Bí ẩn về lực lượng không quân Taliban

Cuối tháng 8/2021, Taliban hoàn toàn kiểm soát đất nước Afghanistan sau những cuộc tấn công tổng lực. Trong số những thiết bị chiến tranh mà quân đội chính phủ Kabul bỏ lại, có hàng chục máy bay vẫn còn nguyên vẹn. Đầu năm 2022, Taliban thành lập Lực lượng Không quân các tiểu vương quốc Hồi giáo (IEAF). Từ đó đến nay, câu hỏi mà nhiều chuyên gia quân sự thế giới đặt ra là Taliban đã làm gì với những chiến lợi phẩm đắt giá này?

Những chiến lợi phẩm đắt giá

Chỉ hơn 1 tháng sau khi những người lính Mỹ đầu tiên rút khỏi Afghanistan, lực lượng không quân của Chính phủ Afghanistan (AAF) bắt đầu suy sụp.Nhiều nhà thầu nước ngoài bao gồm những chuyên gia trụ cột giúp duy trì hoạt động của AAF cũng rời đi. Nó dẫn đến hệ quả là từ tháng 3/2021 cho đến ngày Afghanistan sụp đổ, khả năng hoạt động của AAF chỉ còn 30% so với trước đó.

Trực thăng Mi-7 với biểu ngữ ca ngợi Taliban trên bầu trời Kabul.

Trực thăng Mi-7 với biểu ngữ ca ngợi Taliban trên bầu trời Kabul.

Thời điểm ấy, AAF có tất cả 167 máy bay, trong đó 136 chiếc đang hoạt động nhưng đến ngày 15/8/2021, ngày mà Taliban tràn vào Kabul, các phi công của AAF với 46 máy bay đã thoát được đến sân bay Termez ở Uzbekistan, 18 chiếc khác hạ cánh xuống Tajikistan, mang theo hơn 500 người gồm phi công và các nhân viên kỹ thuật. Những người còn lại không chạy kịp thì tìm cách lẩn trốn hoặc thoát thân theo đường bộ, một số khác ra hàng Taliban.

Gần 4 tháng sau ngày chiếm được Kabul, thống kê do Taliban công bố hồi tháng 1/2022 cho thấy họ sở hữu 81 máy bay, trong đó có 41 chiếc vẫn đang hoạt động. Tờ Sao và Vạch (Stars & Stripes) là tờ báo của quân đội Mỹ cho biết, 1 tuần trước ngày Kabul sụp đổ, một nhóm đặc nhiệm gồm 100 lính thủy Mỹ được giao nhiệm vụ phá hủy tất cả những máy bay quân sự của AAF còn lại tại sân bay quốc tế Kabul. Vì không được phép sử dụng chất nổ hoặc chất cháy nên họ đã đập nát những bộ phận quan trọng của máy bay bằng… búa tạ.

Thiếu tá Frank Kessler, trưởng nhóm đặc nhiệm tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng người của ông đã phá hỏng 73 máy bay các loại nhưng không đi vào chi tiết rằng đó là những loại gì. Nếu tin vào lời của Frank Kessler thì Taliban chỉ còn… 8 máy bay.

Nhưng cũng trong tháng 1/2022, các quan chức Taliban tuyên bố họ có kế hoạch thành lập lực lượng không quân và điều đó chứng tỏ vẫn còn một số máy bay có thể sử dụng. Bằng cách ân xá đồng thời kêu gọi những kỹ thuật viên của chế độ cũ quay lại làm việc, đến tháng 3 Taliban đã thành công khi 1 trong 3 trực thăng HAL Cheetal do Ấn Độ chế tạo và viện trợ cho Chính phủ Kabul nổ máy cất cánh nhưng theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến tranh Mỹ ISW, nó bay được chẳng qua là tháo phụ tùng của chiếc này lắp sang chiếc kia.

Ngoài trực thăng HAL Cheetal, chiến lợi phẩm của Taliban còn có trực thăng chiến đấu Black Hawk UH-60 của Mỹ, trực thăng vũ trang Mi-8, Mi-7, Mi-24 của Nga, máy bay phản lực huấn luyện L-39 Albatros của Tiệp Khắc, máy bay ném bom hạng nhẹ A-29 Super Tucanos và đặc biệt hơn cả là 1 vận tải cơ C-130 Hercules của Mỹ cùng 1 chiếc vận tải An-32 của Nga. Điều khó hiểu với thế giới bên ngoài là khả năng của IEAF trong việc bảo trì động cơ và các thiết bị điện tử tiên tiến. Họ làm chuyện đó bằng cách nào?

Một trong 3 chiếc trực thăng HAL Cheetal được Taliban tuyên bố đã phục hồi thành công.

Một trong 3 chiếc trực thăng HAL Cheetal được Taliban tuyên bố đã phục hồi thành công.

