Bị đơn kháng cáo rồi vắng mặt, tòa xử sao?

Gặp trường hợp bị đơn kháng cáo nhưng không đến tham gia phiên tòa phúc thẩm dù đã được triệu tập hợp lệ hai lần, có tòa xử vắng mặt bị đơn, có tòa lại đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Hai cách giải quyết này dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau…

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm trong vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một ngân hàng và ông HVT, chủ một hộ kinh doanh cá thể.

Xử vắng mặt hay đình chỉ?

Theo hồ sơ, giữa năm 2010, ông T. thế chấp giấy đỏ để vay 100 triệu đồng của ngân hàng trong thời hạn một năm với lãi suất 15%/năm… Sau đó, ông T. không trả được nợ nên bị ngân hàng khởi kiện ra TAND tỉnh Tiền Giang đòi phải trả khoảng 130 triệu đồng cả vốn lẫn lãi. Trường hợp ông T. không trả được nợ, ngân hàng yêu cầu được xử lý tài sản thế chấp.

Tháng 9-2011, TAND tỉnh Tiền Giang đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ngân hàng. Tòa cũng ghi nhận sự thỏa thuận giữa hai bên đương sự: Thời hạn ông T. trả nợ 130 triệu đồng chậm nhất là ngày 5-10-2011. Quá thời hạn trên, ông T. phải trả thêm lãi chậm trả…

Ông T. kháng cáo. Dù đã được triệu tập hai lần hợp lệ nhưng tại phiên phúc thẩm ngày 13-2 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, ông lại vắng mặt. Đại diện VKS tham gia phiên tòa đề nghị tòa xét xử vắng mặt ông T. và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Không đồng tình, tòa lại cho rằng trong trường hợp này cần phải đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Trái ngược với cách giải quyết trong vụ kiện trên là một vụ tranh chấp tài sản thừa kế giữa người con dâu út và các anh chị em nhà chồng. Sau phiên sơ thẩm, bị đơn kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, bị đơn cũng không đến dù đã được tòa triệu tập hợp lệ hai lần. Dù vậy, tòa phúc thẩm vẫn xét xử vắng mặt bị đơn. Sau đó, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm do áp dụng luật nội dung chưa phù hợp...

Hai luồng quan điểm tranh cãi

Trong tất cả vụ kiện mà bị đơn kháng cáo nhưng sau đó không đến tham gia phiên phúc thẩm như trên, đại diện Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao đều đề nghị tòa xét xử vắng mặt bị đơn. Có HĐXX chấp nhận nhưng cũng có HĐXX lại đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) đồng tình với quan điểm là tòa phải xét xử vắng mặt bị đơn trong trường hợp này. Theo ông Sơn, khoản 3 Điều 266 BLTTDS sửa đổi, bổ sung quy định người kháng cáo, người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được tòa triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì việc hoãn xử, đình chỉ xét xử phúc thẩm hay vẫn tiến hành xét xử được thực hiện theo quy định tại các Điều 199, 202, 204, 205, 206 của bộ luật này. Tại điểm b khoản 2 Điều 199 BLTTDS sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp bị đơn hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đã được tòa triệu tập hợp lệ lần thứ hai nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì tòa tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Ngược lại, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cho rằng trong trường hợp phiên phúc thẩm chỉ có bị đơn trong vụ án kháng cáo mà sau khi triệu tập hợp lệ hai lần, bị đơn vẫn vắng mặt thì tòa phải đình chỉ xét xử phúc thẩm. Còn trường hợp vụ án còn có kháng cáo của nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tòa sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn, chỉ đình chỉ phần kháng cáo của bị đơn.

Thẩm phán Hùng viện dẫn điểm a khoản 2 Điều 199 BLTTDS sửa đổi, bổ sung để bảo vệ quan điểm. Theo đó, trường hợp tòa triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Thẩm phán Hùng lý giải khi bị đơn kháng cáo mà nguyên đơn không kháng cáo thì lúc này người kháng cáo từ vị trí bị đơn ở giai đoạn sơ thẩm đã chuyển sang thành nguyên đơn ở giai đoạn phúc thẩm. Lúc này bị đơn kháng cáo phải được hiểu là nguyên đơn có đầy đủ tất cả các quyền và nghĩa vụ phản tố, yêu cầu ngược lại với bên kia. Nguyên đơn ở giai đoạn sơ thẩm lúc này là người liên quan đến việc kháng cáo.

Hậu quả pháp lý khác nhau

Theo nhiều chuyên gia, việc đình chỉ xét xử phúc thẩm hay xử vắng mặt bị đơn kháng cáo sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau.

Về mặt nội dung, nếu đình chỉ xét xử phúc thẩm thì đương nhiên bản án sơ thẩm có hiệu lực. Còn nếu xử vắng mặt thì có ba trường hợp xảy ra là hủy, sửa hoặc giữ nguyên án sơ thẩm.

Về mặt tố tụng, nếu đình chỉ xét xử phúc thẩm thì đó chỉ là quyết định của HĐXX và không mở phiên tòa. Còn nếu tiến hành phiên xử vắng mặt bị đơn kháng cáo thì tài liệu, hồ sơ vụ án sẽ được làm rõ, công khai tại tòa. Như vậy, giải quyết bằng cách đình chỉ xét xử phúc thẩm có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người kháng cáo.

Cần sớm có hướng dẫn chính thức

Gần đây, tập huấn về BLTTDS sửa đổi, bổ sung tại TAND TP.HCM, đại diện Trường Cán bộ tòa án cũng hướng dẫn là gặp trường hợp triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà người kháng cáo, người đại diện theo pháp luật vẫn vắng mặt không có lý do, cũng không có yêu cầu xin xét xử vắng mặt thì coi như họ từ bỏ việc kháng cáo. Tòa phúc thẩm đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của họ.

Tuy nhiên, một số thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho rằng đây chỉ là tài liệu tập huấn để tham khảo. Muốn áp dụng pháp luật thống nhất thì TAND Tối cao cần sớm có hướng dẫn chính thức về đường lối xử lý đối với trường hợp này.

Người kháng cáo, người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì việc hoãn phiên tòa, đình chỉ xét xử phúc thẩm hay vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều 199, 202, 204, 205 và 206 của bộ luật này.

(Theo khoản 3 Điều 266 BLTTDS)

Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

(Theo khoản 2 Điều 199 BLTTDS)

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20120228112523366p0c1063/bi-don-khang-cao-roi-vang-mat-toa-xu-sao.htm