Bết bát các dự án ferocrom tại Thanh Hóa

(Baodautu.vn) Trong số 6 dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh ferocrom (sản phẩm tinh chế từ quặng cromit) tại tỉnh Thanh Hóa, chỉ có duy nhất dự án của Công ty TNHH Cromit Nam Việt đã hoàn thành giai đoạn I, nhưng cũng rơi vào tình trạng “bết bát” sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động.

TIN LIÊN QUAN

Thanh Hóa: Tàu chở dầu nổ, hất nhiều người xuống biển

Đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2

Thanh Hóa: Phạt DN "đầu độc" sông Mã 320 triệu đồng

TKV chỉ chờ được giá là rút vốn ngoài ngành

Góc nhìn về thỏa thuận tay ba PVN-EVN-TKV

Thông tin mới nhất từ Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, 6 dự án được cấp phép đầu tư sản xuất kinh doanh ferocrome có tổng công suất thiết kế đã được phê duyệt là 295.000 tấn/năm; tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3.153 tỷ đồng; nhu cầu nguyên liệu để đáp ứng đủ cho sản xuất hơn 600.000 tấn tinh quặng/năm. Sau 3 năm triển khai thực hiện và tổ chức sản xuất, các dự án đều rơi vào tình trạng bết bát và bộc lộ nhiều bất cập.

Nhà máy sản xuất ferecrom của Nam Việt đang đóng cửa sau thời gian ngắn đi vào hoạt động

Cụ thể, về năng lực tài chính, ngoài Công ty TNHH Cromit Nam Việt và Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV có khả năng về nguồn vốn, 4 chủ đầu tư còn lại là Công ty TNHH Ferocrom Thanh Hóa, Công ty cổ phần Luyện kim Việt Mỹ, Công ty cổ phần Ferocrom Việt Nam và Công ty cổ phần Khoáng sản Sông Đà Thanh Hóa đều rất khó khăn.

Lý giải sự yếu kém về năng lực tài chính của các chủ đầu tư, Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các doanh nghiệp này cam kết huy động thực hiện dự án bằng 2 nguồn vốn (tự có và vay thương mại). Trong đó, đối với nguồn vốn vay thương mại, các tổ chức tín dụng thiếu mặn mà cho vay trong lĩnh vực khai khoáng do tính rủi ro cao.

Còn đối với nguồn vốn tự có, thường chiếm tỷ trọng 10 - 15% tổng mức đầu tư của dự án (cá biệt như dự án của Công ty TNHH Ferocrom Thanh Hóa, tỷ trọng đóng góp này chiếm 100%), các doanh nghiệp chủ yếu huy động từ vốn góp của các cổ đông. Trong khi đó, cam kết góp vốn của các cổ đông thường không có tính khả thi khi những khác biệt cũng như mâu thuẫn trong việc điều hành, quản lý nảy sinh.

Một nguyên nhân nữa được đưa ra để lý giải cho tình trạng bết bát của các dự án ferocrome tại Thanh Hóa là đơn vị chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm, hầu hết chưa “kinh qua” lĩnh vực khai khoáng và chế biến ferocrom. Thậm chí, nhiều dự án được thực hiện bởi các nhà đầu tư trái ngành, như Nhà máy Sản xuất ferocrom của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt (chủ đầu tư là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản), Nhà máy Sản xuất ferocrom Sông Đà Thanh Hóa của Công ty cổ phần Khoáng sản Sông Đà Thanh Hóa (chủ đầu tư chuyên về thi công xây dựng các công trình dân dụng)...

Tình trạng trên đã dẫn đến việc các chủ đầu tư thiếu chuyên môn trong việc lựa chọn quy mô công suất, công nghệ thiết bị phù hợp, không có chiến lược về thị trường tiêu thụ, khó khăn trong công tác vận hành máy móc thiết bị...

Tại thời điểm lập dự án đầu tư (năm 2007, 2008), hầu hết chủ đầu tư các dự án ferocrom tại Thanh Hóa đều lựa chọn công nghệ lò luyện hồ quang điện xoay chiều bán kín. Nhược điểm của công nghệ này lại là khó khống chế được nhiệt độ lò, tính ổn định thấp, thường gây tắc lò và đặc biệt là cho ra sản phẩm chất lượng thấp, không đồng đều.

Đơn cử, dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt thường xảy ra sự cố tắc lò hoặc cho ra sản phẩm có chất lượng chưa đạt yêu cầu; hàm lượng crom trong ferocrom chỉ đạt 55-58%, trong khi để xuất khẩu thì phải đạt tối thiểu 68%, dẫn đến giá bán sản phẩm thấp, kinh doanh không hiệu quả và doanh nghiệp phải đóng cửa.

Trước tình trạng bết bát của các dự án ferocrom, Sở Công thương đã đề xuất 2 phương án giải quyết: thu hồi giấy phép đầu tư, hoặc giãn tiến độ đầu tư đến sau năm 2015 và chậm nhất là đến hết năm 2017.

Tuy nhiên, để thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ và các nhà đầu tư không có năng lực về vốn, kinh nghiệm…, thì phải giải quyết những tồn đọng liên quan đến giá trị khối lượng mà nhà đầu tư đã thực hiện, mỏ đã cấp, vấn đề pháp lý liên quan phức tạp. Do đó, Sở Công thương đã đề nghị thực hiện theo phương án giãn tiến độ đầu tư, đồng thời các ban, ngành liên quan vào cuộc, hướng dẫn chủ đầu tư cơ cấu lại dự án…

Sĩ Chức

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/bet-bat-cac-du-an-ferocrom-tai-thanh-hoa.html