Bị AI 'đánh rớt' ngay từ vòng nộp hồ sơ xin việc

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp các nhà tuyển dụng Mỹ sàng lọc hồ sơ ứng tuyển. Tuy nhiên, nhiều ứng viên đủ tiêu chí vẫn bị đánh rớt do nhiều lỗ hổng trong thuật toán.

Trước khi nhà tuyển dụng tiếp cận được hồ sơ, AI là “người” sẽ quyết định xem CV của một ứng viên có đủ tiêu chí để bước tiếp vào vòng trong hay không.

Tuy nhiên, nhờ luật tuyển dụng có liên quan đến AI mới ban hành, giờ đây, nhiều công ty tại New York (Mỹ) đã mở rộng sự lựa chọn cho ứng viên. Theo đó, họ có thể yêu cầu từ chối trí tuệ nhân tạo xem hồ sơ xin việc của mình.

“Hãy đánh dấu vào ô này nếu bạn muốn CV không bị quét bởi người máy”, một tùy chọn hiển thị lên khi Jennifer Maravegias nộp đơn ứng tuyển trực tuyến, khiến cô bất ngờ.

Lỗ hổng thuật toán khiến CV của một số ứng viên đủ tiêu chuẩn bị loại trừ. Ảnh minh họa: RDNE Stock project/Pexels.

Không chỉ New York, xu hướng này cũng bắt đầu xuất hiện ở các thành phố khác, theo Wall Street Journal.

Các công ty lớn thường sử dụng các phần mềm tự động hóa để duyệt đánh giá đơn ứng tuyển việc làm, bởi số lượng CV quá nhiều để xét duyệt thủ công từng cái.

Các thuật toán giúp tiết kiệm thời gian, nhưng vẫn có những sai sót không đáng có, như vô tình loại trừ ứng viên đủ năng lực hoặc tạo ra sự thiên vị không chủ ý trong các quyết định tuyển dụng.

Luật về tuyển dụng mới của New York đồng thời là luật đầu tiên ở Mỹ mang lại sự minh bạch về vai trò của ứng dụng phần mềm trong quy trình xin việc.

Cụ thể, sau khi ban hành luật, bất kỳ nhà tuyển dụng nào của công ty có trụ sở tại New York đều cần tiết lộ bước tuyển dụng có sự can thiệp của AI, và đưa ra tùy chọn cho phép ứng viên từ chối việc đánh giá đó.

Tuy nhiên, theo các luật sư và nhà nghiên cứu về việc làm, từ chối AI xét duyệt hồ sơ không đồng nghĩa với việc con người sẽ thay trí tuệ nhân tạo và xem xét những CV đó.

Cũng như Maravegias, nhiều ứng viên vẫn không hiểu việc họ từ chối AI có ý nghĩa gì. Đến nay, Maravegias vẫn thất nghiệp. Cô không rõ liệu các thuật toán có ảnh hưởng gì đến cơ hội việc làm của mình hay không.

Jeff Sepeta lo lắng AI đánh giá sai về kinh nghiệm việc làm của ông trong CV. Ảnh: Jeff Sepeta.

Lo lắng về AI

Theo một cuộc khảo sát năm 2023 của Pew, tổ chức nghiên cứu cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, dư luận, các xu hướng nhân khẩu học tại Mỹ và thế giới, có 2/3 người lao động tại Mỹ không muốn ứng tuyển vào công ty sử dụng AI để tuyển dụng. Quan điểm này diễn ra mạnh mẽ hơn ở phụ nữ.

Jeff Sepeta, giám đốc công nghệ thông tin ở Chicago (bang Illinois, Mỹ), người thường xuyên thay đổi công việc, bày tỏ nỗi lo lắng AI sẽ “hiểu lầm” tiêu cực về các công việc ngắn hạn của anh, đặc biệt là khi ứng tuyển vào các vị trí không phải là nhà thầu.

"Ít nhất khi đối mặt với con người, tôi còn có thể giải thích được", anh nói.

Theo Đạo luật Địa phương 144 mới ở New York, các nhà tuyển dụng sử dụng AI hỗ trợ trong tuyển dụng và xét thăng tiến phải thường xuyên kiểm tra công cụ để phát hiện nhưng sai số tiềm ẩn về giới và chủng tộc, cũng như được yêu cầu công bố kết quả kiểm tra trực tuyến.

