm khác. Cứ mỗi lần bỏ trốn không thành, chị lại bị đánh đập chết đi, sống lại. Mãi đến tháng 7 năm 2010, nhân lúc đi làm rẫy, chị và một người bạn trốn vào rừng chạy mải miết hai ngày, hai đêm. Đến khi quần áo tả tơi, thân thể rã rời, lả đi vì đói khát, hai chị mới may mắn gặp gỡ được một thợ buôn vải ở Bắc Giang cho đi nhờ về Việt Nam, khép lại 15 năm đời trâu, ngựa nơi đất khách.

Ê chề phận đàn bà phải làm vợ “tập thể”

Chị Hà kể, người cùng “đào thoát” với chị ngày ấy là Nguyễn Thị Hậu ở Thanh Oai, Hà Nội. Chị Hậu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo xơ xác. Bố mất, mẹ đau yếu triền miên. Bốn anh chị em làm thuê, làm mướn sống lay lắt qua ngày. Trong lần đi cấy thuê ngoài cầu Tó (Hà Đông, Hà Nội), chị được bà chủ nhà thủ thỉ, mối lái cho một anh chàng cao ráo, sáng sủa người Trung Quốc. Đang sẵn nghèo túng, nghĩ đến khoản tiền kếch xù mà người thanh niên kia “hỗ trợ” gọi là chút sính lễ, chị Hậu “nhắm mắt đưa chân”.

Nhưng cũng chỉ vừa đặt chân sang nước người, cô thôn nữ Hậu ngay lập tức hiểu thế nào là "làm dâu xứ lạ". Xuống máy bay, cô phải di chuyển trên mấy chuyến xe băng qua các cánh đồng, làng mạc heo hút mà cô đoán người dân ở đó cũng nghèo khó chả khác gì cái xứ cô vừa rời bỏ.

Đến nơi, cô bị tống vào căn phòng nhỏ, hôi hám. Trong căn phòng có ông già đang nằm liệt trên giường, thông qua cử chỉ bằng "tay", cô hiểu đây mới chính thức là "chồng" mình. Còn cái gã mặc vest xì xồ cười nói, ôm ấp với cô hôm đám cưới, cũng chỉ là một gã "thế thân ăn tiền" mà thôi.

Những tưởng như thế thì đời cô cũng tăm tối lắm rồi, nào ngờ ngoài việc làm "vợ" của gã chồng bại liệt, cô còn phải làm "vợ" của anh chồng, em chồng, thậm chí là cả cha chồng. Cô làm vợ “tập thể”.

11 năm làm “vợ”, làm “công cụ tình dục” cho một “đại gia đình”, cô sinh sáu đứa con vừa trai, vừa gái mà không biết chính xác bố chúng là ai. Bởi, trong suốt chuỗi ngày dài nhơ nhớp đó, cô chỉ biết cắn răng thỏa mãn thú tính của bất cứ “đức ông chồng” nào khi họ “nổi hứng” nếu không muốn bị đánh đòn, bị bỏ đói…

Chưa có tổ chức, cá nhân nào đứng ra thống kê chính xác số chị em phụ nữ Việt Nam đang lang bạt xứ người kiếm sống dưới danh nghĩa vợ chồng. Chỉ biết là ngoài những người như thôn nữ Hà, Hậu... ra còn có đến hàng trăm, hàng ngàn cô gái khác cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Chẳng lẽ, chúng ta bất lực nhìn các thôn nữ lần lượt bị môi giới hôn nhân bất hợp pháp mà tương lai của họ mịt mờ nơi góc bể, chân trời?

Nguyễn Trung Thành

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/bi-hai-thon-nu-lay-chong-ngoai-c1037n20120417183838812p0.htm