Trước khi Taliban tiến vào Kabul, việc bảo trì những loại máy bay như UH-60 và C-130 đều do các nhà thầu Mỹ thực hiện, còn những loại trực thăng Nga như Mi-8, Mi-7 và Mi-24 thì phần lớn do người Afghanistan đảm nhận bởi lẽ sau 10 năm hiện diện ở Afghanistan (1979-1989) người Nga đã đào đạo một đội ngũ nhân viên bản xứ lành nghề. Vì thế, khi kiểm soát toàn bộ Afghanistan, những chiếc máy bay đầu tiên cất cánh do phi công IEAF cầm lái đều có xuất xứ từ Nga.

Một tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Taliban cho thấy từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, đã có hơn 50 máy bay được khôi phục. Nó chứng minh bằng những hình ảnh và video khi Afghanistan xảy ra trận động đất kinh hoàng hồi tháng 6, trực thăng Mi-7 đã hạ cánh xuống những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai để đưa người bị thương vào bệnh viện.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh Mỹ ISW, với những loại máy bay do Mỹ sản xuất bị bỏ lại ở Afghanistan, rất có thể Taliban đã thuê chuyên gia nước ngoài. Một hình ảnh rò rỉ cho thấy một người phương Tây, không rõ là người nước nào nhưng qua cách ăn mặc và nhất là cái mũ kê-pi đội trên đầu thì có thể đó là phi công, đứng cùng các thợ máy Afghanistan bên cạnh một chiếc trực thăng.

Một hình ảnh khác cũng cho thấy một nhóm đặc nhiệm Taliban đang chuẩn bị lên chiếc vận tải cơ C-130 trong một nhiệm vụ được cho là tiến vào thung lũng Panshir, nơi vẫn còn những nhóm nhỏ quân kháng chiến hoạt động nhưng phía Pakistan cho biết trong suốt thời gian từ tháng 9/2021 đến nay, hệ thống radar trinh sát đường không của quốc gia này không ghi nhận sự xuất hiện của bất kỳ một chiếc C-130 nào trên không phận Afghanistan mà không mở bộ phát đáp nên điều đó có thể là bức ảnh được chụp với mục đích tuyên truyền, khoe mẽ.

Vẫn theo ISW, việc thuê phi công để huấn luyện bay là việc không khó lắm. Trước đó, một lãnh đạo Taliban tuyên bố 4.300 cựu quân nhân AAF, bao gồm 33 phi công đã gia nhập IEAF theo lệnh ân xá của Taliban. Và mặc dù Taliban không có nhiều chi nhánh ở nước ngoài như Al-Qaeda hay IS nhưng tại Pakistan, họ có TTP (Tehrik-i-Taliban Pakistan - thường được gọi là Taliban Pakistan), thành lập năm 2007 bởi Baitullah Mehsud và hiện tại, nó được lãnh đạo bởi Noor Wali Mehsud, người đã công khai cam kết trung thành với Taliban Afghanistan.

Thông qua TTP, Taliban có thể tuyển dụng một số cựu phi công ở các quốc gia Nam Á, Trung Đông để đào tạo cho người của họ vì những nước này hiện vẫn đang sở hữu một số loại máy bay do Mỹ chế tạo như trực thăng UH-60, máy bay vận tải C-130. Bill Chesterfield, chuyên gia phân tích tình báo của ISW nói: “Quy luật cung cầu cho thấy nếu bạn trả nhiều tiền thì sớm muộn gì cũng có người đến làm cho bạn”.

Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ phi công hay nhân viên kỹ thuật mà là linh kiện thay thế vì đặc thù của ngành hàng không là tất cả các thiết bị trên máy bay sau một số giờ bay nhất định nào đó, buộc phải thay mới hoặc đại tu dù nó chưa hư hỏng. Robert Clack thuộc tạp chí hàng không Aviation Weekly cho biết với loại trực thăng UH-60, hay máy bay C-130, Taliban rất khó để tìm linh kiện radar, phụ tùng cho động cơ mặc dù vài quốc gia đã thành công trong việc “làm nhái”. Robert Clack nói: “Không có gì ngạc nhiên sau khi chính quyền Kabul sụp đổ, một đội ngũ tương đối lớn các chuyên gia quân sự thuộc nhiều lĩnh vực bao gồm cả phi công, thợ máy, người điều khiển radar sẵn sàng làm việc cho Taliban để đổi lấy sự an toàn cho bản thân và gia đình nhưng điều này chỉ giúp IEAF cầm cự một thời gian ngắn trước khi phần lớn máy bay biến thành “loài bò sát” - nghĩa là nằm im dưới đất chứ không bay được”.

Cho đến tháng 8/2022, số máy bay được nhìn thấy trên không phận Afghanistan vẫn chỉ là trực thăng Nga. Có tin nói rằng Taliban đã phục hồi thành công chiếc máy bay vận tải quân sự An-32 số hiệu 350 cũng do Nga sản xuất nhưng không một nguồn tin độc lập nào xác nhận chuyện này ngoại trừ hình ảnh do Taliban công bố cho thấy nó đã được sơn mới. Theo tạp chí hàng không Aviation Weekly, An-32 “350” được Liên Xô chuyển cho chính quyền của Tổng thống Mohammad Najibullah vào năm 1987.

