Bị động trong ứng phó với thiên tai

Những sai số trong dự báo thời tiết, cùng với đó là những bất cập trong quy trình xả lũ hiện nay đang được cho là những nguyên nhân chính khiến cho người dân bị động trong quá trình ứng phó với thiên tai, dẫn tới thiệt hại không nhỏ trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo các chuyên gia, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia cần phải được đầu tư gấp 10 lần so với hiện nay mới có thể có số liệu chính xác hơn trong công tác dự báo.

Lưu ý quy trình vận hành liên hồ chứa.

Thực tế còn xa dự báo 

Trải qua thiệt hại to lớn sau mưa lũ vừa qua, người dân băn khoăn với câu hỏi: Việc dự báo thời tiết sai, gây hậu quả nghiêm trọng thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Đây cũng là băn khoăn từng được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội. Những trăn trở ấy cũng là điều dễ hiểu, bởi trên thực tế dự báo thời tiết đang có những sai số quá lớn.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, lượng mưa đo được tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đến khu vực miền núi phía Bắc trong đợt mưa lũ từ ngày 9 đến 12-10, bình quân đạt 100 mm, nhiều nơi lên tới 300 - 400 mm. Điều đáng nói là, những thay đổi này diễn biến quá nhanh khiến cho công tác dự báo gặp khó khăn.

Cụ thể, chỉ trong khoảng 6 tiếng, từ 1 giờ đến 7 giờ ngày 11/10, lượng mưa lên tới 300 mm ở khu vực Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La và vùng lân cận. Mặc dù Trung tâm đã cố gắng thông tin ban đầu về định lượng lượng mưa nhưng chủ yếu chỉ để phục vụ công tác ứng phó. Trong quá trình diễn ra phải cập nhật dần để có cảnh báo sát hơn. Dự báo lượng nước đổ về hồ Hòa Bình của cơ quan khí tượng thủy văn cũng khác xa so với thực tế.

Cụ thể, tại bản tin dự báo số 32 của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương hồi 15 giờ 15 phút ngày 10/10, dự báo lúc 1 giờ ngày 11/10, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình là 3.800 m3/giây, nhưng thực tế nước về tới 9.360 m3/giây. Tiếp đó, vào thời điểm 15 giờ cùng ngày, cơ quan dự báo nhận định lưu lượng nước về là 2.900 m3/giây, trong khi thực tế về tới 11.290 m3/giây. Ðến bản tin số 38 sau đó, dự báo nước về hồ là 17 nghìn m3/giây, tức là tăng gấp 4 đến 5 lần so với 2 thông báo trước đó, thì lượng nước về hồ lại giảm xuống là 7.250 m3/giây,…

Những dự báo chưa chính xác này dẫn đến việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có báo cáo Chính phủ để điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa phù hợp. Theo đó, vừa phải ngừng phát điện thủy điện Sơn La để giảm gây áp lực nước về hồ Hòa Bình, vừa yêu cầu Giám đốc thủy điện Hòa Bình mở 8/12 cửa xả đáy vào sáng 11-10 khiến cho mực nước sông Hồng, sông Thái Bình tăng nhanh đột biến, gây ra những thiệt hại lớn.

Phía Trung tâm KTTV quốc gia lý giải việc này là do hệ thống quan trắc của Việt Nam hiện còn mỏng, mới chỉ có hơn 300 trạm đo mưa tự động, 200 trạm khí tượng, 300 trạm thủy văn để quan trắc, xác định lượng mưa dẫn đến những sai số đáng tiếc trong dự báo.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Quang Hoài- tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, toàn quốc mới chỉ có 79 trạm đo mưa chuyên dùng, tuy nhiên, độ chính xác của bản tin dự báo, cảnh báo còn hạn chế. Số lượng các trạm đo chuyên dùng so với yêu cầu còn thiếu, mật độ thưa.

“Chúng ta cũng đã có bản đồ hiện trạng lũ lụt tỷ lệ 1/50.000 cho 14 tỉnh, bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất tỷ lệ 1/50.000 của 4 tỉnh. Nhưng tỷ lệ bản đồ so với yêu cầu cấp bách của thực tế còn quá nhỏ không thể hiện rõ, chưa cảnh báo được vùng nguy cơ cao khi có tình huống mưa lớn, lũ quét, hay sạt lở. Theo tôi, công tác dự báo trong thời gian qua đã được đầu tư, nhưng với những biến đổi bất thường của khí hậu, thời tiết cực đoan, khó lường… công tác dự báo cần nâng tầm chất lượng. Hiện nay, hoạt động giảm nhẹ rủi ro từ thiên tai chủ yếu do địa phương thực hiện với sự hỗ trợ của chính quyền. Trong khi công nghệ hiện đại chưa được áp dụng nhiều, một phần do “đói” vốn”- ông Hoài cho biết.

Xả lũ bị động

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về thủy điện, TS Đào Trọng Tứ- giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng, việc ngừng phát điện thủy điện Sơn La và mở 8/12 cửa xả đáy ở hồ Hòa Bình là đúng về mặt kỹ thuật.

