Bị cô lập, Mỹ cố xoa dịu tình hình

Mỹ thực sự đang phải đối phó với tình trạng bị 'cô lập' trong vấn đề Iran khi các nước trong nhóm P5+1...

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Nga, Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Trung Quốc) được ký kết năm 2015

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Nga, Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Trung Quốc) được ký kết năm 2015

Mỹ thực sự đang phải đối phó với tình trạng bị “cô lập” trong vấn đề Iran khi các nước trong nhóm P5+1 (bao gồm: Nga, Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Trung Quốc) kêu gọi chính quyền của ông Donald Trump không nên chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Tehran.

Nhiều cường quốc lên tiếng

Vốn là người chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran kể từ khi còn là ứng viên, nay Tổng thống Donald Trump, thuộc đảng Cộng hòa, đã đưa thỏa thuận này ra Quốc hội Mỹ và có 60 ngày để quyết định việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Mỹ với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, nếu Chính phủ Mỹ không đạt được giải pháp với Quốc hội và các nước đồng minh, thỏa thuận này sẽ bị chấm dứt. Chính quyền ông Trump cho rằng, thỏa thuận hạt nhân ký cùng nhóm P5+1 chỉ có lợi cho Iran và ảnh hưởng nhiều tới lợi ích an ninh của Mỹ. Hiện nay, chưa có nước nào trong nhóm P5+1 muốn ngừng thỏa thuận. Như vậy, Mỹ đang đứng “một mình một chiến tuyến” và lâm vào trạng thái bị cô lập về lập trường.

Gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel nhận định, nếu Mỹ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Tehran, động thái này có thể dẫn đến việc Iran tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và nâng mối đe dọa chiến tranh gần với châu Âu.

Ông Gabriel cho rằng, Tổng thống Trump đã gửi đi tín hiệu “khó khăn và nguy hiểm” trong bối cảnh Mỹ chưa giải quyết xong nỗi đau đầu khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. “Mối lo ngại lớn nhất của tôi, đó là chuyện gì xảy ra tại Iran hoặc với Iran do Mỹ thực hiện sẽ không chỉ là vấn đề trong phạm vi Tehran, mà tạo đà cho nhiều nước trên thế giới đang cân nhắc khả năng mua vũ khí hạt nhân xúc tiến khi những thỏa thuận hạt nhân như vậy đang bị phá hủy”, ông Gabriel nói. “Rồi đây, con, cháu chúng ta sẽ lớn lên trong thế giới vô cùng nguy hiểm”, Ngoại trưởng Đức nói.

Ngoài ra, những động thái trên của Mỹ với Tehran còn trao cho những người có quan điểm cứng rắn của Iran (vốn phản đối đàm phán với phương Tây) thêm một điều kiện nữa để tăng cường quyết tâm của họ. Từ đây, Cộng hòa Hồi giáo Iran “sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân”, điều mà Israel không thể chấp nhận. Lúc đó, thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ cách đây 10-12 năm và mối đe dọa chiến tranh tiến sát hơn về phía châu Âu”, ông Gabriel lo ngại. “Chúng tôi kêu gọi Mỹ không đe dọa an ninh của các đồng minh vì những lý do chính sách nội địa”, Ngoại trưởng Đức nói thêm.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng chỉ trích, quan điểm của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ gây ra nhiều mối quan ngại vô cùng lớn. Quyết định của Mỹ về vấn đề Iran bộc lộ sự thiếu uy tín của Washington. Bình Nhưỡng có thể vin vào lý do này để không đàm phán.

Trung Quốc trước đó cũng từng kêu gọi Mỹ không nên chấm dứt thỏa thuận.

Quan chức Mỹ cố xoa dịu

Trong bối cảnh đó, quan chức như Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Nikki Haley cố xoa dịu lo ngại. Bà Haley khẳng định, Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015. Và “tôi nghĩ ngay lúc này, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì thỏa thuận”, Đại sứ Mỹ chia sẻ trong chương trình “Đối thoại với báo chí” của Đài NBC.

Nhà ngoại giao cấp cao giải thích, Mỹ không nói Iran vi phạm thỏa thuận mà lo ngại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 chưa bao quát hết các hoạt động nước này trong thời gian gần đây như những động thái mua bán vũ khí, tài trợ phiến quân Hezbollah.

Bà Haley đưa ra tuyên bố chỉ trích nói rằng, các nước khác đang “nhắm mắt làm ngơ” cho các hoạt động của Iran để “bảo vệ” thỏa thuận hạt nhân này. Bà cũng khẳng định, Mỹ cần phải cân nhắc phản ứng “thích đáng” với các hoạt động của Tehran trên trường quốc tế. “Mục đích cuối cùng là bắt Iran phải chịu trách nhiệm” cho những hành vi mà Mỹ cáo buộc là đúng đắn.

Theo bà Haley, lý do Mỹ theo dõi sát sao thỏa thuận hạt nhân Iran là vì những căng thẳng leo thang phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson bỏ ngỏ khả năng sẽ thành lập một “thỏa thuận thứ 2” song song với thỏa thuận hiện tại.

Theo một số nhà quan sát, nhiều khả năng Mỹ dùng đòn áp lực đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran để cộng đồng quốc tế buộc phải gia tăng áp lực thêm nữa nhằm vào Triều Tiên hiện nay, bên cạnh đó, Washington cũng muốn Israel được hài lòng bởi Iran và Israel được xem là hai thế lực quyết “không đội trời chung” ở khu vực Trung Đông.

Thiện Tâm

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bi-co-lap-my-co-xoa-diu-tinh-hinh-d229282.html