Bị hại có được trả lại tiền khi chưa có phán quyết của tòa?

Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, cơ quan công tố xác định có 6.630 bị hại, bị các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt với số tiền lên đến hơn 8,6 nghìn tỷ đồng.

Đông đảo các bị hại đã đến tham dự phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh sáng 19/3. Ảnh: N.D

Bị hại mong muốn được trả tiền ngay

Buổi chiều 19/3, sau khi xét hỏi bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh cùng 14 bị cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã dành thời gian để ghi nhận ý kiến của các bị hại. Trình bày tại tòa, ông N.T.C cho biết, ông bị hỏng cả 2 mắt, số tiền hơn 1 tỷ đồng mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh là số tiền tích lũy cả đời của ông. Ông C yêu cầu được bồi hoàn lại số tiền. Còn bà N.T.T.N nói tại tòa, nhóm của bà có 121 người, trong đó 60% là người cao tuổi, rất nhiều người có bệnh tật...

Trình bày tại tòa, bà N cho biết, nhóm của bà đã nhiều lần có đơn gửi đến tòa, mong tòa giải quyết. Theo bà, tổn thất của các bị hại trong 2 năm qua là rất lớn, không gì bù đắp được, mong HĐXX ra phán quyết giúp các bị hại được nhận lại tiền của mình. Bên cạnh việc mong HĐXX giải quyết để các bị hại nhận lại tiền gốc đã mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh ngay tại phiên tòa, bà N mong HĐXX lưu ý phần lãi suất theo hợp đồng với Tân Hoàng Minh. Cũng như bà N, bà N.T.L cho hay, tiền đầu tư vào trái phiếu Tân Hoàng Minh là tiền tiết kiệm cả đời, mong được nhận lại tại tòa. Bà đề nghị tòa xem xét để mình được trả cả tiền gốc và tiền lãi.

Được sự ủy quyền của người chồng ngoại quốc của mình, chị B.T.V.H mong muốn được nhận lại tiền đã đầu tư vào trái phiếu Tân Hoàng Minh. Chị H cho rằng, số tiền của Tân Hoàng Minh đã nộp cho cơ quan điều tra thực chất là tiền của các bị hại, không phải “tiền túi” của Tân Hoàng Minh. Vì lý do đó, chị mong HĐXX xem xét trả lại tiền cho bị hại ngay chứ không chờ hết phiên tòa. Cũng giống như chị B.T.V.H, một bị hại cũng đề nghị được trả lại tiền ngay tại phiên tòa, không chờ đến phiên phúc thẩm.

Số tiền là vật chứng của vụ án

Vậy những người bị hại có thể nhận được tiền ngay hay không, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, trong vụ án Tân Hoàng Minh, việc hiểu khách hàng chỉ mong nhận lại tiền gốc sớm nhất là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra xác định số tiền Tân Hoàng Minh huy động của nhà đầu tư sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành. Đây là hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để huy động tiền trái quy định pháp luật của nhiều nhà đầu tư.

“Như vậy số tiền mà Tân Hoàng Minh nộp cho cơ quan điều tra là vật chứng của vụ án, thỏa mãn các đặc điểm vật chứng theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015” – luật sư Hùng phân tích. Và, cũng tại Điều 46 Bộ luật Hình sự cũng quy định, biện pháp tư pháp đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm… Như vậy, số tiền Tân Hoàng Minh đã nộp là các khoản tiền được dùng để cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng khi áp dụng các biện pháp tư pháp.

Như vậy, số tiền đó không còn là tài sản để Tân Hoàng Minh tự hoàn trả cho các nhà đầu tư. Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc xử lý vật chứng phải do “Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do VKSND quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do HĐXX quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Do đó, khi chưa có phán quyết cuối cùng đối với vụ án, không thể tùy tiện dùng số tiền đó chia cho các nhà đầu tư được” – luật sư Hùng cho biết.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bi-hai-co-duoc-tra-lai-tien-khi-chua-co-phan-quyet-cua-toa-374128.html