Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước: Khẳng định ưu thế khi 'bắt tay' cùng y học hiện đại

Được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, mang trên vai trọng trách chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân theo phương pháp cổ truyền của dân tộc, những năm qua, tập thể y, bác sỹ của bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước đã nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh của người thầy thuốc.

Không chỉ vậy, đơn vị còn là "tấm gương" đáng quý khi từng bước kết hợp tốt phương pháp y học cổ truyền với phương pháp y học hiện đại trong chẩn đoán, điều trị bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hữu Hòa - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước (đeo kính đứng ở giữa)

Không ngừng cải tiến

Như Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hữu Hòa, Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh Bình Phước nhận định, chẩn đoán bệnh, điều trị cấp cứu vốn là thế mạnh của y học hiện đại, song y học cổ truyền lại rất hữu ích đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính hoặc bị di chứng do tai biến.

Chính vì thế, trong thời đại y học hiện đại phát triển vượt bậc như hiện nay thì y học học cổ truyền vẫn mang lại lợi ích cho người bệnh. Và sự phối hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền một cách phù hợp sẽ mang lại hiệu quả rất tốt trong điều trị bệnh.

Thấu hiểu điều đó, thời gian qua, Bệnh viện YHCT tỉnh Bình Phước đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc tăng cường nguồn lực đầu tư cho con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Đồng thời, từ những lợi ích khi kết hợp giữa 2 nền y học, trong nhiều năm qua, Bệnh viện đã đầu tư nhiều máy móc để giúp việc chẩn đoán, điều trị tốt hơn những bệnh như: tai biến mạch máu não, cao huyết áp, đau thần kinh tọa, liệt VII, các bệnh lý cơ xương khớp (thoái hóa khớp, đau khớp, thoát vị đĩa đệm)... Cũng như đầu tư máy sắc thuốc và đóng gói tự động để thuốc được sắc, đóng gói đúng liều lượng, chính xác.

Chia sẻ cụ thể hơn về quy trình y học cổ truyền “bắt tay” y học hiện đại, Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hữu Hòa nói, chẳng hạn với mỗi bệnh nhân đến khám ở Khoa Phục hồi chức năng sẽ được chẩn đoán bằng các phương pháp tây y, sau đó điều trị theo hướng của y học cổ truyền như: điện châm, laser châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt (loại không dùng thuốc); thuốc thang, thuốc cao đơn hoàn tán (loại dùng uống). Y học hiện đại hay y học cổ truyền đều có những ưu điểm riêng, khi kết hợp với nhau mục đích nhằm mang lại tính hài hòa, hiệu quả, lợi ích tốt và giảm các tác dụng phụ cho người bệnh.

Sau bao thành quả để lại, chính chữ "TÂM" xuất phát từ Y đức của người thầy thuốc đã từng bước nâng tầm thương hiệu cho bệnh viện. Nhờ vậy mà nơi đây dần trở thành địa chỉ tin cậy của người dân, cụ thể, 11 tháng đầu năm 2022 đơn vị đã có gần 70.000 lượt người đến khám, chữa bệnh, trong đó điều trị nội trú là gần 2.000 người, ngoại trú gần 1.300 người.

Tự hào tiếp bước

Như Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hữu Hòa nhận định, trong mọi công cuộc phát triển, song song với công nghệ, con người là yếu tố quyết định hàng đầu đến chất lượng hoạt động của bệnh viện. Hiểu rõ điều đó, trong công tác điều trị, ban lãnh đạo luôn tạo điều kiện tối đa cho 66 cán bộ y, bác sĩ trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn.

Đồng thời luôn đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thông qua việc đơn vị luôn chủ động tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và y đức, kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử cho đội ngũ viên chức, người lao động để từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế.

"Trong giao tiếp với người bệnh, chúng tôi luôn thực hiện "4 xin, 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đối với bác sỹ khám bệnh tại khoa Khám bệnh đa khoa phải luôn chào hỏi khi người bệnh bước vào phòng khám và thực hành khẩu ngữ: “Chào anh (chị, cô, dì, chú, bác...). Mời ngồi vào ghế khám”. Đối với bác sĩ tại các khoa nội trú, thực hành khẩu ngữ: “Chào anh (chị, cô, di, chú, bác...). Mời vào giường để bác sĩ khám”.

Tại khoa Phục hồi chức năng, thực hành khẩu ngữ: “Chào anh (chị, cô, dì, chú, bác...). Mời vào giường để làm thủ thuật”. Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần cầu thị, lắng nghe; tâm huyết, tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc. Dĩ nhiên trong mọi công tác, người lãnh đạo đóng vai trò "làm gương", phải luôn công tâm, khách quan để đưa bệnh viện ngày càng đi lên" - Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hữu Hòa nói.

Không chỉ vậy, đơn vị còn thường xuyên rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiến nghị loại bỏ những thủ tục hành chính phức tạp, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức; tăng cường tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính. Chính việc đầu tư hiệu quả vào con người và hạ tầng trang thiết bị, Bệnh viện YHCT tỉnh Bình Phước đã củng cố và nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ ngày càng cải thiện. Từ đó, nhận được niềm tin yêu của nhân dân Bình Phước và các địa phương lân cận.

Trong buổi đến thăm và làm việc với tỉnh Bình Phước trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, nguồn dược liệu tại địa phương là “tài nguyên” quý cho sức khỏe, đẩy mạnh hơn nữa việc kết hợp khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền với y học hiện đại. Những lợi ích của y học cổ truyền trong điều trị bệnh là rất đáng ghi nhận, bên cạnh việc phát triển y khoa hiện đại thì cần phải chú trọng đầu tư cho sự phát triển của y học cổ truyền.

Đầu tư đúng và đầy đủ cho y học cổ truyền phát triển song song với những tiến bộ của y khoa hiện đại là chiến lược quan trọng của ngành y tế, hướng đến mục tiêu chăm sóc toàn diện về sức khỏe cho tất cả người dân trong cộng đồng. Và bệnh viện YHCT tỉnh Bình Phước chính là "minh chứng sống" đang từng ngày phát huy thế mạnh phương thuốc chữa bệnh dân gian, để luôn là phương pháp “lành” điều trị bệnh hiệu quả cho người dân.

Hoàng Lâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/benh-vien-y-hoc-co-truyen-tinh-binh-phuoc-khang-dinh-uu-the-khi-bat-tay-cung-y-hoc-hien-dai-217396.html