Bí ẩn linh vật tại kinh đô Trà Kiệu xưa

Trà Kiệu được coi là 'kinh thành Sư Tử' của vương quốc Champa. Cuộc khai quật của Trường Viễn Đông Bác Cổ những năm 1927 đã mở ra những bí ẩn chìm khuất cách đây cả nghìn năm.

Phù điêu chim thần Garuda và rắn thần Naga thể hiện sự hòa hợp tại di tích Trà Kiệu.

Trong số hàng nghìn hiện vật khảo cổ, hai linh vật mang tên chim thần Garuda và rắn thần Naga được cả thế giới quan tâm. Tầm quan trọng của hai linh vật gắn với sự giao thoa văn hóa – tôn giáo, đã và đang là thách thức với các chuyên gia khảo cổ.

Ngoài các di chỉ văn hóa Chăm, vùng đế đô xưa còn chứa các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, đầy lôi cuốn với những ai muốn soi rọi lại quá khứ của hàng nghìn năm trước.

Độc bản phù điêu

Theo Bảo tàng Lịch sử TPHCM, phù điêu chim thần Garuda và rắn thần Naga được nhà khảo cổ học người Pháp J.Y Clayes khai quật ở khu Tháp Lớn (Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam) vào năm 1926 - 1927.

Năm 1931, bức phù điêu này được đưa về kho khảo cổ học của Bảo tàng Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Sau đó, hiện vật được chuyển về Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử TPHCM). Hiện nay, hiện vật mang số kiểm kê BTLS.5980 và được trưng bày tại phòng Văn hóa Champa.

Bức phù điêu được làm bằng đá sa thạch, có chiều cao 1,22m, rộng 1,06m. Trung tâm của bức phù điêu là hình tượng chim thần Garuda với hình thể săn chắc, cơ bắp mạnh mẽ, đôi cánh xòe rộng, phía dưới là đóa hoa sen đang nở rộ.

Chim thần đội mũ Mukuta có 3 tầng kết lá hình mũi giáo, hai tai đeo trang sức, phần cổ mang hai vòng chuỗi. Nổi bật phía sau là hình tượng rắn thần Naga với 5 đầu vươn lên làm vành đỡ cho toàn bộ khối phù điêu. Phù điêu được thể hiện với vành ngoài bao quanh hình lá bồ đề.

Có thể thấy rằng, hình tượng chim thần Garuda và rắn thần Naga là chủ đề rất phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa và được thể hiện với nhiều phong cách khác nhau.

Theo các chuyên gia tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, ở phế tích Tháp Mẫm (Bình Định) phong cách nghệ thuật từ các hiện vật thu thập được có nét chung ở tính phức tạp, nhiều chi tiết. Tuy nhiên, hiện vật thường khuôn mẫu, ít mềm mại, linh hoạt nếu so sánh với các giai đoạn trước.

Hình tượng Garuda và Naga chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer với hình thể toàn thân, mình đeo nhiều trang sức, mặc một bộ áo giáp… như lời nhận xét của Jean Boisselier – học giả chuyên nghiên cứu nghệ thuật Champa – trong công trình “Nghệ thuật tạo tượng Champa”, thì: “Tất cả những tượng động vật trong phong cách Tháp Mẫm đều ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc Khmer”.

Cù Lao Chàm - nhà thờ Trà Kiệu - thánh địa Mỹ Sơn cùng nằm trên một đường thẳng.

“Phá vỡ” truyền thuyết hận thù

Kinh đô Trà Kiệu là một tổng thể không thể thiếu trong nền văn minh, văn hóa Á Đông. Đặc biệt với văn minh Champa là kinh đô – lăng miếu, thánh địa, đền đài để thờ cúng các tiên vương, chư thần. Theo nghiên cứu của GS.TS Trần Quốc Tý, nếu nhìn từ Cù Lao Chàm - nhà thờ Trà Kiệu - và thánh địa Mỹ Sơn sẽ thấy các địa danh này nằm trên một đường thẳng theo đường chim bay.

