Bị chê 'nhạt', 'A tourist's guide to love' có gì để 'gây sốt' khán giả?

Dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều, 'A tourist's guide to love' vẫn liên tục lập kỷ lục mới về người xem trên toàn cầu sau hai tuần công chiếu. Điều gì khiến bộ phim được gắn mác 'tình cảm lãng mạn' với mô típ 'cũ kỹ đến thuộc lòng' lại có sức hút đến vậy?

Đề tài “cũ rích”

Chỉ hai tuần sau khi phát hành toàn cầu và độc quyền trên Netflix, bộ phim “A tourist's guide to love” (Hành trình tình yêu của một du khách) đã vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng Top 10 toàn cầu cho phim tiếng Anh với hơn 34,32 triệu giờ xem. “A tourist's guide to love” cũng lọt Top 10 tại 89 quốc gia trên Netflix và xếp hạng 1 tại Canada, Costa Rica, Bulgaria, Phần Lan, Nam Phi, Việt Nam trong 10 ngày cuối tháng 4/2023…

Cặp nam nữ chính Amanda và Sinh Thạch thả đèn hoa đăng tại Hội An. Ảnh: Netflix

Khởi quay tháng 4/2022, “A tourist's guide to love” là bộ phim nước ngoài đầu tiên quay tại Việt Nam kể từ sau đại dịch COVID-19. Bối cảnh của phim cũng gần như được quay hoàn toàn tại Việt Nam.

“A tourist's guide to love” do Steven Tsuchida đạo diễn; kịch bản phim do biên kịch người Mỹ gốc Việt Eirene Tran Donohue đảm nhiệm. Trong phim còn có sự góp mặt của các diễn viên quốc tế: Nhà sản xuất kiêm diễn viên chính Rachael Leigh Cook, nam diễn viên người Mỹ gốc Việt Scott Ly, diễn viên Ben Feldman, Missi Pyle, Glynn Sweet, Alexa Povah, Jacqueline Correa, Nondumiso Tembe... cùng hai diễn viên trong nước: NSƯT Lê Thiện, Quinn Trúc Trần.

Phim kể câu chuyện về Amanda (do Rachael Leigh Cook thủ vai) - một chuyên viên du lịch sống tại Mỹ. Sau cuộc chia tay bất ngờ với người yêu (Ben Feldman đóng), cô tới Việt Nam trong chuyến công tác nhằm thâu tóm đơn vị lữ hành địa phương Saigon Silver Star. Trong cuộc hành trình, Amanda gặp gỡ chàng hướng dẫn viên người Việt điển trai Sinh Thạch (Scott Ly) - người đang cố gắng vực lại công ty của chú mình.

Hai nhân vật chính của phim là hai con người với hai tính cách trái ngược. Amanda thích lập kế hoạch cho mọi chuyện và luôn để ý đến từng tiểu tiết. Trong khi đó, Sinh là người phiêu lưu, luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới và sẵn sàng cho mọi thử thách. Họ cùng nhau thăm các địa danh nổi tiếng ở ba miền của Việt Nam và dần nảy sinh tình cảm.

Câu chuyện về hành trình của Amanda bắt đầu vài ngày trước dịp Tết Nguyên đán, do đó, cô có cơ hội được trải nghiệm nhiều thứ ở Việt Nam, dần dần hiểu rõ hơn về văn hóa lẫn con người nơi đây.

Theo biên kịch Eirene Tran Donohue, phim được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chính bản thân cô. Eirene Trần Donohue đã gặp bạn đời trong một kỳ nghỉ tại Việt Nam sau khi chia tay người yêu. Đến nay, họ đã sống hạnh phúc cùng nhau hơn 22 năm.

Bị chê “biên kịch bởi ChatGPT”

Câu chuyện một phụ nữ đến một quốc gia xa lạ để tìm kiếm làn gió mới trong tình duyên đã được các nhà làm phim Hollywood sử dụng khá nhiều. Được đánh giá là một bộ phim tình cảm lãng mạn với mô típ an toàn, bởi vậy, ngay sau khi công chiếu, “A tourist's guide to love” đã nhận được không ít ý kiến trái ngược từ giới phê bình.

Trong đó, nhiều đánh giá cho rằng chuyện phim còn đơn giản, khuôn sáo, mạch phim đều đều và không có kịch tính leo thang. Dù biên kịch đã cố gắng cài cắm một số cú twist nhưng dễ đoán, ít bất ngờ, khiến người xem rơi vào trạng thái “buồn ngủ”.

Các diễn viên trong “A tourist's guide to love”: NSƯT Lê Thiện, Scott Ly, Rachael Leigh Cook, Quinn Trúc Trần và biên kịch Eirene Tran Donohue (từ trái sang)

Khán giả cũng dễ dàng phát hiện các lỗi logic, chẳng hạn cả bộ phim xoay quanh chuyến đi tới nhiều địa điểm trên khắp Việt Nam nhưng chỉ diễn ra vỏn vẹn vài ngày; các nhân vật di chuyển giữa nhiều tỉnh thành cũng chỉ bằng một chiếc xe bus.

Trong phim, nhân vật nam chính Sinh Thạch có nói với Amanda rằng anh muốn phá bỏ những lựa chọn sáo mòn, để mang đến cho người bạn mình trở thành người khám phá chứ không phải là khách du lịch.