Cụ thể, khi hồ trên còn sức chứa, hồ dưới đang bị sức ép của vấn đề xả thì phải đóng hồ trên lại để tiếp tục tích nước, làm giảm tải cho phía hạ lưu. Vấn đề ở đây phải nhìn từ câu chuyện dự báo chưa chính xác khiến vấn đề xả lũ bị động. Giả sử trong trường hợp Sơn La đầy buộc phải xả, thì dưới Hòa Bình không phải chỉ xả 8 cửa mà thậm chí còn nhiều hơn. Lúc đó còn đáng lo ngại hơn.

Vì vậy, công tác dự báo rất quan trọng. Có thể chấp nhận sai số nhưng nếu sai nhiều thì rất khó để điều tiết đúng. “Ai cũng hiểu dự báo ở các hệ thống sông, chẳng hạn ở hệ thống sông Hồng là tối quan trọng. Trong khi đó, dự báo phụ thuộc vào hệ thống các trạm quan sát. Chúng ta đã có nhiều năm kinh nghiệm trong vấn đề này rồi. Theo tôi, cần tăng cường nối kết quốc tế, vùng để đưa ra những dự báo chính xác hơn”- TS Đào Trọng Tứ nêu quan điểm.

Theo TS Tứ, vấn đề xả lũ của sông Hồng hiện có thể yên tâm được do hệ thống hồ chứa của sông Hồng, sông Đà, sông Lô là rất lớn. Trong khi đó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão chỉ huy trực tiếp. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi tình hình sát dự báo để có những quyết định về vấn đề xả lũ cho an toàn. Một trong những điều đáng quan tâm hiện nay là quy trình vận hành liên hồ chứa.

Chúng ta đưa ra một loạt kịch bản rằng trong quá trình thực tế diễn ra thế này thì phải hoạt động ra sao. Nhưng phải hiểu kịch bản xây dựng trên cơ sở quá khứ và tài liệu cũ, dù có đưa ra các phương án khác nhau, từng phương án một xử lý như thế nào nhưng khi phụ thuộc nhiều vào dự báo, mà sai số ở dự báo là chưa chắc chắn thì không thể chỉ trông vào quy trình này để yên tâm được. Đặc biệt là trong tình hình thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, rất nhiều diễn biến xảy ra không đúng với kịch bản.

Thứ hai, cần nhấn mạnh là sự phối hợp của các chủ hồ như thế nào? Họ có làm theo đúng tinh thần của câu chuyện đó không. Công tác vận hành liên hồ chứa trước mùa lũ hoặc trong mùa khô phải có ba Bộ chỉ huy trực tiếp, đặc biệt là vào mùa lũ. Không thể phó thác cho quy trình vận hành liên hồ chứa đã có. Nếu chỉ nhìn vào quy trình đã có mà vận hành là không được.

“Tuổi thọ của một số hồ chứa đã lớn. Thiên nhiên lại có nhiều bất thường, không phải cứ yên bình mãi để chúng ta muốn làm gì thì làm. Chẳng hạn, vừa rồi tháng 10 mà còn xả lũ là ghê lắm. Nếu không cẩn thận quy trình vận hành liên hồ chứa sẽ trở thành chỗ dựa để ai đó nói rằng chúng tôi đã vận hành đúng quy trình”- ông Tứ cảnh báo.

* Theo  PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, quản trị, môi trường Việt Nam: Trong vòng 50 năm tới, với xác suất 40% nguy cơ bị tàn phá do thảm họa thiên tai gây ra, Việt Nam có thể phải chịu thiệt hại vượt quá 141,2 nghìn tỷ đồng (6,7 tỷ USD) do lũ, bão hoặc động đất. Kéo theo đó, các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ có tỷ lệ nghèo cao hơn đồng thời quốc gia sẽ có xu hướng đối mặt với thiệt hại kinh tế nghiêm trọng hơn.

Tuấn Việt (ghi)

GS. TS Lê Thạc Cán (Viện Môi trường và Phát triển bền vững) cho rằng: Vấn đề khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên năng lượng thuỷ điện ở nước ta đã được đặt ra lâu nay với nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi.  Đợt lũ lụt vừa qua tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung là một minh chứng cụ thể của tình trạng đó. Điều này đặt ra vấn đề các địa phương liên quan vừa bị lụt, cũng như có thể bị những đe doạ tương tự trong tương lai gần hoặc xa tích luỹ thêm sự hiểu biết về các khả năng bị tai hoạ tương tự cùng chính sách biện pháp ứng phó, dự phòng và khắc phục có hiệu quả. Tôi kiến nghị cần tổ chức một hội thảo chuyên sâu nghiên cứu về thuỷ năng, thuỷ điện, thuỷ lợi để đặt vấn đề phát triển thuỷ lợi, bảo vệ tài nguyên nước ở những vùng khác nhau ở nước ta.

Thu Hương (ghi)

Thu Hương - Tuấn Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/bi-dong-trong-ung-pho-voi-thien-tai-383185