Dù là độc bản, bức phù điêu chim thần Garuda và rắn Naga ở Trà Kiệu lại có những đặc điểm riêng, với chim thần Garuda thường được tạo tác với dạng bán thân, hình thể đơn giản, các chi tiết trang trí không quá cầu kỳ. Tuy nhiên, bức phù điêu để lại những thông điệp lạ lùng, thú vị, trái ngược hoàn toàn với truyền thuyết.

Sau thời gian dài giải mã, các chuyên gia khảo cổ Việt Nam phát hiện các bí ẩn rất đáng chú ý. Thứ nhất: Trong các chủ đề truyền thống của Hindu giáo, rắn thần Naga với các đầu xòe thành chiếc tán rộng chỉ xuất hiện khi kết hợp cùng thần Brahma, thần Vishnu.

Sự xuất hiện của Naga trong tư thế vươn cao và xòe đầu để che chở cho chim thần Garuda là một sự kết hợp đặc biệt và hiếm hoi được ghi nhận.

Thứ hai là sự kết hợp giữa Garuda và Naga còn thể hiện cho quan niệm hòa hợp âm dương. Chim thần Garuda là tượng trưng của Mặt trời, không khí và lửa thuộc cõi dương.

Rắn thần Naga là tượng trưng của đất và nước thuộc về cõi âm. Hình ảnh hòa thuận giữa chim thần Garuda và rắn thần Naga trong bức phù điêu ở Trà Kiệu chính là thể hiện cho sự tồn tại của thuyết âm dương, của vạn vật tồn tại trong vũ trụ.

Cuối cùng, theo thần thoại Ấn Độ thì chim thần Garuda và rắn thần Naga luôn có mối bất hòa sâu sắc trong quá khứ. Mẹ của Garuda bị mẹ của Naga bắt làm nô lệ và sỉ nhục, vì vậy Garuda luôn bắt rắn Naga để ăn thịt hoặc để hầu hạ mình.

Cũng có truyền thuyết kể rằng, mẹ rắn Naga đã ăn thịt mẹ chim Garuda. Cho nên chim Garuda thường được tạc với hình ảnh đang dùng mỏ cắn, dùng chân có móng sắc nhọn đè nát những con rắn để trả thù. Bởi thế, trong phần lớn các tác phẩm điêu khắc về hai con vật này, luôn thể hiện chúng trong tư thế giao chiến với nhau.

Trong khi đó, bức phù điêu ở Trà Kiệu lại thể hiện hình tượng Garuda và Naga với gương mặt hòa thuận và đang ở cùng một phía, nhìn về cùng một hướng.

Hình tượng này kết hợp cùng hình ảnh lá bồ đề của Phật giáo đã chứng minh cho sự đồng hành của Hindu giáo và Phật giáo trong nền văn hóa Champa xưa. Đồng thời, hình ảnh hòa hợp của hai linh vật cũng “phá vỡ” các truyền thuyết hận thù.

Các nhà khảo cổ thuộc Bảo tàng Lịch sử TPHCM đi đến kết luận: Sự giao thoa của Hindu giáo và Phật giáo đã làm cho các nghệ nhân mạnh dạn thoát ra khỏi quy tắc khuôn mẫu truyền thống để sáng tạo nên hình tượng mới, như trường hợp của bức phù điêu này.

Từ đó cho thấy, kinh đô Trà Kiệu - “kinh thành Sư Tử” bên sông Thu Bồn từng chứa đựng một nền văn minh rực rỡ. Ở đó không chỉ phát triển về mặt kinh tế - xã hội, mà còn là mảnh đất giao thoa văn hóa và tôn giáo lớn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/bi-an-linh-vat-tai-kinh-do-tra-kieu-xua-bz3c2szng.html