Emily Lamm, luật sư tại Gibson Dunn, cho biết một số nhà tuyển dụng cho rằng luật mới không áp dụng với họ, vì trí tuệ nhân tạo không thay thế người quyết định cuối cùng.

Theo nghiên cứu của Đại học Cornell trên gần 400 nhà tuyển dụng, đầu năm nay, chỉ có 18 nhà tuyển dụng đã đăng kết quả kiểm tra trực tuyến. Con số này còn thấp hơn hơn nữa đối với việc thông báo với ứng viên về việc sử dụng công cụ tuyển dụng tự động và cách từ chối cho phép AI can thiệp.

Trong nhiều năm, công nghệ đã giúp các nhà tuyển dụng sàng lọc hồ sơ ứng tuyển.

Lợi ích từ việc tuyển dụng có sự hỗ trợ của AI

Trong nhiều năm, phần mềm tuyển dụng đã giúp các nhà tuyển dụng sàng lọc hàng trăm đến hàng nghìn đơn ứng tuyển.

Theo nghiên cứu năm 2021 của Harvard, các công cụ tự động có thể loại bỏ hàng triệu người lao động đủ tiêu chuẩn dựa trên các tiêu chí như khoảng trống trong sơ yếu lý lịch hoặc không sử dụng từ khóa đúng.

Tuy nhiên, từ chối sử dụng các công cụ này cũng có thể làm giảm khả năng được tuyển dụng, bởi công ty không có nghĩa vụ xem xét tất cả đơn xin việc mà họ nhận được, theo các luật sư và nhà nghiên cứu việc làm.

Theo Joseph Fuller, giáo sư tại trường Harvard Business, sàng lọc hồ sơ ứng tuyển được hỗ trợ bởi AI giúp ích nhiều cho ứng viên, đặc biệt là giảm thiểu lo ngại về sự phân biệt đối xử khi tuyển dụng do con người thực hiện.

Về phía người ứng tuyển, để hồ sơ không bị vô cớ “xóa sổ”, nhiều người đã chi trả tiền tham gia các khóa học thuật toán tối ưu hóa CV để qua được vòng xét duyệt của trí tuệ nhân tạo.

Athena Karp, CEO của HiredScore bất ngờ khi hồ sơ của mình bị AI đánh trượt chỉ sau 45 phút. Ảnh: Athena Karp.

Con người vẫn "nắm đằng chuôi"

Athena Karp, CEO của HiredScore, công ty cung cấp phần mềm tuyển dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo cho các nhà tuyển dụng, cho biết hơn 80% ứng viên đồng ý sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình nộp đơn nếu được giải thích rõ ràng về mục đích.

Karp cho rằng trí tuệ nhân tạo mang lại lợi ích cho người tìm việc, như quét thông báo tuyển dụng tại công ty khác có thể phù hợp với kỹ năng của ứng viên.

Robert Kerans, Giám đốc CNTT công ty trụ sở tại Lake Bluff (Illinois, Mỹ), chia sẻ lại trải nghiệm “chua chát” gần đây khi anh ứng tuyển tại công ty sử dụng AI tuyển dụng.

Kerans đồng ý trí tuệ nhân tạo xét duyệt hồ sơ cho vị trí ứng tuyển là quản lý hỗ trợ công nghệ tại công ty CNTT Accenture. Chỉ sau 45 phút, hồ sơ của anh đã bị đánh rớt. Tốc độ từ chối khiến Kerans đặt nghi vấn về chất lượng của hệ thống, bởi anh tin rằng mình có đủ năng lực cho vị trí đó.

Accenture cho biết công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ tuyển dụng, nhưng quyết định cuối cùng vẫn do con người thực hiện.

Sau trải nghiệm thất bại đó, Kerans đã từ bỏ việc cho phép AI kiểm tra CV.

“Thực sự là mối liên kết giữa con người với nhau vẫn quan trọng hơn”, anh chia sẻ.

Như Phương

Đồ họa: Daisy Korpics/WSJ

Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-ai-danh-rot-ngay-tu-vong-nop-ho-so-xin-viec-post1462069.html