Bí ẩn về những con sóng ma – nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người đi biển

Đối với những người đi biển, sóng ma luôn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng và khủng khiếp với họ. Bởi sóng ma xuất hiện đột ngột như một hung thần, không thể đề phòng cũng không thể lý giải. Sức mạnh của nó có thể nhấn chìm nhiều tàu thuyền lớn.

Sóng ma thường xuất hiện đột ngột không vì lý do gì và rất khó dự đoán hay phát hiện. Ảnh: sixfeetgalerie

Khác với những con sóng thần được sinh ra từ các vụ động đất hoặc trượt đất dưới đáy biển, sóng ma thường xuất hiện đột ngột không vì lý do gì và rất khó dự đoán hay phát hiện. Nó lớn hơn bất cứ con sóng nào khi có thể cao tới hàng chục mét.

Trước đây, người ta không thể giải thích nổi vì sao biển đang yên bình bỗng bất ngờ xuất hiện những cột sóng cao tới mấy chục mét mà không có dấu hiệu gì. Và họ cho rằng sóng ma là không có thật, chỉ là sự tưởng tượng của những người thích phiêu lưu và ưa mạo hiểm.

Các nhà khoa học Anh đã tìm ra những bằng chứng khá thuyết phục về sự hiện hữu của sóng ma. Ảnh: rare-gallery

Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học Anh đã tìm ra những bằng chứng khá thuyết phục về sự hiện hữu của sóng ma.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh đã tạo ra một con sóng ma trong phòng thí nghiệm. Con sóng ma này hoàn toàn giống với miêu tả trong tranh vẽ - tác phẩm "The Great Wave" (tạm dịch "Con sóng khổng lồ" - một bản in khắc gỗ có từ đầu những năm 1800) của Nhật Bản. Nghệ sĩ Nhật Bản Katsushika Hokusai đã mô tả con sóng khổng lồ đe dọa 3 con tàu trong tác phẩm này.

"The Great Wave" của nghệ sĩ Nhật Bản Katsushika Hokusai mô tả con sóng khổng lồ đe dọa 3 con tàu. Ảnh: artsy.net

Cụ thể, một trong những con tàu lớn nhất thế giới - tàu chở dầu khổng lồ Munchen của Đức, đã bất ngờ bị chìm vào năm 1978. Nhiều người cho rằng vì gặp sự cố kỹ thuật nên con tàu mới gặp thảm họa như vậy. Thời tiết xấu trên biển cũng được cho là lý do khiến con tàu gặp nạn.

Tàu chở dầu khổng lồ Munchen của Đức, đã bất ngờ bị chìm vào năm 1978. Ảnh: africaports

Nhưng khi phân tích những mảnh vỡ của nó, các nhà khoa học Anh thấy rằng con tàu đã bị tấn công bởi một lực lớn khủng khiếp, ập từ trên cao xuống. Rất có thể đấy là một con sóng ma.

Một trường hợp khác xác định có sự xuất hiện của sóng ma là vào ngày 1/1/1995. Một con sóng khổng lồ đã tấn công giàn khoan dầu Draupner ngoài khơi Na Uy.

Các công nhân làm việc tại giàn khoan dầu được lệnh trú ẩn vào trong để tránh con sóng có thể cao đến 12m. Thực tế, hệ thống theo dõi tầm xa ghi lại được con sóng đó cao đến 26m.

Kể từ năm 1990, 20 tàu đã bị sóng đánh vào bờ biển Nam Phi một cách khó hiểu. Những cơn sóng ma được cho nguyên nhân là gây ra những vụ việc này.

Các nhà khoa học cho rằng sóng ma xuất hiện trong những trường hợp đặc biệt, khi sóng thủy triều kết hợp với các cơn gió mạnh bất chợt. Ảnh: itboat

Trên thế giới hiện nay, cứ mỗi tuần lại có một con tàu nhỏ bị nhấn chìm một cách hết sức khó hiểu. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chúng đều bị tấn công bởi các con sóng ma đơn lẻ, đột ngột trồi lên từ đáy biển. Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cũng cho thấy những con sóng ma là hoàn toàn có thật.

Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho rằng sóng ma xuất hiện trong những trường hợp đặc biệt, khi sóng thủy triều kết hợp với các cơn gió mạnh bất chợt, tạo ra một khu vực nhỏ "bất thường".

Một tàu buôn trên biển trước con sóng lớn lờ mờ xuất hiện phía trước ở Vịnh Biscay, năm 1940. Ảnh: Wikipedia

Khu vực này nhanh chóng cuốn các con sóng "bình thường" khác vào nó, "nuốt" năng lượng của chúng để tạo ra một cột sóng lớn. Cột sóng này chỉ xuất hiện đơn lẻ, ào lên một lần rồi bị hóa giải ngay. Quá trình này xảy ra rất nhanh, khiến con người hầu như không kịp phản ứng.

Trong khi đó, sóng thần là một loạt các đợt sóng tạo nên khi một thể tích lớn của nước đại dương bị chuyển dịch chớp nhoáng trên một quy mô lớn.

Động đất cùng những dịch chuyển địa chất lớn bên trên hoặc bên dưới mặt nước, núi lửa phun và va chạm thiên thạch đều có khả năng gây ra sóng thần. Sóng thần khởi phát từ dưới đáy biển sâu; khi còn ngoài xa khơi, chiều cao sóng khá nhỏ nhưng chiều dài của cơn sóng lên đến hàng trăm kilômét.

Sóng thần tấn công thành phố Miyako sau trận động đất 9,0 độ richter ở Nhật Bản. Trận sóng thần này đã khiến hơn 15.000 người chết. Ảnh: Reuters

Hơn 1.500 người chết ở Rikuzentakata, một trong nhiều thị trấn bị sóng thần tàn phá ở Nhật Bản. Ảnh: nationalgeographic

Việc nghiên cứu sóng ma rất có ý nghĩa. Nó giúp các nhà khoa học thiết kế những con tàu có thể chống lại những con sóng bất ngờ như vậy. Bên cạnh đó có thể sớm dự đoán khi nào những con sóng ma sẽ xuất hiện để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển.

N.Cường

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/bi-an-ve-nhung-con-song-ma-noi-am-anh-kinh-hoang-cua-nhung-nguoi-di-bien-17923032815483432.htm