Đặc nhiệm Taliban chuẩn bị lên máy bay C-130, nhưng giới quan sát phương Tây cho rằng đó là ảnh chụp chỉ để khoe mẽ.

Đặc nhiệm Taliban chuẩn bị lên máy bay C-130, nhưng giới quan sát phương Tây cho rằng đó là ảnh chụp chỉ để khoe mẽ.

Năm 1989, Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan. Năm 1992, Taliban tiến vào Kabul, lật đổ Tổng thống Mohammad Najibullah thì phi hành đoàn của chiếc An-32 đã lái nó đến Uzbekistan rồi giao nó cho lực lượng nổi dậy của tướng Dostum để tránh bị Taliban tịch thu. Năm 2001, Mỹ và đồng minh đưa quân vào Afghanistan, xóa sổ chính quyền Taliban, An-32 được tướng Dostum giao cho Lực lượng Không quân quốc gia Afghanistan sử dụng.

Đến đầu tháng 9/2021, Taliban một lần nữa kiếm soát toàn bộ đất nước, chiếc An-32 lại thuộc về Taliban. Một thợ máy chính của Không quân quốc gia Afghanistan, người đã được Liên Xô đào tạo để bảo trì chiếc An-32 nói: “Đầu tháng 8/2021, máy bay An-32 cần phải thay thế tất cả các bộ bơm phun nhiên liệu trong động cơ. Tôi không rõ Taliban đã tìm được nguồn cung cấp hay chưa nhưng hiện tại, tôi tin rằng nó có thể nổ máy nhưng bay được hay không thì vẫn còn là dấu hỏi”.

Để dẫn chứng, người thợ máy chính này cho biết trước khi ông đào thoát khỏi Afghanistan, đã có 3 tai nạn hàng không xảy ra. Tháng 1/2022, một trực thăng MD-530 do Mỹ chế tạo rơi xuống một hồ nước gần thành phố Kandahar, phi công thiệt mạng. Đến tháng 6, một trực thăng Nga Mi-8 rơi ở tỉnh Jowzjan và gần đây nhất là tháng 9, một chiếc UH-60 bị rơi trong một chuyến bay huấn luyện gần Kabul. Đây cũng chính là chiếc MH-60 do Mỹ sản xuất mà Taliban tuyên truyền rầm rộ rằng “đã làm chủ kỹ thuật bảo trì và sử dụng máy bay Mỹ”. Ngoài những tai nạn này, còn có một chiếc Mi-8 bị hư hại do hỏa lực của Mặt trận kháng chiến quốc gia chống Taliban bắn trúng, phải hạ cánh khẩn cấp tại tỉnh Panjshir.

Bên cạnh những loại máy bay kể trên, Taliban còn thu giữ một số máy bay trinh sát không người lái Scan Eagle 2 của hãng Boeing, Mỹ chế tạo, trước kia do quân đội Chính phủ Kabul sử dụng. Một video công bố trực tuyến vào tháng 5/2022 cho thấy Quân đoàn Omari 217 của Taliban ở tỉnh Kunduz đã đưa được ít nhất một chiếc ScanEagle 2 trở lại bầu trời nhưng hiệu quả vận hành vẫn chưa biết rõ.

Thiếu tá Bronson, phi công điều khiển máy bay không người lái Scan Eagle 2 thuộc Lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ cho biết, để chiếc Scan Eagle 2 bay được thì chẳng khác gì thả một con diều nhưng để nó thực hiện những chức năng như trinh sát, phóng tên lửa là việc bất khả thi: “Scan Eagle 2 được dẫn đường bằng mạng vệ tinh GPS kết hợp với hệ thống hồng ngoại đánh dấu mục tiêu. Sau khi những máy bay này vào rơi vào tay Taliban, chắc chắn Bộ Quốc phòng Mỹ đã vô hiệu hóa mạng lưới điện tử nên nó chỉ có thể bay để khoe khoang, tuyên truyền”.

Theo các chuyên gia quân sự, hiện tại sức mạnh của IEAF vẫn không thể so sánh với lực lượng không quân các nước lân cận như Pakistan, Iraq, Uzbekistan…, ngoại trừ họ có 600 triệu USD để mua sắm các cơ phận cần thiết nhưng đó là điều không tưởng. Hy vọng duy nhất của các nhà lãnh đạo Taliban là có được sự giúp đỡ của một quốc gia đã công nhận họ.

Ông Morrison, nhà phân tích hàng đầu của ISW, cho rằng nếu có quốc gia đó sẽ phải cân nhắc nếu muốn chìa bàn tay ra bởi lẽ với những chính sách cai trị hà khắc cũng như cố tình làm ngơ để Al-Qaeda sử dụng lãnh thổ Afghanistan hoạt động khủng bố thì hầu như cả thế giới đều quay lưng với đất nước này.

Và như vậy, trong một tương lai gần, sự phát triển của IEAF vẫn là điều bí ẩn…

Vũ Cao (Theo Inside Politics)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/bi-an-ve-luc-luong-khong-quan-taliban-i673742/