Tuy nhiên, hành trình của họ không khác gì một tour du lịch, hầu như không có khám phá gì mới mẻ. Hình ảnh Việt Nam được thể hiện trên phim vẫn thể hiện góc nhìn cũ kỹ với những chiếc xích lô, ruộng lúa… giống như cái nhìn khuôn sáo của người phương Tây về con người, văn hóa Việt Nam bấy lâu nay.

Biên kịch phim cũng bị chê “yếu tay” trong cách tạo tình huống tương tác về cảm xúc cho các nhân vật, nên câu chuyện tình của Sinh Thạch và Amanda thiếu thuyết phục. Scott Ly bị cho là diễn xuất chưa tốt, tính cách của nhân vật khá sáo rỗng, khiến nhân vật Sinh Thạch dường như chìm nghỉm trong phim...

Nói chung, sự khuôn sáo này có thể tìm thấy cả trong nội dung lẫn phương thức thể hiện, khiến tờ New York Times nhận xét đây là một bộ phim tình cảm cũ kỹ đến “thuộc lòng”. Thậm chí họ còn đưa ra bình luận: “Bộ phim này dường như được lên ý tưởng và biên kịch bởi ChatGPT”.

Việt Nam “không chỉ có chiến tranh”

Tuy nhiên, “A tourist's guide to love” vẫn có những điểm sáng. Với bối cảnh quay xuyên suốt tại nhiều địa điểm ở Việt Nam: TP Hồ Chí Minh, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Hà Giang, Hà Nội... dọc dài đất nước, nơi đâu cũng có cảnh đẹp để du khách có thể trải nghiệm.

Đạo diễn rất chú trọng đầu tư phần hình ảnh để làm nổi bật vẻ đẹp đó của Việt Nam. Các khung hình được tính toán, sắp đặt hợp lý để mang đến cho người xem những cảnh quay đẹp nhất. Màu sắc cũng được cân chỉnh vừa phải, mang lại không khí nhẹ nhàng phù hợp với câu chuyện tình lãng mạn. Xem phim, khán giả có thể chưa hài lòng với sự thể hiện cảm xúc giữa hai nhân vật chính nhưng chắc chắn khó rời mắt khỏi các khung hình thiên nhiên đẹp mắt, ấn tượng.

Không chỉ có cảnh vật thiên nhiên, cuộc sống, văn hóa bản địa của từng vùng miền cũng hiện ra thu hút, với vô vàn câu chuyện đặc sắc. Những phố phường tấp nập xe cộ, những cảnh buôn bán, cảnh sinh hoạt thường ngày ở những góc phố nhỏ của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có lẽ đã thành đặc trưng để cho những nhà làm phim khai thác.

Cảnh Amanda “gặp khó” khi sang đường hay câu chuyện “bắt chẹt” khách du lịch, “màn” mặc cả khi mua bán đã được biên kịch khéo léo lồng ghép vào bộ phim khiến khán giả khi xem phim thấy thú vị và gần gũi. Hình ảnh nhân vật chính người nước ngoài mặc áo dài Việt Nam hay cảnh đánh bóng lư đồng chuẩn bị Tết, thả đèn, thắp hương, ăn Tết cũng được khai thác ở mức khá ổn. Trong phim còn lồng ghép khá nhiều những món ăn Việt, đặc trưng ẩm thực Việt, như gỏi cuốn, khô bò, mâm cỗ Tết với những góc quay mới lạ, thể hiện được sự hấp dẫn của ẩm thực Việt…

Nhìn chung, “A tourist's guide to love” vẫn truyền tải được cảm xúc trọn vẹn đến khán giả, bật lên được vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam trong thời lượng gói gọn hơn 1 giờ.

Cảnh ngồi xích lô của Scott Ly và Rachael Leigh Cook trong “A tourist's guide to love”. Ảnh: Netflix

Hình ảnh hậu trường phim “A tourist's guide to love” được nhà sản xuất công bố. Ảnh: Netflix

Rachael Leigh Cook trong vai chính Amanda. Ảnh: Netflix

Chia sẻ về “A tourist's guide to love”, biên kịch Eirene Tran Donohue cho biết, bản thân cô đã lớn lên trong bối cảnh mà không có một bộ phim Hollywood nào về Việt Nam mà không đề cập đến chiến tranh. Bộ phim này có bối cảnh quay chính tại Việt Nam nhưng không phải là một câu chuyện về thời chiến mà đó là một câu chuyện tình yêu và xứng đáng được cả thế giới xem và tôn vinh. Cô hy vọng rằng bộ phim này có thể giúp thay đổi nhận thức trên toàn thế giới và mang đến cơ hội giúp nhiều câu chuyện về Việt Nam được kể hơn nữa.

Còn Rachael Leigh Cook - nữ diễn viên chính kiêm nhà sản xuất - cho hay, cô vô cùng ngạc nhiên trước sự độc đáo trong mọi ngóc ngách của Việt Nam. Ấn tượng nhất là cảnh quan thiên nhiên, các món ăn, cà phê và đặc biệt là con người Việt Nam với vẻ đẹp tự nhiên, chân thành và tốt bụng. Chuyến đi tới Việt Nam đối với cô là một khoảnh khắc tuyệt vời.

“Chúng tôi đã giới thiệu về đất nước các bạn đủ tốt và sẽ làm cho các bạn tự hào. Đất nước của các bạn đã dành cho chúng tôi quá nhiều tình yêu và chúng tôi cũng mang tới một câu chuyện tình yêu trong bộ phim này”. Rachael Leigh Cook chia sẻ.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bi-che-nhat-a-tourists-guide-to-love-co-gi-de-gay-sot-khan-gia-post247696.html